Tây Ninh: Kỹ sư làng sáng chế hàng loạt máy nông nghiệp khiến nông dân làm ruộng nhàn tênh

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 04/09/2020 06:36 AM (GMT+7)
Hết làm máy phục vụ cho mía, mì, cao su lại cải tiến công nghệ phục vụ cây đậu, cây bắp...niềm đam mê sáng tạo cơ khí vẫn không ngừng tuôn chảy dưới vầng trán đầy nếp nhăn của người kỹ sư già không bằng cấp Phạm Văn Hùng, ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Bình luận 0

Mỗi sáng tạo cơ khí mà ông Hùng cho xuất xưởng đều mang nặng tâm huyết muốn tăng năng suất và giải phóng sức lao động cho nông dân trên khắp các cánh đồng Tây Ninh. 

Mượn tiền mua máy hàn khởi nghiệp

Ở cái tuổi 60, ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tư Hùng (ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) không thể nhớ hết đã có bao chiếc máy phục vụ sản xuất nông nghiệp ra đời từ xưởng cơ khí của mình.

Một đời đam mê chế tạo máy phục vụ nông dân - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Hùng (ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) tại xưởng cơ khí của mình.

Những sản phẩm của ông cũng tham dự và đạt  không biết bao nhiêu giải sáng tạo khoa học kỹ thuật khắp trong và ngoài tỉnh. "Có lẽ chúng ra đời từ nhu cầu trực tiếp của nông dân trên đồng ruộng", ông Hùng giải thích đơn giản.

Cơ duyên với nghiệp cơ khí của ông cũng đến tình cờ, bắt đầu từ những ngày còn cấm lái máy cày trong nông trường mía Dương Minh Châu. Do đất nông trường rộng lớn nên việc cơ giới hóa triển khai tốt. Ông lái máy cày cũng học hỏi được ít nhiều kinh nghiệm.

Đến năm 1986, nông trường mía giải thể, đất đai được chia nhỏ, giao khoán cho từng hộ dân canh tác. Ngày đó mía vẫn là cây trồng chủ lực nhưng diện tích mỗi người quản lý chỉ từ 1-2 mẫu. Cánh đồng lớn không còn, ông Hùng thất nghiệp.

Không có máy móc cơ giới, nông dân tự phát thu hẹp khoảng cách hàng trồng mía lại rồi thuê bò kéo để làm cỏ làm, làm đất. Nhìn con bò kéo cày kham khổ, ông Hùng nuôi mộng cải tiến cho chính bản thân. "Mãi đến năm 1993, lưới điện đưa về tới địa phương, tôi vay tiền mua thiếu của người bạn 1 cái máy hàn rồi bắt đầu nghề sửa chữa cơ khí", ông Hùng kể.

Một đời đam mê chế tạo máy phục vụ nông dân - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Hùng, ((ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) kiểm tra giàn gieo hạt trước khi bàn giao cho khách hàng

Năm 1996, nhà máy đường Bourbon Tây Ninh (của Pháp đầu tư) được thành lập và cần tài xế có kinh nghiệm. Ông Hùng lại vào nhà máy, vừa đi làm kiếm đồng lương vừa để được tiếp cận máy móc và công nghệ. Thiết bị nào cần cải tiến, sửa chữa thì ông đưa về nhà làm rồi lại đem vào nông trường thử nghiệm, cứ thế tương trợ cho nhau.

Đến khi nhà máy hoạt động ổn định cũng là lúc bắt đầu thúc đẩy lại cơ giới hóa, nông dân phải thay đổi tập quán canh tác. Thấy có điều kiện phát triển được nên ông nghỉ việc, về nhà mở doanh nghiệp tư nhân.

Lần đầu tiên đến với giải sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh vào năm 2003 bằng giàn máy phát gốc mía kết hợp cày luống, sản phẩm của ông đoạt ngay giải ba. Suốt từ đó đến nay, cứ mỗi 2 năm 1 lần, lần nào ông cũng có sản phẩm mới để dự thi.

Hầu hết máy cơ khí của ông đều ra đời từ gợi ý hoặc nhu cầu bức thiết trên đồng ruộng. Ông kể có lần, 1 giám đốc nông nghiệp muốn đào rãnh để lắp ống nước, triển khai hệ thống tưới tự động cho toàn vùng nguyên liệu mía của nhà máy. Nhưng đất khô cằn, công lao động lại cao nên người này đã tìm đến ông tìm phương án.

Do chưa có mô hình thực tế nên lúc thực hiện ông Hùng gặp không ít khó khăn, không thể tính chính xác các thông số công suất để cài đặt hộp truyền động. Yêu cầu đào rãnh trên đất bề ngang 2 tất, mà sâu tới 6 tấc khiến nhiều lần hộp số bị gãy bể. Đến khi chỉnh sửa thành công và đưa giàn máy thực nghiệm trên đồng, ai cũng phải trầm trồ vì đường cắt rãnh sâu và thẳng đều tăm tắp.

Ông Hùng giải thích, ngày trước người dân đào rãnh thủ công, đường rãnh không được sâu, khiến máy cày chạy trên ruộng dễ cán vỡ. Sau thành công này, nhiều người bắc chước công nghệ, rồi hệ thống tưới kiểu đó phát triển khắp huyện Tân Châu và tỉnh Tây Ninh.

Mơ cánh đồng lớn

Khi thiết bị nông nghiệp cho cây mía tạm ổn, ông lại chuyển sang làm máy cho các loại cây trồng khác từ cao su, khoai mì tới bắp, đậu. Năm 2013, máy gieo hạt trồng cỏ nuôi bò ra đời. Sau đó ông cải tiến thêm công nghệ tự động kết hợp bón phân. Tổng cộng, giàn máy kết hợp 4tính năng trong 1 là: rọc rãnh, bỏ hạt, lấp rãnh, bón phân lót, và máy hoàn toàn tự động trong quá trình sử dụng.

Một đời đam mê chế tạo máy phục vụ nông dân - Ảnh 3.

Khách hàng kiểm tra và nhận bàn giao máy nông nghiệp do doanh nghiệp Tư Hùng chế tạo tại (ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Giàn máy này của ông đạt ưu thế đảo đảm tính thời vụ, giải quyết được khó khăn về nhân công, giảm thiểu tối đa tổn thương hạt giống, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu cơ giới hoá cho những diện tích gieo trồng lớn. Cuối năm 2019, giàn gieo hạt kết hợp bón phân được UBND Tây Ninh trao chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Tháng 4 vừa qua, giàn gieo hạt này lại  được Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc tổng kết và trao giải ba tại Hà Nội.

Có một điều oái oăm, giàn máy này cũng như nhiều sản phẩm khác, cứ hễ  ra đời và ứng dụng được một thời gian là lại có người "copy" công nghệ. Tuy nhiêu, điều đó không làm ông Hùng bận tâm. Ông quan niệm, mình có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin để cải tiến công cụ, miễn sao các máy cơ khí phục được cho nhiều nông dân là mình thấy vui. Điều mà ông Hùng thấy lo lắng là việc đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp ở địa phương đang có xu hướng chững lại.

Ông Hùng tâm sự, cơ khí nông nghiệp là cần thiết để tái cơ cấu nông nghiệp, tiến tới nâng cao năng suất, giảm sức lao động thủ công. Vấn đề cần đặt ra cho ngành cơ khí tỉnh Tây Ninh hiện nay là tìm hướng phát triển và thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp cơ khí trong tỉnh. Muốn đạt được mục tiêu đó phải có chính sách ưu đãi về tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị ngành cơ khí đầu tư mở rộng quy mô, hiện đại hoá dây chuyền sản xuất.

Cũng theo lời ông kể, từ 2 năm nay, giá cả nhiều mặt hàng nông sản giảm thấp, nhu cầu đầu tư cơ giới cũng sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp cơ khí tư nhân như ông đều bị ảnh hưởng chung khi không có nhiều đơn hàng sản xuất mới. "Tuy nhiên, nguyên nhân gây cản trở lớn nhất chính là đất đai sản xuất manh mún, ảnh hưởng đến cả quá trình cơ giới hóa", ông Hùng nhấn mạnh.

Một đời đam mê chế tạo máy phục vụ nông dân - Ảnh 4.

Dù lớn tuổi, ông Hùng vẫn không ngừng cập nhật kiến thức mới cho công việc của mình

So với các tỉnh thành khác, đất canh tác ở Tây Ninh bằng phẳng, liền khoảnh, không bị sông rạch chia cắt nên máy móc cơ giới dễ hoạt động. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lại đa dạng và phát triển mạnh ở nhóm cây công nghiệp cho tới cây ngắn ngày. So với các tỉnh thành khác, Tây Ninh có lợi thế lớn để nghề cơ khí nông nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, khá nhiều nông dân trong tỉnh hiện vẫn canh tác trên những thửa ruộng nhỏ. Không thể thúc đẩy cơ giới hóa để nâng cao năng suất được nên nông dân vẫn nghèo. Cũng vì diện tích nhỏ lẻ, nhu cầu của nông dân lại đa dạng theo từng thói quen canh tác khác nhau nên máy móc khó sản xuất đại trà. Cả doanh nghiệp tư nhân lẫn công ty lớn đều gặp khó khăn vì nhu cầu và diện tích không đồng bộ.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhất thiết phải gắn liền với đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Nhà nước cần định hướng giải quyết tốt chính sách hạn điền, giúp các doanh nghiệp và nông dân tiếp cận cánh đồng lớn. "Chỉ khi tạo ra được những cánh đồng lớn để áp dụng cơ giới hóa thì nông dân mới khá được", ông Hùng đề xuất.

Năm 2016, tại Cuộc thi "Nông dân với công nghệ thông tin" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, ông Hùng gây ấn tượng không chỉ là một trong hai thí sinh lớn tuổi nhất mà còn bỡi bề dày thành tích sáng tạo khoa học công nghệ của bản thân. Năm 2020, ông Phạm Văn Hùng, được Hội đồng chung khảo bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc", đại diện cho tỉnh Tây Ninh.

Với những nỗ lực trong lao động, sáng tạo, tham gia đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, vừa qua, ông Phạm Văn Hùng được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem