Cận Tết Nguyên đán năm 2023: Tình cảnh công nhân, lao động bi đát, khó có thưởng Tết

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 09/12/2022 06:10 AM (GMT+7)
Tết cận kề, thay vì chờ mong nhận được lương thưởng Tết, hàng trăm nghìn công nhân, lao động có nguy cơ mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Đến cả tiền đóng nhà trọ, thậm chí họ còn không có.
Bình luận 0

"Tết đến sớm hơn mọi năm nhưng không vui vẻ gì"

Chiều qua, Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã tổ chức buổi Tọa đàm "Việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng - Thực trạng và giải pháp".

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết tình hình kinh tế khủng hoảng khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng, lao động mất việc phải về quê trở thành một bài toán lớn khi chỉ còn hơn một tháng là Tết. Lao động làm công ăn lương không có thưởng Tết đã buồn, đây còn không có thu nhập, không còn nguồn sống, quả là quá bi đát.

thưởng tết

Đời sống công nhân lao động đang gặp rất nhiều khó khăn, giảm việc làm, giảm thu nhập, khả năng "trắng thưởng Tết. Ảnh: NT

Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho rằng khi theo dõi bản tin thị trường lao động quý II thì phấn khởi vì thấy có nhiều điểm sáng, nhưng chỉ trong hơn 1 – 2 tháng qua thị trường lao động chuyển biến nhanh. Thống kê 10 tháng đầu năm, hơn nửa triệu lao động bị cắt giảm việc làm. Dự kiến trong tháng 12 đến đầu năm sau sẽ có thêm 88 doanh nghiệp tiếp tục sa thải hơn 15.000 lao động và hơn 270.000 người bị giảm giờ làm.

"Tết đến sớm với họ hơn mọi năm, nhưng lại không vui vẻ gì. 42.000 lao động mất việc đồng nghĩa với 42.000 gia đình lao động bị ảnh hưởng. Mỗi công nhân, lao động có 1-2 người phụ thuộc thì tính ra có hơn 100.000 người bị ảnh hưởng. Nếu nhân với hơn nửa triệu công nhân bị cắt giảm giờ làm thì con số càng lớn hơn nữa. Trong đó hơn 35.000 lao động nữ và hàng nghìn công nhân đang mang bầu, nuôi con nhỏ", ông Tiến nói.

Điều tra của Viện Công nhân Công đoàn cho thấy 42% công nhân không có nhà, 54% không có đất ở, 59% công nhân không có một đồng tích lũy. Số khác có tích lũy nhưng chỉ đủ sinh sống trong 3 tháng.

Điều này đồng nghĩa tuần trước họ mất việc thì tuần sau không còn tiền đóng trọ, đóng học cho con. 38% công nhân nợ nần và 14% trong số đó khó trả nợ đúng hạn, dễ sa vào tín dụng đen. Theo dự báo thời gian tới (năm 2023) vẫn còn nhiều tín hiệu xấu.

"Tất cả con số từ khảo sát trên đều là con số thống kê trong doanh nghiệp có công đoàn, nếu ghi nhận rộng rãi, con số chịu tác động có thể sẽ còn lớn hơn", ông Tiến nói.

Tình hình năm 2023 sẽ khó khăn hơn

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó chủ tịch Công đoàn KCN và chế xuất Hà Nội cho biết Hà Nội có 10 khu công nghiệp, chế xuất, thu hút hơn 170.000 công nhân làm việc. So với phía Nam, Hà Nội không bị nặng nề nhưng vẫn chịu ảnh hưởng, khoảng 2.000 công nhân giảm giờ làm, chủ yếu điện tử.

"Cách đây hai tháng, doanh nghiệp mới bắt đầu thấm đòn, bằng giờ mọi năm phải tăng ca đảm bảo đơn hàng, nhưng giờ hầu như không tăng ca. Sau khi thành phố lockdown 4 lần năm ngoái, thì có sự chuyển dịch lao động. Lao động trả phòng trọ về quê nhiều. Giờ tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, công nhân không phải thuê nhà, không tốn tiền gửi con nên họ về quê làm hết. Doanh nghiệp ở Hà Nội tuyển lao động rất khó", ông Thắng nói.

Ông Thắng đề xuất cơ quan quản lý cần phải kiểm soát giá, lạm phát. Đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho lao động để nâng trình độ chuyên môn để đáp ứng với tính hình mới. Tiếp tục thực hiện chính sách đã ban hành như giảm thuế VAT; cho vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp.

Tương tự tỉnh Bình Dương cũng vậy. Ông Đặng Tiến Đạt - Đại diện Liên đoàn lao động tỉnh cho biết, Bình Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất.  Hơn 240 nghìn công nhân giảm giờ làm, 140.000 lao động rời hệ thống và xin trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm tới nay, hơn 30.000 người tạm hoãn hợp đồng. Bức tranh kinh tế rất ảm đạm. Tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và lao động.

công nhân bị giảm giờ làm, thưởng tết

Nhiều công nhân mất việc làm, giảm giờ làm đến tiền đóng thuê nhà trọ cũng không còn. Ảnh: NH

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động nhận định, khó khăn trên là thực tế đáng buồn nhưng Việt Nam phải đối mặt. Bà Hương cho rằng  không riêng của Việt Nam mà thế giới chịu dư âm chung của Covid-19 và khủng hoảng chính trị, kinh tế. Tất cả những điều này khiến cho chuỗi cung ứng kinh tế toàn thế giới bị ảnh hưởng. Trong khi đó, tốc độ phục hồi của doanh nghiệp không đồng đều.

"Covid đã phơi bày nhiều vấn đề an sinh cho lao động, chính sách nhìn qua thì rất nhiều song chưa thấm đủ sâu và các nhóm lao động được thụ hưởng vừa mỏng vừa ít. Người thụ hưởng chủ yếu trong khu vực chính thức, có hợp đồng, có đóng BHXH nhưng cũng chưa thấm vào đâu", bà Hương nói.

Trong quản lý lao động cũng mang tính địa phương, bị động và khả năng chống chọi của lao động cũng thấp. Tăng trưởng kinh tế dù phục hồi song không kéo theo được những tác động tức thì về thị trường lao động. Những ngành nghề thâm dụng lao động hoặc dùng ở phân khúc thấp sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên và rất lâu để phục hồi. Doanh nghiệp khó khăn, người lao động sẽ bị ảnh hưởng, Năm nay giữ lương đã khó, mơ thưởng Tết sẽ là điều khó khăn hơn với lao động. 

Bà Hương khuyến nghị: "Chính phủ cần thực hiện cho được những chính sách đã ban hành. Bên cạnh đó, Công đoàn cần chính thức hóa những chính sách tạm thời như hỗ trợ về nhà ở, bằng những ghi nhớ, văn bản dưới luật. Việc đứt gãy đơn hàng có thể còn diễn ra trong tương lai, nên dư địa về thu nhập, việc làm trong quá khứ từ xuất khẩu sẽ dần mất đi. Do đó, cần đảm bảo có đủ các chính sách hỗ trợ lao động, doanh nghiệp duy trì phát triển thị trường lao động bền vững, linh hoạt, phát triển".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem