Tập Đoàn Nam Cường: Kinh doanh tụt dốc, lợi nhuận "siêu mỏng" và dòng tiền âm nặng

Quang Dân Thứ sáu, ngày 26/03/2021 08:00 AM (GMT+7)
Trái ngược với sự hiệu quả trong chiến lược thu gom đất đai, kết quả kinh doanh của Tập đoàn nam Cường lại kém khả quan trong những năm gần đây.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, mới đây, TP Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. Đáng kể trong đó, có nhiều dự án của Tập đoàn Nam Cường được điểm tên.

Tập đoàn Nam Cường được biết đến như một “ông lớn” trong ngành bất động sản phía Bắc, khi sở hữu nhiều dự án với quỹ đất khủng. Tuy nhiên, trái ngược với sự hiệu quả trong chiến lược thu gom đất đai, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này lại kém khả quan trong những năm gần đây.

Cột mốc 2015 là thời điểm đánh dấu bước thụt lùi của Tập đoàn Nam Cường khi chỉ ghi nhận mức doanh thu hơn 154 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 7 tỷ đồng.

Lúc này, với vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, tỷ suất sinh lợi của doanh nghiệp chỉ đạt 0,14%, thấp hơn hàng chục lần so với lãi suất tiết kiệm.

Một năm sau đó, doanh thu của Tập đoàn Nam Cường tăng gấp đôi lên 306 tỷ đồng, cùng với đó mảng tài chính đem về cho doanh nghiệp thêm 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 750 triệu đồng.

Kết thúc năm, doanh nghiệp báo lãi sau thuế gần 134 tỷ đồng, cải thiện đáng kể tỷ suất sinh lợi năm trước, tuy nhiên vẫn rất khiêm tốn với lãi suất tiền gửi.

Đáng chú ý, cuối năm 2016, tổng tài sản của Tập đoàn Nam Cường giảm hơn 2.425 tỷ đồng sau một năm, đạt hơn 5.860 tỷ đồng. Chủ yếu là do khoản phải thu ngắn hạn khác giảm mạnh còn 1.640 tỷ đồng, trong khi năm trước đó gần 5.200 tỷ đồng.

Tập Đoàn Nam Cường: Kinh doanh tụt dốc, lợi nhuận "siêu mỏng", kém chục lần lãi suất ngân hàng - Ảnh 1.

Nguồn: Tập đoàn Nam Cường

Năm 2017, doanh thu Tập đoàn Nam Cường nhảy vọt lên mức 547 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi khấu trừ đi các loại chi phí, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm gần 10% so với năm trước, đạt 121 tỷ đồng.

Tài sản khi đó tăng lên 6.400 tỷ đồng, đối ứng bên nguồn vốn, nợ vay cũng vì thế mà phình to, đặc biệt là khoản vay dài hạn với 710 tỷ đồng, cao gấp hơn hai lần năm trước.

Lãi ròng của Tập đoàn Nam Cường tiếp tục thụt lùi trong năm tiếp theo, năm 2018. Cùng kỳ, doanh thu cũng giảm về ngưỡng 300 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối kế toán, dư nợ vay đã tăng từ 997 tỷ đồng lên gần 1.250 tỷ đồng vào cuối năm.

Với việc dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 404 tỷ đồng, không quá ngạc nhiên khi tập đoàn Nam Cường đẩy mạnh chiếm dụng nguồn vốn ngoài.

Theo các nhà phân tích, dòng tiền kinh doanh biểu hiện cho việc doanh nghiệp có thu được tiền về từ hoạt động kinh doanh hay không. Ở trường hợp này, dòng tiền kinh doanh âm đồng nghĩa với việc Tập đoàn Nam Cường chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không hề thu được tiền về...

Tỷ suất lợi nhuận/vốn góp chủ sở hữu của doanh nghiệp khi đó chỉ dừng ở mức 1,8%/năm.

Tập Đoàn Nam Cường: Kinh doanh tụt dốc, lợi nhuận "siêu mỏng", kém chục lần lãi suất ngân hàng - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Nam Cường kém khả quan trong những năm gần đây.

Đến năm 2019, doanh thu thuần của Tập đoàn Nam Cường đạt 229,3 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Lãi ròng cũng chỉ ở mức 28,6 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức lợi nhuận năm 2018 là 85 tỷ đồng. Đây cũng là mức đáy lợi nhuận của Tập đoàn Nam Cường, khiến tỷ suất sinh lời thấp gần kỉ lục (0,6%).

Bên cạnh đó, dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Nam Cường tiếp tục tăng âm, lên 514 tỷ đồng. Như vậy doanh nghiệp vẫn chưa giải quyết được bài toán về tiền duy trì hoạt động, mà chất lượng "dòng máu" của Tập đoàn Nam Cường còn đang đối diện với những vấn đề khá nghiêm trọng.

Việc liên tiếp âm dòng tiền kinh doanh là nguyên nhân Tập đoàn Nam Cường phụ thuộc hơn vào các khoản nợ vay. Lúc này, tổng dư nợ đã tăng lên 1.824 tỷ đồng.

Nhiều dự án của Tập đoàn Nam Cường "mắc cạn". Cụ thể:

Chậm giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị Chương Mỹ, Phú Nghĩa, Chương Mỹ do không còn phù hợp quy hoạch chung thị trấn Chúc Sơn.

Chậm giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Cổ Nhuế, Phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm. Nguyên nhân được xác định do vướng mắc công trình ngầm của Học viện Kỹ thuật quân sự.

TP Hà Nội yêu cầu, Tập đoàn Nam Cường phối hợp với Quận và Học viện Kỹ thuật quân sự làm rõ nội dung vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo pháp luật với dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam đoạn qua Thạch Thất. Quyết định thu hồi khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai.

Hà Nội cũng kiến nghị ra hạn 24 tháng, nộp nghĩa vụ tài chính đối với dự án Bệnh viện Quốc tế 500 giường tại Dương Nội do Nam Cường làm chủ đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem