Tập trung nguồn lực nâng tầm nông thôn mới, nhiều nơi ở Hà Nội không còn hộ nghèo

Thiên Hương Thứ năm, ngày 11/08/2022 06:25 AM (GMT+7)
TP.Hà Nội phấn đấu trong năm nay sẽ có thêm ít nhất 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 2 huyện đạt chuẩn NTM. Vì vậy, nhiều địa phương tại Thủ đô đang tập trung nguồn lực hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Bình luận 0

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, thu nhập người dân tăng nhanh

Tận mắt chứng kiến gần 300 con trâu bò đang nuôi nhốt trong các dãy chuồng, con nào cũng to béo, chúng tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi ngay tại xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) lại có một trang trại chăn nuôi trâu bò lớn như vậy. Ông Trần Văn Khánh - chủ trang trại cho biết, trước kia nhà ông làm nghề mua trâu, bò giống về bán kiếm lời, chỉ những con gầy yếu, bệnh tật mới để lại chữa trị, vỗ béo bán sau.

Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, tại địa bàn Gia Lâm diện tích cỏ tự nhiên ngày càng ít đi, đất trồng cỏ cũng thu hẹp dần, dẫn đến nhu cầu mua bán trâu bò ở địa phương giảm mạnh. Ông Khánh đã kịp thời chuyển sang chăn nuôi trâu bò hướng thịt, và bất ngờ đạt được hiệu quả cao.

Tập trung nguồn lực nâng tầm nông thôn mới Thủ đô - Ảnh 1.

Thi công đường nội đồng vùng bãi xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm). Ảnh: Tạ Đình

Đến cuối năm 2021, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu 100% xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, xác định công cuộc xây dựng NTM không có điểm dừng, do vậy các huyện đã đạt chuẩn NTM sẽ tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã đạt được theo hướng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, NTM thông minh…

Để đảm bảo nuôi được số lượng vài trăm con trâu bò các loại, ông Khánh phải thuê lại trang trại lợn của một số hộ liền kề, rồi cải tạo lại để chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng, cho ăn thức ăn kiểu bán công nghiệp. Các giống bò ông nuôi chủ yếu là bò 3B, Zebu, Brahmam, bò lai Sind... 

Lúc cao điểm, trang trại của ông Khánh nuôi tới 450 con trâu bò thịt các loại. Đầu ra của trang trại cũng rất đa dạng, từ bê nghé bán cho người nuôi thương phẩm, tới trâu bò thịt xuất bán cho các lò giết mổ. Nếu thuận lợi, mỗi năm ông Khánh thu lãi ròng từ 2-2,5 tỷ đồng, tương ứng mỗi con trâu, bò cho lãi từ 0,8-1,3 triệu đồng/tháng.

Ở xã Văn Đức bây giờ, có thể đếm không xuể những mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập tiền tỷ. Tuy là xã thuần nông lại xa trung tâm, nhưng thu nhập của Văn Đức từ năm 2020 đã đạt 50 triệu/người/năm, không còn hộ nghèo. Riêng về trồng rau an toàn, Văn Đức đang có hơn 200ha, nhiều nhất nhì Hà Nội.

Hay như ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), nhờ tập trung chuyển đổi hàng trăm ha đất trồng lúa, rau màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao mà thu nhập bình quân đầu người của xã tăng nhanh. 

Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh phấn khởi cho biết: "Trung bình 1ha hoa, cây cảnh của xã cho thu nhập 780 triệu đồng/năm; trồng cây ăn quả đạt 290 triệu đồng/ha/năm. Năm 2021, thu nhập bình quân toàn xã đạt 69,3 triệu đồng/người/năm. Xã đang phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với đầu tư xây dựng xã thành phường và phát triển du lịch".

Về đích NTM từ năm 2018, thời gian qua huyện Gia Lâm đã có nhiều khởi sắc và thay đổi tích cực nhờ Chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển thành quận vệ tinh trong tương lai gần của Thủ đô, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã nhấn mạnh công tác xây dựng NTM cần được thực hiện thực chất hơn, hiệu quả và bền vững hơn...

Nhiều huyện không còn hộ nghèo

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội cho biết, kinh tế nông thôn phát triển góp phần tích cực vào việc cải thiện và nâng cao đời sống cho người nông dân trên địa bàn Thủ đô. Đáng chú ý, một số huyện có thu nhập bình quân đầu người cao vượt trội như: Thạch Thất 70 triệu đồng/năm, Hoài Đức 62 triệu đồng, Đan Phượng 61,2 triệu đồng…

Đa số các gia đình đã có nhà ở kiên cố, khang trang, đường đi lối lại ở các vùng nông thôn đều được trải nhựa, bê tông sạch đẹp. Đến nay, hơn 90% người dân khu vực nông thôn đã tham gia đóng bảo hiểm y tế; 100% các xã được kết nối internet; hầu hết các gia đình có điện thoại để sử dụng. 

Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của Hà Nội giảm còn khoảng 0,3%; trong đó có 4 huyện không còn hộ nghèo gồm Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức. 

Theo Ban chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, đến hết quý II/2022, thành phố đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.

Các huyện Ứng Hòa, Ba Vì và huyện Mỹ Đức đang bám sát Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, tiến hành hoàn thiện các tiêu chí huyện, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2022.

Về xây dựng NTM nâng cao, huyện Đan Phượng đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Năm nay, huyện này đăng ký có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2022. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem