Tết Thanh minh của người Dao trên mảnh đất Phù Hoa

Nguyễn Vinh Thứ hai, ngày 15/05/2023 06:30 AM (GMT+7)
Tết Thanh minh thể hiện báo hiếu với tổ tiên, bậc sinh thành đã khuất, cầu mong sự che chở, phù hộ cho con cháu sức khỏe, công việc thuận buồm xuôi gió...
Bình luận 0

Clip: Tết thanh minh của đồng bào người Dao

Tết thanh minh là để báo hiếu với tổ tiên, bậc sinh thành đã khuất

Đồng bào dân tộc Dao sinh sống trên địa bàn huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La bao gồm có Dao đỏ và Dao tiền. Người Dao đỏ và người Dao tiền khác nhau ở trang phục nhưng ngôn ngữ và phong tục, tập quán vẫn thống nhất, cho thấy rõ mối quan hệ gắn kết trong cộng đồng người Dao, họ cùng nhau duy trì, phát huy những giá trị tốt đẹp làm lên bản sắc dân tộc Dao. Tết thanh minh là một trong những phong tục được duy trì hàng năm nhằm nhắc nhở con cháu phải luôn nhớ đến tổ tiên, cội nguồn.

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp về bản Khoai Lang (Mường Thải, Phù Yên Sơn La), bản Khoai Lang là bản tái định cư đã được hơn 3 năm, bà con nơi đây đã dần đi vào ổn định đời sống, kinh tế ngày càng khá giả. Tiếp đón chúng tôi, Bí thư Chi bộ - Trưởng bản Khoai Lang, anh Lý Văn Mong cho biết: Bà con dân bản Khoai Lang đang chuẩn bị lễ Tết thanh minh theo phong tục truyền thống của đồng bào người dân tộc Dao.

Tết thanh minh của đồng bào người Dao trên mảnh đất Phù Hoa - Ảnh 2.

Con cháu trong gia đình chuẩn bị mâm cỗ cúng Tết thanh minh tại bản Khoai Lang (Mường Thải, Phù Yên, Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Tết thanh minh của đồng bào người Dao trên mảnh đất Phù Hoa - Ảnh 3.

Tết thanh minh của đồng bào người Dao trên mảnh đất Phù Hoa - Ảnh 4.

Theo chỉ dẫn của Bí thư Chi bộ - Trưởng bản Khoai Lang, anh Lý Văn Mong, chúng tôi tìm đến nhà ông Bàn Văn Tàu, ông là một thầy cúng lâu năm trong bản để tìm hiểu về phong tục lễ Tết thanh minh của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. 

Ông Tàu cho biết: Tết thanh minh là nghi lễ bắt buộc và là truyền thống được duy trì bao đời nay của đồng bào dân tộc Dao nói chung và người Dao ở xã Mường Thải nói riêng. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Dao, ở thế giới bên kia cũng có cuộc sống như ở trần gian. Người đã khuất cũng phải cần tiền bạc, thực phẩm để làm chi phí sửa chữa tu bổ lại nơi ở. Chính vì thế, hàng năm vào dịp thanh minh 3/3 âm lịch, người Dao đều tổ chức lễ cúng nhằm cầu mong cho tổ tiên và người đã khuất được ổn định ở cõi âm, phù hộ cho con cháu dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đạt.

Cũng theo ông Tàu, cúng Tết thanh minh là dịp con cháu bày tỏ sự biết ơn, tri ân cho những người đã khuất, do vậy trong mâm cỗ cúng của người Dao bắt buộc phải có xôi ngũ sắc, gà luộc để nguyên con, cá, rượu, thịt, một chút gạo, vàng mã bằng giấy bản của dân tộc Dao... theo quan niệm của người dân tộc Dao, khi thỉnh mời tổ tiên về phải có rượu thịt để tỏ lòng thành kính và đặc biệt phải có tiền vàng để tổ tiên làm lộ phí về thụ hưởng.

Tết thanh minh của đồng bào người Dao trên mảnh đất Phù Hoa - Ảnh 5.

Hàng năm vào dịp thanh minh 3/3 âm lịch, đồng bào người Dao tại huyện Phù Yên (Sơn La) đều tổ chức lễ cúng nhằm cầu mong cho tổ tiên và người đã khuất được ổn định ở cõi âm, phù hộ cho con cháu dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đạt.... Ảnh: Nguyễn Vinh

 Tết thanh minh luôn được đồng bào người Dao giữ gìn và bảo tồn 

Để có mâm cỗ cúng tươm tất, buổi chiều hôm trước (ngày 02/2 âm lịch), đàn ông sẽ ra ao bắt cá, lên rừng lấy trứng kiến để chế biến thành nhiều món như: rán, nướng, mọc, nem... vào ngày hôm sau. 

Theo quan niệm của người dân tộc Dao, tổ tiên của gia đình có nhiều thành viên nên mỗi con cá tượng trưng cho một ngôi nhà được sửa sang. Xôi màu và rượu là lời cảm tạ của con cháu dành cho "thầy âm" đã giúp tổ tiên của gia đình sửa chữa nhà ở. Chính vì vậy, từ buổi chiều ngày 2/3 âm lịch, chị em phụ nữ trong gia đình sẽ hái các loại lá màu ở vườn rửa sạch cho vào nồi đun lấy nước để ngâm gạo nếp vào buổi tối, gạo nếp được ngâm với nước màu làm từ lá cây khoảng 6-7h, sáng sớm ngày 3/3 mới cho gạo nếp vào chõ đồ xôi. 

