Thách thức gay gắt về chất lượng giáo dục đại học

Thứ ba, ngày 08/06/2010 07:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong 20 năm, số sinh viên tăng gấp 13 lần nhưng số giáo viên chỉ tăng 3 lần. Đó là thực tế được các đại biểu Quốc hội nêu ra tại buổi thảo luận ngày 7-6...
Bình luận 0
img
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP. Hồ Chí Minh): “Xã hội hoá và kêu gọi đầu tư nước ngoài là giải pháp tháo gỡ khó khăn của giáo dục đại học hiện nay”.

Chưa gắn với chất lượng

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” nêu rõ:

5 năm gần đây, quy trình thành lập trường chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Đội ngũ giáo viên không đảm bảo đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, nhất là các trường ngoài công lập và các trường địa phương. Trong 5 năm, cả nước có 195/304 trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp... Việc thành lập dễ dãi các trường ĐH, CĐ công lập tại nhiều địa phương khiến cho việc đầu tư giáo dục đại học bị dàn trải, manh mún.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) nêu thực tế: Một số trường không có địa điểm ổn định phải đi thuê nhiều nơi. Do đó tình trạng giáo viên “chạy sô”, sinh viên không biết trường mình ở đâu là điều dễ hiểu.

Đaị biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) dẫn chứng, bản công bố xếp hạng của công ty xếp hạng toàn cầu đầu năm 2010 đối với 448 trường ĐH thế giới và 200 trường ĐH tốt nhất châu Á thì Việt Nam không có một trường nào được xếp hạng. “Điều đó chỉ ra rằng giáo dục đại học của Việt Nam chúng ta đang đứng trước những thách thức gay gắt về chất lượng đào tạo” - đại biểu Minh nhấn mạnh.

Sớm xây dựng Luật giáo dục đại học

Các đại biểu cho rằng, cầm sớm xây dựng Luật giáo dục đại học để thống nhất và luật hoá các vấn đề quản lý hệ thống giáo dục đại học. Trong đầu tư, Chính phủ cần ban hành các tiêu chí xác định trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận và lợi nhuận hợp lý để áp dụng chính sách, chế độ ưu tiên phù hợp đối với từng loại trường.

Đại biểu Lý Kim Khánh (Cà Mau) đề nghị: Chính phủ cần phân công, phân cấp quản lý các trường đại học theo hướng làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố. Tăng cường bộ máy giúp việc cho UBND các tỉnh, thành phố để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các trường đại học trên địa bàn.

Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) cho rằng: Bộ GD&ĐT cần rà soát lại các trường đại học, xếp lại đội hình của các nhà trường để cho trường, thầy, trò xứng đáng với tên đại học. Nếu trường nào chưa đủ điều kiện cho giảng dạy và học tập thì nên dừng lại và giải thể, kể cả trường tư lẫn công.

Cơ quan thẩm định khi cấp phép thành lập trường cũng phải kiểm tra trực tiếp có đủ tiêu chuẩn cho thành lập trường. Phải kiểm tra lại đội ngũ giảng viên của trường đại học, bắt buộc phải có số lượng giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bộ máy hoạt động của nhà trường phải có thực, chứ không phải trên sổ sách thì mới cho trường đó hoạt động.

Nói chất lượng đào tạo thấp là do dễ dãi trong thành lập trường ĐH, CĐ là không đúng. Chúng ta phải biết năm 1987, khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường thì cả nước có 111 trường ĐH, CĐ. Mỗi năm gần 20.000 kỹ sư, cử nhân ra trường. Hiện nay mỗi năm ra trường là 220.000, gấp 11 lần, gần 90% số này có việc làm. Đó là sau 22 năm quy mô kinh tế tăng khoảng 4 lần. Nếu không có lực lượng này thì không đảm bảo phát triển nền kinh tế. Nếu quy mô đào tạo như năm 1987 thì phải 11 năm liên tục mới đáp ứng được 1 năm nhu cầu nhân lực hiện nay.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem