Tây Bắc oằn mình chống lại giá rét

Nhóm PV Tây Bắc Thứ hai, ngày 14/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Những ngày này, nhiều bản làng vùng cao ở các tỉnh Tây Bắc luôn chìm trong sương mù. Với nhiệt độ khoảng 10 độ C kèm theo mưa gió khiến cái lạnh cắt da cắt thịt càng thêm ngấm.
Bình luận 0

Trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy, người dân vùng cao đã chủ động các biện pháp phòng chống rét cho người và vật nuôi, duy trì hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.

Chủ động phòng chống rét cho "đầu cơ nghiệp"

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao, từ đêm ngày 12/2 đến nay, vùng núi Bắc Bộ có mưa rào, mưa to kèm theo giá rét. Ghi nhận của PV tại bản Cửa Rừng, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, nhiệt độ giảm sâu vào sáng sớm và tối gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của bà con.

Đang dùng đôi bàn tay nứt nẻ, thô ráp của mình quây bạt quanh chuồng bò của gia đình, chị Vừ Thị Xinh (bản Cửa Rừng) chia sẻ: Đây là đợt mưa rét thứ 2 trong năm sau đợt 1 diễn ra vào đúng dịp nghỉ tết trước đó. Nhiệt độ sáng sớm và chiều tối dao động từ 8 - 10 độ C cộng với mưa gió khiến cái rét như cắt da cắt thịt.

"Đàn bò nhà tôi có 4 con bê mới đẻ. Trời mưa rét thế này gia đình lo chúng sẽ bị chết lạnh. Cũng may, sáng hôm qua nhờ xem được dự báo thời tiết trên tivi rằng không khí lạnh sẽ tăng cường trở lại nên từ tối qua 2 vợ chồng tôi đã lên bãi thả lùa đàn bò về nhà.

Tây Bắc oằn mình chống lại giá rét - Ảnh 1.

Đồng bào Mông xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La lùa đàn gia súc về chuồng trại để tránh rét. Ảnh: P.V

Miền Bắc còn mưa rét dài ngày

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia chiều 13/2: Do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh liên tục được tăng cường, vì thế các tỉnh miền Bắc suốt từ ngày 29/1 tới nay đã xảy ra tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài. Dự báo tình trạng mưa rét, ẩm ướt ở Bắc Bộ sẽ còn duy trì nhiều ngày trong tháng 2 và còn tiếp tục trong những ngày đầu tháng 3/2022. Hiện nay miền Bắc sẽ đón một đợt gió mùa Đông Bắc mạnh và khoảng cuối tuần tới, tức khoảng ngày 19/2 sẽ lại có thêm một đợt gió mùa Đông Bắc nữa ảnh hưởng đến nước ta. Như vậy trong khoảng 7-10 ngày tới sẽ có tới 2 đợt không khí lạnh mạnh ảnh hưởng đến nước ta.

Cụ thể, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên độ cao 5.000 m, nên trong ngày hôm nay, ở các tỉnh Bắc Bộ sẽ có mưa, mưa rào và có nơi có giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 30-50mm, có nơi trên 70mm; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa, mưa rào và có nơi có giông.

Ở Bắc Bộ trời tiếp tục rét. Riêng ngày 13/2, vùng đồng bằng có nơi rét đậm, vùng núi và trung du có rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14 độ C, vùng núi 8-11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 6 độ C và có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết. Từ đêm 13/2, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ C. Các ngày 14-15/2 không khí lạnh tiếp tục bổ sung, miền Bắc giảm mưa nên nhiệt độ thì vẫn thấp, nhưng không còn xảy ra rét đậm, rét hại.

img

Từ sáng 13/2 không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Đông Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao nên trong ngày và đêm nay Bắc Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 40mm; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa, mưa rào và có nơi có giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ở Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14 độ C, vùng núi 8-11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 6 độ và có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết. Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ C.

N.D

Sáng nay (13/2 - PV), gia đình tôi vừa quây bạt quanh chuồng trại cho đàn bò. Cùng với đó là đốt lửa, mặc áo cho 4 con bê và cho chúng uống nước ấm hoà muối để tăng cường sức khoẻ…" - chị Xinh vừa nói vừa xoa bàn tay run rẩy của mình vào bếp lửa bên cạnh chuồng bò.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, anh Giàng A Và - Trưởng bản Cửa Rừng thông tin: Bản có 96 hộ, với 496 nhân khẩu. Bà con cùng nhau sinh sống dọc 2 bên Tỉnh lộ 108, ngay trên đỉnh núi ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển. Vì vậy, thời tiết rét mướt vào mùa đông khiến đời sống sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Trưởng bản Cửa Rừng, do ở vùng núi cao nên bà con bản đây chủ yếu tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc. Trước đây, bà con chủ yếu thả rông trâu, bò ở trên rừng. Khi thời tiết quá lạnh lại xuất hiện tình trạng trâu, bò chết rét.

Để chủ động ứng phó với mưa rét, tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc trên đàn vật nuôi, ngay từ đầu mùa đông, Ban quản lý bản đã phối hợp với cán bộ xã, huyện hướng dẫn bà con chủ động dự trữ nguồn thức ăn và thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi vốn được coi là "đầu cơ nghiệp". Nhờ vậy, trong nhiều năm trở lại đây, thói quen thả rông gia súc vào mùa rét giảm đi rất nhiều, tình trạng vật nuôi chết rét đã không còn.

Tránh thiệt hại về cây trồng, vật nuôi

Huyện Vân Hồ, Mộc Châu của tỉnh Sơn La nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh khô đối với một số xã vùng dọc sông Đà và ẩm ướt đối với các xã dọc quốc lộ 6 và các bản vùng cao.

Những năm gần đây, thời tiết khí hậu khắc nghiệt hơn như khô hanh, sương muối, lốc, mưa đá, băng giá xuất hiện nhiều lần trong năm đã gây thiệt hại trong sản xuất, chăn nuôi và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện Vân Hồ các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn đã thực hiện gia cố, che, chắn, vệ sinh nền chuồng không để ẩm ước, gió lùa, hạn chế chăn thả buổi sáng, bổ sung thức ăn tinh bột, cỏ tươi, rơm, dạ.

Nhiều năm trở lại đây, chăn nuôi gia súc, gia cầm là sinh kế chính của gia đình anh Đinh Công Lương và nhiều hộ dân ở bản Hang Trùng 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ. Với hàng trăm con gà, 40 con lợn được nuôi và xuất bán mỗi năm đem lại nguồn thu cao, nên anh Lương luôn chủ động phương án bảo vệ đàn vật nuôi.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lương cho biết: Sớm biết thông tin không khí lạnh tràn về, gia đình tôi đã chủ động căng bạt, bóng sưởi, thức ăn. Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác phòng, chống rét cho đàn vật nuôi nên gia đình tôi không có hiện tượng gia súc, gia cầm bị chết rét.

Rời gia đình anh Lương, chúng tôi tìm đến gia đình anh Hà Văn Chính, bản Hang Trùng 2, xã Vân Hồ. Trao đổi với anh Chính, được biết: Hiện, gia đình anh có 11 con bò. Sau khi được các cấp, ngành tuyên truyền, hướng dẫn, vài năm gần đây gia đình anh đã tự biết cách chăm sóc đàn gia súc.

Mùa đông anh Chính đảm bảo về chuồng trại và nguồn thức ăn. Mùa hè thường xuất hiện dịch bệnh thì thực hiện các phương pháp như: rắc vôi khử trùng chuồng trại hằng tuần, hằng tháng; tiêm vaccine định kỳ, đảm bảo cho đàn bò luôn khỏe mạnh.

Tây Bắc oằn mình chống lại giá rét - Ảnh 4.

Người dân thôn Can Hồ B (xã Bản Khoang, Sa Pa, Lào Cai) lùa trâu tránh rét. Ảnh: Lê Hiếu

"Trên địa bàn đang trải qua đợt rét đậm kéo dài của mùa đông năm nay, nền nhiệt về đêm giảm xuống dưới 10 độ C. Để người dân chủ động trong việc phòng chống rét cho người, vật nuôi, xã đã thành lập các nhómZalo thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết và hướng dẫn người dân cách phòng, chống rét".

Ông Phạm Văn Kiện -

Chủ tịch UBND xã Giang Ma

Huyện Vân Hồ có lợi thế về phát triển chăn nuôi gia súc và người dân cũng đang tập trung cao trong việc phát triển đàn trâu, bò. Toàn huyện hiện có trên 40.000 con trâu, bò; trong đó có 2.050 con bò sữa. Từ việc chăn nuôi đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân, vì vậy các hộ chăn nuôi tiếp tục tái đàn, chăn nuôi theo hướng nhốt chuồng, hình thành vùng chăn nuôi, đảm bảo đầu ra và thu nhập ổn định.

Ông Thái Bá Sinh - Trưởng phòng NNPTNT huyện Vân Hồ cho biết: Vào mùa đông, trên địa bàn huyện Vân Hồ thường hay xảy các đợt rét đậm, rét hại, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn gia súc. Do vậy, phòng đã tham mưu kịp thời cho UBND huyện để chỉ đạo đến các xã; trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh đói rét cho đàn vật nuôi; khuyến cáo bà con nên chăn thả vào những ngày nắng ấm, vào những đợt rét đậm, rét hại người dân phải che chắn kín chuồng trại, đồng thời dự trữ thức ăn, không chăn thả gia súc ra ngoài.

Gia đình anh Khoàng Dèn Xà (bản Á Di, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) hiện có gần 20 con trâu, bò. Anh Xà chia sẻ: Trước đây, người dân chúng tôi thường ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe đúng kỹ thuật cho đàn gia súc, gia cầm. Mùa đông chưa chủ động nguồn thức ăn, còn thả rông trên đồi; dẫn đến vật nuôi chậm lớn, thậm chí thiệt hại nhiều do trâu, bò bị chết do rét. Mấy năm gần đây, nhờ thường xuyên được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc cũng như phòng bệnh cho vật nuôi nên tôi và các hộ dân trong bản đã thay đổi nhận thức. Đến nay, 100% người dân bản Á Di đều dự trữ được thức ăn cho trâu, bò khi mùa đông đến. Nhờ đó mà đàn vật nuôi luôn phát triển ổn định.

Nằm ở độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển nên bản Phìn Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường (Lai Châu) gần như quanh năm mây mù bao phủ. Những ngày qua, nhiệt độ trên địa bàn về đêm luôn ở mức dưới 10 độ C. Để bảo vệ đàn đại gia súc của gia đình, các hộ dân trong bản đã lùa đàn gia súc về các xã vùng thấp như Bản Hon, Bản Giang để tránh rét. Số còn lại được bà con nuôi nhốt tại chuồng và sử dụng bạt quây kín chuồng trại để giữ ấm.

Anh Giàng A Cha, một người dân bản Phìn Chải (xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cho biết: "Gia đình tôi đã dùng bạt để quây kín cho trâu, chuẩn bị đầy đủ rơm rạ và cỏ khô cho trâu khi mùa đông đến. Gia đình cũng trồng cỏ ở trên nương, bờ ruộng và chiều đi lấy về cho trâu, bò ăn. Hôm nào lạnh quá, gia đình phải đốt lửa để sưởi ấm cho trâu bò".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem