Được mùa mất giá, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vẫn đạt lợi nhuận 5.200 tỷ đồng

Trần Khánh Thứ năm, ngày 29/12/2022 12:55 PM (GMT+7)
Năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Viêt Nam (VRG) đạt doanh thu hợp nhất đạt 28.600 tỷ đồng, đạt 101,1% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 5.200 tỷ đồng, đạt 106,1% kế hoạch năm.
Bình luận 0

Đây là thông tin công bố tại buổi gặp gỡ báo chí do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức chiều ngày 28/12.  

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về đích sớm

Ông Lê Thanh Hưng – Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, VRG thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2022 trong bối cảnh kinh tế  xã hội thế giới và trong nước có nhiều khó khăn.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức buổi gặp gỡ báo chí cuối năm. Ảnh: Trần Khánh

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức buổi gặp gỡ báo chí cuối năm. Ảnh: Trần Khánh

Năm nay, sản phẩm chính của Tập đoàn VRG là mủ cao su vẫn hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác. Tuy nhiên, đây lại là sản phẩm có lợi nhuận thấp giá do giá giảm trong giai đoạn cuối năm.

"Có thể nói là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam năm nay được mùa nhưng mất giá", ông Hưng nói.

Theo dự báo, giá cao su sẽ còn không thuận lợi trong thời gian tới. Trong khi đó, các chi phí đầu vào đều tăng, đặc biệt là tiền lương công nhân và chi phí thuê đất.

Ở nhiều nơi, diện tích cao su của VRG đang chịu áp lực về việc giảm diện tích do các địa phương thu hồi để phát triển kinh tế xã hội.

Một số dự án cao su nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện hạ tầng còn thiếu, phải đầu tư nhiều công trình có tính xã hội nên suất đầu tư cao. Ngành cao su su cũng chịu sự cạnh tranh trong tuyển dụng lao động, nhất là những địa bàn phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ.

Người lao động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang khai thác mủ cao su. Ảnh: Trần Khánh

Người lao động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang khai thác mủ cao su. Ảnh: Trần Khánh

Bên cạnh những khó khăn, ông Hưng cho biết, VRG vẫn có những cơ hội lớn. Nhất là nhờ có quỹ đất quản lý lớn, đủ điều kiện để Tập đoàn phát triển các ngành nghề có hiệu quả cao.

Cụ thể như VRG có điều kiện phát triển các ngành công nghiệp liên quan đến sản phẩm chính như công nghiệp chế biến gỗ, công nghiệp cao su. Cổ phiếu GVR đang giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM và xếp trong nhóm doanh nghiệp lớn VN30.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nâng chỉ tiêu lợi nhuận

Theo ông Hưng, công tác nông nghiệp vẫn là một trong trong những lĩnh vực có kết quả nổi bật nhất trong năm 2022.

VRG được giao sản lượng khai thác 403.999 tấn. Tính đến ngày 15/12/2022, VRG đã hoàn thành chỉ tiêu này, và về đích trước kế hoạch 16 ngày.

Ước thực hiện các chỉ tiêu năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, sản lượng khai thác ước 429.852 tấn, đạt 106% kế hoạch năm. Doanh thu các công ty cao su ước đạt 21.352 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch năm.

Năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, sản lượng khai thác ước 429.852 tấn, đạt 106% kế hoạch năm. Ảnh: Trần Khánh

Năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, sản lượng khai thác ước 429.852 tấn, đạt 106% kế hoạch năm. Ảnh: Trần Khánh

Trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, diện tích cho thuê mới của VRG là 28ha, bằng 11,8% kế hoạch năm. Doanh thu khu công nghiệp ước 2.138 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm.

Tính tổng thể, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn VRG là 28.600 tỷ đồng, đạt 101,1% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 5.200 tỷ đồng, đạt 106,1% kế hoạch năm.

Riêng Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, doanh thu là 3.629 tỷ đồng, đạt 101,4% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế của tập đoàn 1.500 tỷ đồng, đạt 124,0% kế hoạch năm.

Lãnh đạo VRG cho biết, Tập đoàn đặt mục tiêu đến 2025, tổng doanh thu dự kiến của VRG sẽ tăng hơn 30% so với hiện nay, lợi nhuận tăng trưởng khoảng 20%.

Doanh thu hợp nhất của VRG trung bình đạt khoảng 32.300 tỷ đồng/năm; lợi nhuận hợp nhất trước thuế trung bình khoảng 6.870 tỷ đồng/năm.  

Khu công nghiệp Long Khánh của công ty CP KCN Long Khánh (Đồng Nai), thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý. Ảnh: Trần Khánh

Khu công nghiệp Long Khánh của công ty CP KCN Long Khánh (Đồng Nai), thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý. Ảnh: Trần Khánh

Đề thực hiện được mục tiêu đó, VRG có những định hướng cụ thể. Trước hết là VRG chuyển đổi một phần diện tích cao su sang ngành nghề khác theo quy hoạch của địa phương. Tập đoàn sẽ duy trì diện tích cao su đến năm 2025 khoảng 360.000-370.000 ha.

Ngành chế biến gỗ và công nghiệp caọ su sẽ được VRG tiếp tục phát triển để khai thác hiệu quả nhất chuỗi giá trị của cây cao su. Đồng thời VRG duy trì thị phần gỗ MDF khoảng 50% thị trường trong nước.

VRG sẽ phát triển sản phẩm công nghiệp cao su để hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô; khai thác có hiệu quả cao nhất quỹ đất đủ điều kiện để phát triển các Khu công nghiệp và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

"Bên cạnh việc cơ cấu lại các doanh nghiệp thành viên, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vẫn đặt mục tiêu hàng đầu là chăm lo tốt đời sống cho người lao động của ngành, đảm bảo việc làm và thu nhập, đặc biệt quan tâm đến người lao động có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách", ông Hưng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem