"Tay ngang" sang nông nghiệp: Bầu Đức và tỷ phú Trần Đình Long "còng lưng" gánh nợ

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 01/08/2020 12:42 PM (GMT+7)
Cùng “tay ngang” sang lĩnh vực nông nghiệp nhưng lợi nhuận tại doanh nghiệp của bầu Đức và tỷ phú Trần Đình Long đang có phần khác biệt lớn. Song điểm chung của 2 đại gia này chính là nợ vay gia tăng trong nửa đầu năm nay. Mỗi ngày, tỷ phú Trần Đình Long "gánh" 5,6 tỷ lãi nợ vay, còn bầu Đức thì "gánh" 3 tỷ.
Bình luận 0

Sự khác biệt lớn về lợi nhuận của 2 "ông lớn tay ngang" sang nông nghiệp

HAGL Agrico (HNG), doanh nghiệp nông nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2020 với kết quả khả quan bất chấp Covid-19.

Theo đó, doanh thu trong kỳ đạt 499 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trừ giá vốn lợi nhuận gộp thu về 127 tỷ đồng, giảm so với con số 136 tỷ hồi quý II/2019.

Trong cơ cấu nguồn thu, bán trái cây đem về 424 tỷ đồng doanh thu trong quý II, chiếm 85% cơ cấu doanh thu. Doanh thu bán mủ cao su tăng 129% lên 39 tỷ đồng.

Tuy nhiên nhờ doanh thu tài chính tăng (do xuất hiện khoản lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái 173 tỷ đồng), cộng với việc doanh nghiệp tiết giảm mạnh chi phí bán hàng. 

Chốt quý, HAGL Agrico lãi ròng hơn 7 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ lỗ sau thuế 653 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lãi thứ hai của HAGL sau 6 quý lỗ liên tiếp.

Luỹ kế nửa đầu năm, doanh thu HAGL Agrico đạt 1.166 tỷ, tăng 49%, chủ yếu là doanh thu cây ăn trái. Tuy nhiên, khoản thu này vẫn không đủ bù đắp chi phí giá vốn và các loại chi phí khác của doanh nghiệp. Nhờ có khoản doanh thu tài chính tăng đột biến từ 8 tỷ lên 189 tỷ đồng, HAGL Agrico của bầu Đức thoát lỗ trong nửa đầu năm nay.

Nửa đầu năm, HAGL Agrico báo lãi sau thuế đạt hơn 10 tỷ, trong khi cùng kỳ 2019 lỗ ròng hơn 751 tỷ đồng.

Trong năm 2020, HAGL Agrico của bầu Đức đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.307 tỷ đồng, kế hoạch lợi nhuận trước thuế 566 tỷ đồng. Sau nửa năm, doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được 27% mục tiêu doanh thu và chưa tới 2% lợi nhuận cả năm.

Như vậy, sau thời gian tái cấu trúc quyết liệt với sự hỗ trợ của Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương, HAGL Agrico cũng như công ty mẹ đang phát đi nhiều tín hiệu khả quan, đặc biệt là việc xuất khẩu sản phẩm ăn quả ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Lãnh đạo HAGL Agrico đánh giá doanh thu quý II thấp hơn quý I do giá cả bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, sang quý III, IV, thị trường Trung Quốc có khí hậu ấm lên, giá sẽ tăng lên.

Ngoài ra, sản lượng sản xuất của công ty thời điểm này cũng sẽ tăng cao. Dự kiến doanh thu quý IV/2020 giá sẽ tăng gấp 4 lần quý II. Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận, HAGL Agrico tính toán đến các rủi ro nên chắc chắn công ty đạt được. Nếu doanh thu không thực hiện được thì dòng tiền sẽ bị ách tắc.

Tính đến nay HAGL Agrico đã trồng thêm được 3.000 ha chuối, 1.000 ha xoài cũng một số loại cây khác, tổng diện tích cây ăn trái đâu đó đã đạt 24.000 ha. Hiện, chiến lược HAGL là tập trung vào cây chuối, và cây xoài. Riêng thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ 17.000 tấn chuối/năm.

Trong khi đó, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long kinh doanh chính trong lĩnh vực sắt thép. Sau khi "tay ngang" sang nông nghiệp, Hòa Phát cũng đang "hưởng lợi" từ lĩnh vực này. Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay do diễn biến tăng của giá thịt lợn đã giúp doanh nghiệp này gia tăng doanh thu và lợi nhuận.

Báo cáo tài chính quý II/2020 của Hòa Phát cho thấy và lợi nhuận quý II cao kỷ lục đã giúp Hòa Phát đạt tổng cộng 40.145 tỷ doanh thu và 5.060 tỷ lợi nhuận ròng sau nửa đầu năm. So với cùng kỳ, hai chỉ tiêu kinh doanh này cũng đã tăng lần lượt 29% và 31%.