Xôi ngũ sắc, có các màu như: đỏ, xanh, trắng, tím, vàng..., màu xôi được làm từ các loại nước lá cây trông rất bắt mắt và có mùi thơm đặc trưng không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội, hạt xôi se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm. Để có được món xôi ngon, gạo nếp phải được chọn lựa kỹ càng từ loại nếp nương mà bà con tự trồng cấy. Khi trên mâm cúng đã bày biện đầy đủ, gia chủ sẽ mời thầy cúng về cúng, mời tổ tiên về ăn Tết thanh minh.

Tết thanh minh của đồng bào người Dao trên mảnh đất Phù Hoa - Ảnh 6.

Mâm cỗ cúng Tết thanh minh của đồng bào người Dao huyện Phù Yên (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Trong nghi thức cúng lễ Tết thanh minh, đồ cúng của thầy cúng không thể thiếu 1 cây kiếm nhỏ tự rèn bằng thép từ thời ông cha để lại vì theo quan niệm của đồng bào người dân tộc Dao, cây kiếm tượng trưng cho dụng cụ lao động hàng ngày của bà con và còn có ý nghĩa xua đuổi, ngăn chặn tà ma không cho vào nhà. 

Thời gian cúng Tết thanh minh thường vào buổi sáng, càng sớm càng tốt, vì đồng bào dân tộc Dao quan niệm, nếu cúng sớm, tổ tiên sẽ vào rừng lựa chọn được nguyên liệu làm nhà tốt hơn. Lễ cúng được thực hiện trong nhà, trước cửa sổ, nơi gia chủ hay ngồi ăn cơm hoặc tiếp khách.

Nội dung bài cúng: thỉnh mời ông bà tổ tiên, những người đã khuất về chứng kiến lễ cúng, cầu xin sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc, anh em thuận hòa, cung cấp tiền bạc, đồ ăn thức uống để người đã khuất tu bổ mồ mả. Thầy cúng thay mặt gia chủ báo cáo và mời tổ tiên về nhận lễ vật của con cháu, ăn cơm, uống rượu, nghỉ ngơi rồi ra về. Mỗi lần mời, thầy cúng sẽ rắc gạo nhiều lần qua cửa sổ. Lễ cúng diễn ra khoảng 30 phút, khi lễ xong, thầy cúng xin quẻ âm dương cầu mong cho gia chủ mạnh khỏe, may mắn, đốt tiền giấy làm lộ phí cho tổ tiên ra về.

Đối với đồng bào người dân tộc Dao, Tết Thanh minh còn là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn, do đó, việc không thể thiếu đó là các gia đình đi tảo mộ vào buổi sáng sớm trước khi cúng. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên, ông bà, bố mẹ cho sạch sẽ, phát hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương cho linh hồn người đã khuất.

Tết thanh minh của đồng bào người Dao trên mảnh đất Phù Hoa - Ảnh 7.

Từ sáng sớm, con cháu trong gia đình ra tảo mộ sửa sang lại nhà mới cho các cụ. Ảnh: Nguyễn Vinh

Ông Bàn Văn Tịnh, người có uy tín ở bản Khoai Lang (Mường Thải, Phù Yên, Sơn La) cho biết: Người Dao đỏ chúng tôi luôn quan niệm đã làm Tết Thanh minh thì nhất nhất phải làm lễ tảo mộ. Thứ nhất là để con cháu sửa sang lại nhà mới cho các cụ, thứ hai là cầu mong các cụ phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, gia đình hòa thuận, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nét văn hóa này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn bao đời nay của người Dao đỏ chúng tôi.

Trong ngày Tết thanh minh, khu nghĩa địa của bản trở nên đông đúc vì gia đình nào cũng đi tảo mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất.

Sau khi cúng gia tiên, khách được mời và cả gia đình quây quần bên mâm cơm cùng chia sẻ về việc xây dựng gia đình, công việc làm ăn, dạy bảo con cháu trong nhà... Mùi thơm của cá nướng, màu sắc rực rỡ của xôi, vị thơm bùi của món trứng kiến cùng chén rượu nồng khiến Tết Thanh minh thêm ý nghĩa, trọn vẹn với mỗi người, mỗi gia đình. Theo quan niệm của đồng bào người Dao, trong ngày Tết thanh minh, gia đình nào đón được càng nhiều khách mời đến nhà thì càng may mắn.

Tết thanh minh của đồng bào người Dao trên mảnh đất Phù Hoa - Ảnh 8.

Sau khi cúng gia tiên, khách được mời và cả gia đình quây quần bên mâm cơm cùng chia sẻ về việc xây dựng gia đình, công việc làm ăn, dạy bảo con cháu trong nhà... Ảnh: Nguyễn Vinh

Anh Nguyễn Trung Kiên, Thị trấn Phù Yên (Phù Yên, Sơn La) chia sẻ: Năm nay là năm thứ 3 tôi đến đến ăn Tết thanh minh với bà con người Dao bản Khoai Lang xã Mường Thải. Bản thân tôi thấy đây là một phong tục hết sức tốt đẹp của đồng bào người Dao, phong tục luôn được bà con giữ gìn và bảo tồn, thể hiện bản sắc tốt đẹp của đồng bào người Dao nơi đây. 

Lễ Tết thanh minh cũng là dịp để các gia đình thể hiện sự hiếu khách, mời anh em bạn bè thân thiết đến giao lưu để biết thêm về nguồn gốc ăn Tết thanh minh và tạo không khí sôi nổi, vui tươi, đoàn kết, bản làng yên vui. Tết thanh minh của đồng bào người Dao huyện Phù Yên (Sơn La) chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. 

Vì vậy mà người dân tộc Dao luôn duy trì, phát huy và trở thành một truyền thống tốt đẹp của cộng đồng người Dao. Dù sinh sống ở đâu, phong tục này luôn được duy trì từ đời này sang đời khác, nhắc nhở con cháu phải luôn tưởng nhớ tới cội nguồn, gắn kết tình thân trong gia đình, làng bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem