Thái Nguyên: 2.100 lượt hộ hội viên nông dân được Quỹ Hỗ trợ nông dân "tiếp sức"

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 27/08/2021 14:36 PM (GMT+7)
Trong 5 năm qua, nhờ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên, đã có 2.100 lượt hộ hội viên nông dân vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định.
Bình luận 0

Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ hiệu quả cho nhiều hội viên trên địa bàn trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình.

Cụ thể, trong 5 năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ vốn cho 2.100 lượt hộ hội viên nông dân có vốn đầu tư mở rộng sản xuất với doanh số cho vay lũy kế trên 50 tỷ đồng.

Nhờ đó, các cấp hội đã xây dựng thành công 145 mô hình kinh tế có hiệu quả, hình thành 80 tổ hợp tác và tiến đến thành lập HTX.

Một số HTX thành lập nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Thái Nguyên như: HTX Miến Việt Cường, HTX trồng na VietGAP La Hiên, HTX ngựa bạch xã Dương Thành, HTX thủy sản xã Tân Kim…

Ông Nguyễn Văn Ba – Giám đốc HTX Miến Việt Cường cho biết, nhờ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ Nông dân với mức ưu đãi, nhiều thành viên HTX Miến Việt Cường đã có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển chất lượng sản phẩm. Do đó hiệu quả sản xuất và thu nhập của các thành viên ngày càng được nâng cao.

Thái Nguyên: Quỹ hỗ trợ nông dân – Điểm tựa giúp nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Các thành viên HTX Miến Việt Cường mở rộng quy mô phát triển sản xuất nhờ vốn vay Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Hà Thanh)

Tính đến tháng 5/2021, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Thái Nguyên là hơn 42,784 tỷ đồng, tăng 1,1 tỷ đồng đồng so với năm 2020.

Đến nay, tất cả 9 huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng được Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Trong đó, có 2/9 đơn vị đạt mức trên 1 tỷ đồng; 6/9 đơn vị đạt mức 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng và 1 đơn vị có quỹ dưới 500 triệu đồng.

Phương thức cho vay được đổi mới từ vay theo hộ chuyển sang vay theo dự án nhóm hộ có cùng mục đích sản xuất hàng hóa gắn với mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp.

Quy mô đầu tư vốn cho một dự án nâng từ 100 – 200 triệu đồng/dự án lên 300 – 500 triệu đồng/dự án. Nhiều mô hình sử dụng vốn hiệu quả cao, tăng thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống hội viên, nông dân, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Thái Nguyên: Quỹ hỗ trợ nông dân – Điểm tựa giúp nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Nhờ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân đã hình thành nhiều mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp. (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Ma Doãn Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thông qua dự án vay vốn đã gắn kết được các nông dân sản xuất cùng nhóm sản phẩm, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân trong việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, HTX.

Đồng thời, phát triển các chi, tổ hội nghề nghiệp, liên kết với các đơn vị doanh nghiệp từng bước sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Vị - thành viên HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Kim Đĩnh cho biết, gia đình ông bắt đầu nuôi cá khoảng 6 – 7 năm nay. Hiện diện tích ao nuôi cá của gia đình là hơn 7.000m2 với các loại cá chủ yếu như rô phi, trắm, chép. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 50 triệu đồng từ việc nuôi cá.

Năm 2020, ông đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân với lãi suất ưu đãi 0,7%/năm. Nhờ nguồn vốn này, ông đã đầu tư mua con giống và thức ăn chăn nuôi cho cá, góp phần mang lại hiệu quả đáng kể trong phát triển kinh tế gia đình.

Thái Nguyên: Quỹ hỗ trợ nông dân – Điểm tựa giúp nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Vị (xóm Núi Chùa, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân để phát triển mô hình nuôi cá (Ảnh: Hà Thanh)

Hộ gia đình ông Lương Văn Dị (xóm Đồng Chúc, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cũng là một trong những hội viên được vay vốn để phát triển mô hình chăn nuôi cá.

Năm 2020, gia đình ông vay 50 triệu từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân để mở rộng diện tích ao nuôi cá. Nhờ đó, kinh tế gia đình cũng trở nên khá giả hơn trước.

Ngoài ra, nhờ Quỹ Hỗ trợ Nông dân, nhiều sản phẩm đã trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương và được đăng ký sản phẩm OCOP, được Hội Nông dân tỉnh trao tặng danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu như: Miến Việt Cường, ổi Linh Sơn, gà đồi Tân Khánh, tương nếp Úc Kỳ…

Thái Nguyên: Quỹ hỗ trợ nông dân – Điểm tựa giúp nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Sản phẩm ổi Linh Sơn, TP.Thái Nguyên đã trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương được Hội nông dân tỉnh trao tặng danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Nguyễn Văn Huỳnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Kim chia sẻ, năm 2020, Quỹ Hỗ trợ Nông dân huyện Phú Bình phân bổ nguồn vốn cho xã Tân Kim là 500 triệu đồng.

Trong đó, trên địa bàn xã có 10 hộ thành viên của HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Kim Đĩnh đăng ký và được hỗ trợ vay 50 triệu đồng/hộ.

"Đây là lần đầu tiên hội viên trên địa bàn xã tiếp cận được nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ Nông dân kể từ khi triển khai chương trình. Trước đây, các hộ chủ yếu chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ. Từ khi tiếp cận được nguồn vốn vay kết hợp với nguồn vốn của hộ gia đình, các hội viên đã mở rộng quy mô, mua thêm máy móc để phát triển sản xuất, từ đó có thu nhập ổn định hơn," Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Kim cho hay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem