Tây Ninh “hút” đầu tư chăn nuôi công nghệ cao

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 23/05/2023 08:12 AM (GMT+7)
Ngành chăn nuôi của Tây Ninh đang ngày càng thu hút nhiều dự án chăn nuôi công nghệ cao, khép kín chuỗi giá trị… Đó là kết quả từ các chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư mà tỉnh này đã ban hành.
Bình luận 0

Nhiều dự án áp dụng công nghệ cao

Theo chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, tỉnh Tây Ninh khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Chiến lược cũng đề ra kế hoạch hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, áp dụng kỹ thuật và công nghệ để tạo cơ hội sinh kế cho nông dân, vừa hạn chế dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 3 chuỗi cung ứng thịt heo an toàn. Đầu tiên là chuỗi của hệ thống Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam với có 98 cửa hàng cung cấp thịt sạch. Chuỗi giá trị chăn nuôi lợn của Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam đang đầu tư trên địa bàn tỉnh 1 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, công suất 250.000 tấn/năm; 9 dự án nuôi với khoảng 27.400 lợn nái, 134.000 lợn thịt. Công ty BAF cũng đang tìm vị trí đất phù hợp để xây dựng tiếp cơ sở giết mổ chế biến trên địa bàn Tây Ninh.

Tây Ninh “hút” đầu tư chăn nuôi công nghệ cao - Ảnh 1.

Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao của Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus - Bel Gà tại thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh. Ảnh: B.G

"Tây Ninh tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa phương, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; cùng địa phương thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn".

Ông Trần Văn Chiến -

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh

Từ năm 2021, chuỗi giá trị chăn nuôi gà của Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus - Bel Gà đã xây dựng nhà máy ấp trứng gia cầm tại thị xã Trảng Bàng, với công suất thiết kế trên 19 triệu gà con/năm. Một dự án giết mổ gia cầm công suất 52 triệu con/năm, chế biến thực phẩm 132.000 tấn/năm tại thị xã Trảng Bàng của chuỗi này cũng đang đang thực hiện thủ tục về đất đai. Tỉnh Tây Ninh cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án khu chăn nuôi công nghệ cao DHN Tây Ninh tại huyện Tân Châu, diện tích 39,5ha từ giữa 2022.

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh còn có nhà máy sản xuất trứng gà thương phẩm của Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources tại huyện Tân Biên, sản lượng bình quân khoảng 700.000 trứng/ngày/trại. Đây là 1 trong những doanh nghiệp có hệ thống chăn nuôi gà hiện đại, có khả năng xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2022 của tỉnh ước đạt 5.195 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021. Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm 19,5%. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, đảm bảo an toàn sinh học theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp.

Tiếp tục mời doanh nghiệp đầu tư

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh cho biết, trong vòng 2-3 năm qua, tỉnh đã thu hút rất nhiều dự án đăng ký và triển khai, với khoảng 140 dự án các loại. Trong đó có 70% là các dự án chăn nuôi heo, còn lại là gà và bò, thịt bò, bò sữa. Phần lớn những các dự án đăng ký trong thời gian vừa qua đều là những trại nuôi quy mô lớn, hoặc trại lạnh và đảm bảo an toàn sinh học.

Ông Xuân cũng cho biết, trong số các dự án đã đăng ký, có một số dự án chậm triển khai. Nguyên nhân do yếu tố khách quan khi giá heo, gà thời gian qua biến động giảm. Lãi suất ngân hàng tăng và hạn chế cho vay cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ cần 50% dự án đăng ký đi vào hoạt động thì trong thời gian tới, số lượng heo của Tây Ninh sẽ tăng gấp 3 con số đang có (hiện khoảng 231.000 con); và số gà có thể tăng gấp rưỡi, kể cả gà trứng và gà thịt. "Đây là bước tiến rất lớn của ngành chăn nuôi tỉnh" - ông Xuân nhận định.

Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh phấn đấu tiếp tục đưa tỷ trọng chăn nuôi tăng lên 25-30% vào năm 2030; góp phần tạo ra việc làm, thu nhập, và đóng góp đáng kể hơn vào GDP của tỉnh. Tỉnh sẽ tạo điều kiện để phát triển các dự án chăn nuôi công nghiệp hiện đại để phát triển các chuỗi khép kín, từ thức ăn, con giống cho đến giết mổ và chế biến sâu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem