Thả nuôi tôm trong ruộng lúa, bắt lên toàn con tôm càng to bự, lại thêm vô số cá đồng

Thiên Hương – Chúc Ly Chủ nhật, ngày 30/04/2023 13:05 PM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia cho rằng, mô hình tôm lúa là mô hình “thông minh”, tạo ra các sản phẩm sạch, có chất lượng cao. Tuy nhiên để mô hình này thực sự tạo ra đột phá, ngành thủy sản cũng như Bộ NNPTNT cần nghiên cứu, có quy hoạch vùng nuôi, đi kèm với xây dựng chứng nhận bền vững thể hiện tính đặc thù.
Bình luận 0

"Lúa vàng, ruộng bạc" từ mô hình tôm - lúa

Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm trong ruộng lúa (tôm - lúa) ngày càng được nhiều hộ dân các tỉnh ven biển như Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chỉ trồng lúa. 

Theo đó, người dân trồng các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25, Jasmine... Với năng suất lúa từ 4 - 4,5 tấn/ha/vụ, người dân thu lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi đó, tôm nuôi theo hình thức luân canh hoặc xen canh trong ruộng lúa cho năng suất khoảng 500kg/ha/vụ, thu nhập đạt 50 - 80 triệu đồng (tùy giá bán).

Như vậy, tổng thu nhập từ mô hình tôm lúa có thể đạt từ 80 - 130 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa chuyên canh 3 vụ/năm.

Thả nuôi tôm trong ruộng lúa, bắt lên toàn con tôm càng to bự, lại thêm vô số cá đồng - Ảnh 1.

Nông dân tỉnh Cà Mau vui mừng thu hoạch tôm càng xanh trong mô hình lúa tôm. Ảnh: Chúc Ly.

Số liệu của Tổng cục Thủy sản cho thấy, tổng diện tích tôm - lúa ở khu vực ĐBSCL hiện nay dao động từ 190.000 - 200.000 ha/năm; sản lượng tôm khoảng 120.000 tấn. Điều đặc biệt là mô hình này cho thấy sự thích ứng rõ rệt với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp hiện nay.

gop/Quy hoạch vùng nuôi, tạo “đột phá” cho mô hình tôm - lúa  - Ảnh 2.

Những ngày đầu tháng 4/2023, nông dân huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) tất bật vào vụ tôm - lúa năm 2023 với kỳ vọng được mùa, được giá. Bà Nguyễn Thị Hường (ngụ xã Lương Nghĩa) cho biết, ngay sau khi thu hoạch xong diện tích lúa đông xuân, gia đình bà tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, làm ao để chờ khi nước mặn về với nồng độ phù hợp là xuống giống hơn 1,6ha tôm sú trên ruộng lúa. 

"Thời điểm này năm ngoái độ mặn ở đây thấp, chỉ khoảng 3‰, còn năm nay tăng từ 10‰ trở lên, đảm bảo tốt cho xuống giống tôm. Sau 3-4 tháng chăm sóc, chỉ cần giá tôm sú dao động 120.000-150.000 đồng/kg là nông dân sống khỏe" - bà Hường nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tùng (xã Lương Nghĩa) cho hay, gia đình ông vừa thả giống tôm trên diện tích hơn 3ha tại khu vực nuôi tôm nằm ngoài đê bao ngăn mặn của huyện Long Mỹ. Trước đây do bị nhiễm phèn, mặn nên nông dân chỉ gieo sạ 1 vụ lúa/năm, sau đó thì bỏ đất trống. Cũng có hộ đợi mưa xuống gieo sạ thêm 1 vụ lúa nhưng hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ. 

Đến mùa khô năm 2016, nước mặn xuất hiện ở đây với nồng độ cao nên bà con chuyển sang nuôi tôm sú trên đất lúa. Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ bà con về kỹ thuật sản xuất, tìm đầu ra khi đến kỳ thu hoạch…

Qua tính toán, lợi nhuận thu về của việc nuôi tôm đạt khoảng 60-70 triệu đồng/ha/năm, cộng với tận dụng nguồn thu từ bán tép tự nhiên và các loại cá đồng, được thêm 10-20 triệu đồng, tính ra cao hơn nhiều so cây lúa.

Theo Viện Lúa ĐBSCL, tôm - lúa là mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, có mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa vật nuôi (tôm) và cây trồng (lúa) trong hệ sinh thái đồng ruộng. 

Chất thải hữu cơ và một số khoáng vi lượng tồn dư của vật nuôi sẽ là nguồn dinh dưỡng cho cây lúa hấp thu sinh trưởng; còn rơm rạ từ cây lúa sẽ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho con tôm. Mô hình còn giảm thiểu chi phí làm đất, phân thuốc; đồng thời tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.

TS Nguyễn Công Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp hữu cơ Á Châu nêu thêm ưu điểm khi luân canh tôm - lúa sẽ tạo ra môi trường sinh thái cân bằng và điều kiện an toàn cho cây trồng, vật nuôi. Hạn chế sâu bệnh cho cả lúa và tôm nhờ sự luân phiên để cắt nguồn dịch hại…

gop/Quy hoạch vùng nuôi, tạo “đột phá” cho mô hình tôm - lúa  - Ảnh 1.

Mô hình “tôm - lúa” của hộ ông nông dân giỏi Danh Mẫm, xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang). Ảnh: Trà My

Quy hoạch, cấp chứng nhận cho vùng nuôi tôm lúa

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, mô hình tôm lúa rất độc đáo, riêng biệt, do đó ngành thủy sản cũng như Bộ NNPTNT cần có những nghiên cứu, quy hoạch vùng nuôi đi kèm với đó là chứng nhận bền vững thể hiện tính đặc thù.

"Cần quy hoạch vùng tôm lúa vài trăm ha, sau đó đặt vấn đề với một tổ chức về chứng nhận bền vững quốc tế để họ có thể chứng nhận hoặc đưa ra tiêu chuẩn đặc thù, riêng biệt của vùng nuôi tôm lúa Việt Nam" - ông Hòe nói.

Theo ông Hòe, mô hình tôm lúa của Việt Nam vốn tạo ra được nguồn sản phẩm khác biệt so với các sản phẩm công nghiệp khác hoặc các sản phẩm tương quan. Nếu được quy hoạch vùng tôm lúa và có chứng nhận quốc tế thì có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của nhiều thị trường trên thế giới về mặt tự nhiên, sinh thái và bền vững. Lúc này, mô hình tôm lúa của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh cao.

Ông Trịnh Văn Tiến (Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản) dẫn ra kết quả tham vấn một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm gần đây cho thấy, hầu hết đều quan tâm đến sản phẩm tôm hữu cơ, sinh thái được chứng nhận do nhu cầu tốt tại các thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì cho việc xây dựng vùng nguyên liệu tôm lúa do quan ngại hoặc chưa sẵn sàng tham gia đầu tư vào mô hình này bởi 2 lý do: Các tỉnh chưa quy hoạch vùng sản xuất tôm lúa và chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thủy lợi cho vùng tôm lúa.

Trong khi đó, ông Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), thông tin: Định hướng đến giai đoạn 2025-2030, chúng ta có khoảng 300.000ha nuôi tôm lúa. Như vậy, để đạt được mục tiêu này thì ngoài con giống, người dân cần có kỹ thuật tốt và mô hình liên kết hiệu quả.

"Vấn đề quan trọng là bán cho ai và bán ở đâu. Việc chúng ta cần làm là tổ chức liên kết, xây dựng các dự án liên kết chuỗi trong mô hình tôm lúa. Chúng tôi sẽ tổng hợp các mô hình liên kết ở khu vực và nhân ra diện rộng để người dân áp dụng" - ông Khôi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khôi, các địa phương cần chú trọng công tác kế hoạch và thực hiện, quản lý, giám sát đảm bảo đúng định hướng phát triển trọng tâm của vùng; xây dựng hạ tầng thủy lợi kịp thời đáp ứng nhu cầu nước phục vụ cho vùng phát triển mô hình. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất đảm bảo phát triển bền vững hài hòa lợi ích của các lĩnh vực, các ngành trong nền kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem