Thái Nguyên: Thất bát vì nuôi lợn, liều chuyển sang nuôi con tai dài không bao giờ đi lạc, bất ngờ lại giàu nhanh

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 04/03/2021 13:01 PM (GMT+7)
Trước đây, anh Bùi Thanh Thuyết (SN 1977, trú tại xóm Mỏn Hạ, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cũng nuôi đủ thứ, từ nuôi thỏ, giun quế, gà, lợn… nhưng đều thất bại. Nhờ quyết định chuyển sang nuôi dê vỗ béo, đến hiện nay, anh Thuyết đã có cả một cơ ngơi khang trang.
Bình luận 0

Tiếp PV Dân Việt trong căn nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi, anh Bùi Thanh Thuyết, xã Tân Kim, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) kể, trước đây, cứ thấy mô hình chăn nuôi nào hay, anh cũng mày mò đi tham quan, học hỏi rồi về áp dụng tại gia đình mình.

Anh nuôi đủ thứ, từ nuôi thỏ, rồi nuôi giun quế, sau đó lần lượt đến nuôi lợn, nuôi gà nhưng đều thất bại. Năm 2013, việc thất bại trong chăn nuôi lợn, nuôi gà đã khiến anh gần như sạch banh hết cả cơ nghiệp.

Thái Nguyên: Lão nông đổi đời nhờ nuôi con be be suốt cả ngày - Ảnh 1.

Anh Bùi Thanh Thuyết, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên là nông dân đầu tiên trong vùng chăn nuôi dê vỗ béo

Giữa lúc đang loay hoay khi tiền bạc trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi, năm 2014, anh Thuyết quyết định liều một phen thử sức với mô hình nuôi dê vỗ béo. Anh Thuyết cũng là nông dân đầu tiên trong vùng liều xây dựng mô hình chăn nuôi dê vỗ béo này.

Anh Thuyết cho biết, ban đầu, anh lựa chọn nuôi dê cỏ. Tuy nhiên giống dê cỏ này hay bị bệnh, trọng lượng nhỏ mà lãi ít. Do vậy, đến năm 2018, anh vào tận tỉnh Quảng Trị để tham quan và mua giống dê nhập khẩu từ Thái Lan về nuôi.

Mới đầu anh nuôi thử nghiệm vài chục con dê Thái Lan rồi tiếp tục phát triển số lượng lớn dần khi mô hình nuôi dê vỗ béo bắt đầu có lãi.

Theo anh Thuyết, ưu điểm của loại dê Thái Lan nhập khẩu này là trọng lượng lớn hơn dê cỏ, hiếm khi bị bệnh nên tỷ lệ rủi ro thấp, thời gian nuôi vỗ béo nhanh, công chăm sóc cũng ít. Trung bình mỗi năm anh Bùi Thanh Thuyết nuôi 3 lứa dê vỗ béo, mỗi lứa anh nuôi khoảng 300 con dê, những lúc cao điểm lên tới 700 – 800 con dê vỗ béo.

Mỗi tháng, anh Bùi Thanh Thuyết Thuyết nhập từ 1.600 - 2.000 con dê về chuồng rồi vừa nuôi vỗ béo vừa bán dê thịt cho các lò mổ, nhà hàng. Đến thời điểm này, anh Thuyết nhập dê trực tiếp từ Thái Lan, có kiểm dịch, chứng nhận đầy đủ an toàn về nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận thú y chứ không qua trung gian như trước.

Thái Nguyên: Lão nông đổi đời nhờ nuôi con be be suốt cả ngày - Ảnh 2.

Dê Thái Lan anh Thuyết nhập khẩu có trọng lượng lớn hơn, lại hiếm khi bị bệnh mà thời gian vỗ béo nhanh hơn, cho lợi nhuận tốt hơn là nuôi dê cỏ.

Anh Thuyết cho biết, nuôi dê vỗ béo không quá khó do chúng hiếm khi bị bệnh. Chuồng trại nuôi dê cũng không cần quá cầu kỳ, chỉ có vốn vốn đầu tư tương đối lớn.

Dê có đặc tính đi theo bầy đàn và dù có thả trên rừng, trên đồi dễ cũng không bao giờ bị lạc nhà. Nguồn thức ăn của dê cũng tương đối dễ kiếm như cỏ voi hay có thể tận dụng các loại lá, thân cây như cây chuối, cây ngô để chăn kết hợp với cho ăn cám công nghiệp.

Trung bình mỗi ngày, một con dê trưởng thành có thể ăn hết khoảng 0,5kg cỏ và 1kg cám. Tuy nhiên theo anh Thuyết, không nên cho dê ăn quá no vì không tốt cho hệ tiêu hoá của dê. 

Phân dê lại được anh Thuyết xử lý bằng cách sử dụng men vi sinh để ủ rồi tận dụng để bón cho cỏ voi nên không gây ô nhiễm môi trường. Ruộng cỏ voi được bón phân dê thì cứ tốt vù vù mà chẳng cần phải bón phân hóa học.

Hiện tại, với diện tích chuồng trại 500m2, gia đình anh Thuyết có thể nuôi tối đa 500 con dê. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đợt này, gia đình ảnh chỉ nuôi khoảng 100 con dê.

Sắp tới, anh dự định mở rộng thêm 400m2 chuồng trại để có đủ chỗ nhốt dê vỗ béo khi số lượng nhập về lớn mà chưa tiêu thụ ngay được. Bên cạnh đó, anh áp dụng cách thức dự trữ nguồn thức ăn quanh năm bằng cách ủ cỏ, như vậy vừa có thể chủ động về nguồn thức ăn lại giúp dê nhanh lớn hơn.

Thái Nguyên: Lão nông đổi đời nhờ nuôi con be be suốt cả ngày - Ảnh 3.

Gia đình anh Thuyết trồng khoảng 1 mẫu cỏ voi làm nguồn thức ăn cho dê.

Thái Nguyên: Lão nông đổi đời nhờ nuôi con be be suốt cả ngày - Ảnh 4.

Chuồng trại nuôi dê cũng không cần quá cầu kỳ

Anh Thuyết cũng lưu ý, dù con dê có thể sinh trưởng và phát triển trong mọi môi trường và thời tiết, nhưng cũng cần chú ý tạo không gian chuồng trại thoáng mát cho dê vào mùa hè. Về mùa đông, nên che chắn chuồng trại kín gió, nếu lạnh quá có thể sử dụng quạt sưởi cho dê nuôi.

Thái Nguyên: Lão nông đổi đời nhờ nuôi con be be suốt cả ngày - Ảnh 5.

Thức ăn của dê tương đối dễ kiếm như cỏ voi, các loại lá, cây như chuối, ngô kết hợp với cám


Thái Nguyên: Lão nông đổi đời nhờ nuôi con be be suốt cả ngày - Ảnh 6.

Những lúc cao điểm, gia đình anh Thuyết, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên xuất bán 3.000 con dê vỗ béo/tháng.

Theo anh Thuyết, nuôi dê lãi hơn nhiều so với nuôi lợn và nuôi gà. Nếu giá dê thịt ổn định, mỗi con dê sẽ cho lãi khoảng 300.000 đồng/tháng/con.

Đến nay thị trường bán dê giống và bán dê thịt của gia đình anh Thuyết tương đối ổn định, xuất bán đi hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc. Ngoài bán dê giống, anh còn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê cho những ai có nhu cầu.

Với giá bán dê giống trung bình 165.000 đồng/kg và giá bán dê thịt là 160.000 đồng/kg, gia đình anh Thuyết ước tính thu lãi khoảng 100 triệu đồng/lứa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem