Tạo làn sóng thu hút đầu tư thứ 3 từ việc hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM

Quốc Hải Thứ năm, ngày 09/02/2023 15:45 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia kinh tế, việc sớm hình thành và đi vào hoạt động Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM sẽ là nền tảng để thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn tài chính.
Bình luận 0

Sau 2 làn sóng thu hút đầu tư rất thành công, TP.HCM cần sớm tạo thêm làn sóng đầu tư thứ 3 từ việc hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế bằng việc kiện toàn trước hết là thị trường vốn.

TP.HCM phải trở thành "hub" các đầu mối, dòng vốn trong và ngoài nước

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), cho biết, thành phố đã trình đề án với 6 nội dung cơ bản lên Chính phủ và đang chờ phê duyệt để triển khai. Một trong những nội dung quan trọng là xác định trụ cột quan trọng của trung tâm tài chính, đối chiếu với thực trạng hiện nay; xác định rõ mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố cùng những kiến nghị cơ chế, chính sách đột phá và đặc thù, có những cơ chế thử nghiệm thí điểm (sandbox). 

Tạo làn sóng thu hút đầu tư thứ 3 từ việc hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM  - Ảnh 1.

Vệc sớm hình thành và đi vào hoạt động Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM sẽ là nền tảng để thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn tài chính. Ảnh: Quốc Hải

"Đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế đã thống nhất quan điểm đây là trung tâm tài chính của Việt Nam và đặt tại TP.HCM. Theo đề án, TP xác định mục tiêu trở thành hub (nơi hội tụ) để thu hút các đầu mối, dòng vốn trong và ngoài nước", ông Hòa nói.

Chia sẻ thêm về sự cấp thiết của việc hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM, ông Hòa cho rằng, nhìn lại quá trình phát triển TP.HCM đã trải qua hai làn sóng đầu tư rất thành công, và lần này TP phải tạo ra làn sóng đầu tư thứ 3 bằng việc hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế.

Cụ thể, theo ông Hòa, ở làn sóng thứ nhất, thành phố đã thành công trong việc thu hút nhiều doanh nghiệp thuộc đa lĩnh vực và hình thành nhiều Khu chế xuất- Khu công nghiệp. Nền tảng này đã mở ra nhiều cơ hội, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống của người dân; tạo niềm tin lớn cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài...

Ở làn sóng đầu tư thứ 2, TP.HCM hướng đến việc thu hút đầu tư một cách có chọn lọc hơn, theo hướng nâng cao chất lượng dòng vốn doanh nghiệp đầu tư như: Samsung, Intel... Những doanh nghiệp FDI này đã tạo cơ sở để dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu đến Việt Nam. Điển hình thành công của làn sóng đầu tư này là thành phố đã hình thành Khu Công nghệ cao.

Nhằm khắc phục những hạn chế, tạo xung lực mới cho TP.HCM phát triển toàn diện, ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiều giải pháp, chiến lược đột phá, trong đó có ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM.

Trung tâm này vừa là mục tiêu vừa là giải pháp cho thành phố làm tốt vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay trung tâm này chưa thể hình thành...

Tuy nhiên, với quy mô và vai trò mới trong bối cảnh hiện nay, thành phố cần phải tạo ra làn sóng thu hút đầu tư thứ 3. Trong đó, hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế bằng việc kiện toàn trước hết là thị trường vốn.

"Trên thực tế, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Do đó, việc sớm hình thành Trung tâm tài chính quốc tế sẽ là nền tảng để thu hút đầu tư, tạo cú hích mạnh cho đồng bộ các ngành cùng phát triển", ông Hòa chỉ ra.

Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, hiện nay nguồn vốn cho nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu là ngân hàng thương mại, trong khi nguồn vốn tín dụng dành cho vốn vay lưu động và người dân đã quá tải. 

"Thị trường vốn ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều sự cố và đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có trung tâm tài chính để thu hút nguồn vốn từ thị trường quốc tế. 

Việc thu hút vốn này không phải là nhiệm vụ của riêng TP.HCM, cũng không phải là nhiệm vụ của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) mà là nhiệm vụ của những định chế tài chính, quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ, quỹ mua bán nợ, quỹ đầu tư hạ tầng… đứng ra huy động vốn", ông Hiển nói.

Quyết liệt với các giải pháp về thị trường vốn

Ngoài việc đẩy mạnh củng cố, hoàn thiện các yếu tố của thị trường vốn, TS Đinh Thế Hiển cũng đề xuất TP phải giữ lại được Sở Giao dịch Chứng khoán và sở Giao dịch Chứng khoán TP phải được niêm yết và giao dịch trái phiếu chứ không thể quy định cứng nhắc là chỉ có sàn Hà Nội mới quản lý giao dịch trái phiếu.

"Trái phiếu khi được công khai niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM thì phải đảm bảo minh bạch, an toàn", ông Hiển nói thêm.

Tạo làn sóng thu hút đầu tư thứ 3 từ việc hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM  - Ảnh 3.

Bán đảo Thủ Thiêm, nơi dự kiến hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM. Ảnh: Quốc Hải

Trong khi đó, về kinh nghiệm xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank, cho biết, với nhiều kinh nghiệm tham gia chào bán cổ phiếu cũng như huy động vốn cho Vietjet tại các thị trường tài chính quốc tế, có 5 yếu tố cơ bản để hình thành một thị trường tài chính quốc tế mà TP nên tham khảo.

Thứ nhất, trung tâm tài chính quốc tế phải là nơi trung chuyển tài chính, tức là phải 2 chiều. Làm sao để các doanh nghiệp, định chế tài chính quốc tế muốn huy động vốn là nghĩ đến TP.HCM. 

"Bản thân các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các roadshow thì sẽ nghĩ ngay đến các trung tâm tài chính quốc tế lớn như: London, New York, Hồng Kong, Singapore…. Điều này cho thấy, để trở thành trung tâm tài chính quốc tế thực sự là khi các doanh nghiệp cần sử dụng vốn thì đến đó chứ không phải là nơi chỉ đưa vốn vào", ông Nam nói.

Thứ 2 là nguồn nhân lực, lĩnh vực tài chính phải có nguồn nhân lực chuyên sâu trong khi đó cần phải nhìn nhận, nguồn nhân lực Việt Nam còn hạn chế. 

Thứ 3 là về vấn đề cơ sở hạ tầng. Ngoài cảng biển, hàng không, tòa nhà... cần phải có công nghệ và viễn thông vì hiện nay các công ty tài chính (Fintech) ở Việt Nam đang phát triển rất tốt.

Thứ 4, là các vấn đề về cơ chế chính sách và yếu tố thứ 5 là hành lang pháp lý. Đặc biệt là Việt Nam phải có các chính sách về thuế để có thể thu hút các doanh nghiệp, định chế tài chính quốc tế tham gia. 

"TP.HCM cần phải nâng tầm sàn chứng khoán TP.HCM vì hiện nay trên thị trường chứng khoán chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết. Kinh nghiệm từ các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới như New York, London, Singapore… cho thấy, họ luôn tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên thị trường này. Đây cũng là kênh thu hút vốn rất quan trọng và rất lớn", ông Nam nói thêm.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem