dd/mm/yyyy

Tàu cá bị bắt ở nước ngoài có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp

Tình hình tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý có giảm so với năm 2019 nhưng còn diễn biến phức tạp thậm chí có ngư dân thiệt mạng.

Tàu cá bị bắt ở nước ngoài có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp lần 4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU sáng 8/9. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 8/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp lần 4 của Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU với sự tham gia của Bộ NN-PTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 8/2020, cả nước xảy ra 57 vụ, 92 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Con số này của cùng kỳ năm 2019 là 110 vụ và 181 tàu bị bắt giữ, xử lý.

Trong đó, các địa phương có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý vẫn tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang (34 vụ/58 tàu), Cà Mau (5 vụ/8 tàu), Bến Tre (6 vụ/7 tàu), Bà Rịa - Vũng Tàu (4 vụ/6 tàu), Bình Định (3 vụ/6 tàu), Khánh Hòa (1 vụ/3 tàu), Bạc Liêu (1 vụ/1 tàu), Tiền Giang (1 vụ/1 tàu), Quảng Ngãi (1 vụ/1 tàu).

Các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam tập trung tại Malaysia (19 vụ/32 tàu), Indonesia (12 vụ/26 tàu), Thái Lan (12 vụ/15 tàu), Campuchia (11 vụ/15 tàu), Philippines (3 vụ/4 tàu).

Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, tình hình tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tính đến hiện nay có giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng chưa vững chắc, vẫn còn diễn biến phức tạp.

Vẫn còn xảy ra các vụ va chạm gây thiệt hại đến tính mạng của ngư dân Việt Nam (gần đây nhất là vụ việc lực lượng chức năng Malaysia bắn chết 1 ngư dân Kiên Giang trong quá trình bắt giữ, xử lý vào ngày 16/8/2020).

Tàu cá bị bắt ở nước ngoài có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến báo cáo kết quả triển khai thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Ảnh: Tùng Đinh.

Các tỉnh Bến Tre, Cà Mau; đặc biệt là Kiên Giang, các vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý chưa giảm, vẫn còn tình trạng sơn tàu, mang biển số giả của nước ngoài…để cố tình vi phạm.

Trong khi đó, các tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định vẫn còn tàu vi phạm nhưng các vụ việc đã giảm so với trước; điển hình là tỉnh Bình Thuận (từ đầu năm 2020 đến nay chưa phát hiện tàu bị nước ngoài bắt giữ).

Liên quan tình trạng này, hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá theo quy định.

Tình trạng tàu cá thường xuyên mất kết nối thiết bị VMS với trạm bờ vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Bến Tre, Nghệ An...

Đến nay, mới chỉ có tỉnh Bình Định, Ninh Bình, Phú Yên đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS cho tàu cá theo quy định. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An... đã chủ động tham mưu, ban hành chính sách hỗ trợ để ngư dân lắp đặt, sử dụng thiết bị VMS đạt hiệu quả.

Tùng Đinh