So với kế hoạch năm nay được Đại hội đồng cổ đông thông qua cuối tháng 6, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã hoàn thành 47% chỉ tiêu doanh thu và 56% lợi nhuận sau thuế.

Đóng góp vào mức lợi nhuận kỷ lục trong 30 năm qua của Hòa Phát, mảng nông nghiệp mang về cho Hòa Phát 2.263 tỷ đồng doanh thu và 360 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 22 lần cùng kỳ trong quý vừa qua. Mảng này đã đóng góp tương ứng 11% doanh thu và 13% lợi nhuận vào kết quả chung của cả tập đoàn trong quý vừa qua. Trong quý I, bất chấp Covid-19, mảng nông nghiệp của Hòa Phát cũng mang về 480 tỷ đồng lợi nhuận.

Gánh nặng nợ vay của các đại gia "tay ngang" làm nông nghiệp

Dù kết quả kinh doanh của 2 đại gia "tay ngang" sang nông nghiệp là Hòa Phát và Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức có khác biệt lớn song gia tăng nợ vay là điểm chung khi nhìn vào báo cáo tài chính của 2 doanh nghiệp này.

Tại ngày 30/6, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận hơn 60.063 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 11% so với con số đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay ở mức hơn 42.600 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm và chiếm gần 38% tổng tài sản. Nợ vay tăng cao, khoản chi phí lãi vay 1.004 tỷ đồng nửa đầu năm của Hòa Phát cũng cao hơn con số 936 tỷ đồng của cả năm 2019, gấp 2,5 lần cùng kỳ.

Bình quân, mỗi ngày Hòa Phát của ông Trần Đình Long phải trả tới gần 5,6 tỷ đồng lãi vay.

Gánh nặng nợ vay của các đại gia "tay ngang" làm nông nghiệp "khủng" cỡ nào? - Ảnh 2.

Báo cáo tài chính quý II/2020 của Hòa Phát

Riêng với nông nghiệp, nợ phải trả năm 2019 khoảng 1.820 tỷ đồng, và đến cuối tháng 6 năm nay tăng lên mức 2.141 tỷ đồng.

Đối với công ty nông nghiệp của bầu Đức, tại ngày 30/6, tổng nợ đi vay của doanh nghiệp là 12.380 tỷ đồng, gấp 1,35 lần vốn chủ sở hữu. So với đầu năm, nợ vay của HAGL Agrico đã tăng thêm 3.175 tỷ đồng.

Nợ đi vay của doanh nghiệp tăng mạnh do tăng vay từ công ty mẹ CTCP Hoàng Anh Gia Lai. Đồng thời, CTCP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi, đơn vị thuộc CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú Trần Bá Dương cũng cho doanh nghiệp vay 2.186 tỷ đồng.

Nợ vay gia tăng, HAGL Agrico của Bầu Đức còn đối mặt với việc cạn tiền mặt. Trong tổng số hơn 25.000 tỷ đồng tài sản, khoản tiền của doanh nghiệp chỉ còn 50 tỷ đồng, giảm 61 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, khoản này đã cải thiện hơn so với con số cuối quý I là 19 tỷ đồng.

Điểm sáng là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh 6 tháng của doanh nghiệp là 803 tỷ đồng, cải thiện so với con số âm 291 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019 do giảm các khoản phải thu, tăng phải trả.

Còn tại báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho thấy nợ phải trả lên gần 24.340 tỷ đồng, tăng hơn 2.500 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng các khoản vay chiếm trên 17.870 tỷ đồng. Cơ cấu nợ vay của HAGL chủ yếu bao gồm 3 nhóm vay ngân hàng, vay qua trái phiếu và vay tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, mỗi ngày bầu Đức phải gánh 3 tỷ lãi vay ngây hàng.

Trong đó, vay ngân hàng hiện chiếm khoảng 5.271 tỷ đồng, chủ nợ lớn nhất là BIDV với dư nợ cho vay hơn 1.700 tỷ tại thời điểm cuối tháng 6. Xếp sau là các nhà băng HDBank cho vay 1.092 tỷ; Ngân hàng Lào Việt cho vay 1.052 tỷ; Sacombank cho vay 752 tỷ; TPBank cho vay 675 tỷ…

Các khoản vay qua trái phiếu hiện ở mức 7.365 tỷ đồng. Trái chủ lớn nhất là BIDV và Công ty CP Chứng khoán BIDV với tổng số trái phiếu đã thu xếp phát hành là 5.876 tỷ.Riêng với các khoản vay tổ chức, cá nhân khác, tổng giá trị nợ vay của HAGL đến cuối quý II là 5.238 tỷ đồng, Công ty CP Sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi, công ty con của Thaco là chủ nợ lớn nhất với khoản vay 2.750 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú Trần Bá Dương cũng đang cho HAGL vay gần 1.770 tỷ đồng dài hạn sau khi đã tất toán khoản vay 900 tỷ ngắn hạn nửa đầu năm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem