Thái Nguyên: Di dời khỏi chung cư cũ, người dân đổ nợ

Vũ Thị Hải Thứ bảy, ngày 28/09/2019 14:33 PM (GMT+7)
UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định di dời gần 500 hộ dân ra khỏi 10 nhà chung cư cũ 4 tầng tại TP Sông Công với số tiền hỗ trợ tái định cư ít ỏi.
Bình luận 0

Hỗ trợ "bèo" 

Hầu hết các hộ sinh sống tại 10 nhà chung cư 4 tầng cũ thuộc diện phải di dời là cán bộ, công nhân của các nhà máy trong khu công nghiệp Sông Công đã có thâm niên nhiều chục năm gắn bó với các doanh nghiệp Nhà nước trước đây. Ngoài gian nhà được phân để ở (nay gọi là thuê),thu nhập của người lao động chỉ đủ sống tằn tiện, không có tiền tích lũy nên khi thực hiện di dời khỏi chung cư, hầu hết rơi vào cảnh nợ nần.

Ông Doãn Văn Hải, ở tổ 7 phường Mỏ Chè cho biết, năm 1985 ông là bộ đội xuất ngũ được chuyển về Nhà máy Y cụ II Bộ y tế và được phân một gian nhà để ở tại nhà số 9. Sau đó, ông lấy vợ, sinh con. Từ đó đến nay, gia đình ông vẫn sinh sống tại đây. Khi tỉnh Thái Nguyên có quyết định di dời người dân khỏi các chung cư cũ, gia đình ông không đồng ý bởi không biết sẽ đi đâu. Tổng số tiền gia đình ông được hỗ trợ di chuyển được khoảng 90 triệu đồng nhưng riêng nộp tiền đất vào khu tái định cư phải mất 300 - 350 triệu, nếu tái định cư tại chỗ, tại vị trí gia đình ông đang sinh sống thì phải mất hơn 1,4 tỷ. Đó là chưa kể tiền xây dựng nhà.

“Vợ chồng tôi là công nhân, lương tháng phải chi tiêu tằn tiện mới đủ ăn, làm gì có tiền. Đáng lẽ nhà nước phá chung cư cũ thì phải xây chung cư mới để chuyển chúng tôi đến đó ở chứ làm thế này chúng tôi chả biết vay mượn đâu ra tiền mà mua đất, làm nhà” - ông Hải chia sẻ.

Tương tự như gia đình ông Hải, gia đình bà Phạm Thị Lân (hiện đang ở nhà số 1) cũng chưa biết xoay sở ra sao nếu phải buộc di dời khỏi căn nhà mà bà đã gắn bó suốt mấy chục năm trời. Bà Lân cho biết, bà là cán bộ Công đoàn của Nhà máy Y cụ II. Năm 1977, bà được giám đốc Nhà máy Y cụ II phân cho gian B1 nhà số 9. Đến năm 1992, giám đốc nhà máy điều động bà đến ở phòng A4 nhà số 1. Gia đình bà sinh sống ổn định từ đó cho đến nay. Gia đình bà hiện đang rất khó khăn. Cậu con trai bà không có việc làm sống chung với mẹ. Hai mẹ con chỉ trông vào suất lương hưu hơn 2 triệu đồng của bà. Giờ nếu buộc phải di chuyển, gia đình bà chỉ được hỗ trợ khoảng hơn 60 triệu đồng, bà không biết trông vào đâu để có tiền nộp tiền đất mấy trăm triệu, còn thêm mấy trăm triệu tiền làm nhà nữa.

“Kể cả nhà nước cho chậm nộp tiền đất thì sau này cũng phải trả.  Tôi già rồi không làm gì ra tiền, thu nhập không có gì khác ngoài lương hưu, lấy đâu tiền trả nợ, lấy đâu tiền làm nhà. Đang là người có nhà ở, giờ bỗng dưng mất nhà, muốn có nhà ở thì lại thành con nợ” - bà Lân lo lắng.

Tâm trạng của ông Hải, bà Lân cũng là tâm trạng chung của hàng chục hộ dân hiện chưa đồng ý di dời khỏi các chung cư cũ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, theo các quyết định phê duyệt đơn giá hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân phải di dời khỏi các khu chung cư cũ của UBND tỉnh Thái Nguyên, đại đa số các hộ được nhận tiền hỗ trợ từ 30 đến 60 triệu đồng. Với số tiền này, người dân chưa đủ để nộp tiền đất tái định cư (có mức giá từ 5,5 triệu đồng/m2 trở lên), lô ít tiền nhất cũng trên 250 triệu đồng. Vì thế, nỗi lo tiền đất, tiền làm nhà của người dân ở đây là có cơ sở.

“Chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều. Nhà nước phá chung cư cũ thì phải xây chung cư mới để bố trí chỗ ở cho chúng tôi, chứ làm thế này khác gì đẩy người dân ra đường” - bà Lân bức xúc.

img

Khu đất tái định cư hiện vẫn còn nhiều lô đất chưa được người dân xây dựng 

Ông Nguyễn Văn Tuyến, một hộ dân đã chấp nhận di dời khỏi chung cư số 22 chia sẻ: Gia đình ông được hỗ trợ di dời 61 triệu đồng, ông nhận đất tái định cư ở khu An Châu 2 với diện tích 74m2, số tiền phải nộp là 228 triệu đồng. Do không đủ tiền đất, gia đình ông xin chậm nộp nhưng không được cấp bìa đỏ, nên không vay được vốn ngân hàng để xây nhà, gia đình ông phải đi vay lãi suất bên ngoài. Bây giờ lúc nào ông cũng trong tâm trạng lo lắng vì mang công mắc nợ: đất thì vẫn nợ nhà nước, còn nhà thì nợ chủ nợ. “Già từng này tuổi đầu, tôi chả biết làm gì để trả nợ, không khéo mất nhà lúc nào không biết” - ông Tuyến nói.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thái Hà - Chủ tịch UBND phường Mỏ Chè - Tổ trưởng tổ di dời cho biết, đúng là các hộ dân phải nộp tiền đất khoảng từ 250 triệu đồng trở lên. Để hỗ trợ cho người dân, tỉnh Thái Nguyên đã cho phép các hộ dân được chậm nộp tiền sử dụng đất tối đa lên đến 5 năm. “Cho đến thời điểm này, chúng tôi không nhận được phản ánh nào của người dân về việc phải vay nợ để mua đất, xây nhà dẫn đến nợ nần” - ông Hà nói.

Báo cáo thẩm định không minh bạch

Bên cạnh việc kêu cứu vì đứng trước tình cảnh “đi cũng dở, ở không được”, nhiều hộ dân ở chung cư cũ phải di dời còn làm đơn phản ánh Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng Thái Nguyên - đơn vị lập báo cáo kiểm định công trình xây dựng nhà số 1 chung cư 4 tầng đã đưa ra kết quả kiểm định không đúng thực trạng của nhà chung cư.

Cụ thể, theo tố cáo của người dân thì cán bộ của Trung tâm này tiến hành kiểm định tại hiện trường nhưng người dân sống ở đó không hề được biết. Trong biên bản kiểm định tại hiện trường không có đại diện chính quyền địa phương tham gia. Đại diện bên quản lý công trình là bà Dương Thị Ngân không phải nhà trưởng, do vậy việc đưa bà Ngân vào biên bản kiểm định là không chính xác.

Báo cáo kiểm định và biên bản kiểm định tại hiện trường được lắp ghép tài liệu từ các công trình khác nhau, địa điểm khác nhau. Chẳng hạn tên công trình đáng lẽ phải là Nhà số 1 khu tập thể chung cư 4 tầng, nhưng lại được ghi là Nhà điều hành Trung tâm sát hạch lái xe loại 3, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần vận tải Thái Nguyên…

Chính vì sự mập mờ, thiếu công khai minh bạch dẫn đến sự hoài nghi của người dân về các thông tin mà Trung tâm thu thập được, theo họ những thông tin đó không phản ánh đúng tình trạng thực tế của Nhà số 1 khu chung cư 4 tầng. Thực tế, theo phản ánh của người dân và quan sát của phóng viên, nhà số 1 khu chung cư 4 tầng (hiện vẫn chưa bị phá) vẫn còn kiên cố, gạch xây tường vẫn còn nguyên vẹn không có vết rạn nứt.

Điều đó cũng đã được chứng minh bởi việc Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng Thái Nguyên đưa ra văn bản kiểm định và kết luận từ năm 2013 là công trình nguy hiểm cấp độ D nhưng trên thực tế, cho đến nay, người dân vẫn sinh sống và kinh doanh ổn định, an toàn.

Ngoài những bức xúc nói trên, người dân ở đây còn bất bình khi quỹ đất lấy ra từ việc phá bỏ chung cư cũ lại được thành phố Sông Công phân lô bán nền với giá cao.  

Chính vì lẽ đó, người dân ở đây kiến nghị rằng, trong khi chất lượng công trình chưa đến mức phải phá bỏ, nếu Nhà nước không bố trí được vốn để duy tu thì bán thanh lý cho người dân theo Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 (nay là Nghị định 34/CP ngày 22/04/2013 của Chính phủ) để người dân tự đầu tư sửa chữa, tương tự như việc nhà nước đã từng bán thanh lý nhà chung cư số 10 (cũng là một trong số các chung cư cũ của khu công nghiệp Sông Công) trước đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem