Thái Nguyên: Triển khai hỗ trợ việc làm bền vững cho từng người nghèo

Thùy Anh Thứ ba, ngày 23/05/2023 14:47 PM (GMT+7)
Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 xuống còn 4,7%, thời gian tới tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu tạo việc làm bền vững cho hộ nghèo. Tỉnh này phấn đấu ít nhất một lao động thuộc hộ nghèo được giới thiệu việc làm.
Bình luận 0

Mục tiêu giảm 4,7% hộ nghèo trong năm 2023

Theo rà soát, đánh giá của Bộ LĐTBXH, kết thúc năm 2022, tỉnh Thái Nguyên còn 26.869 hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn đa chiều (chiếm tỷ lệ 7,99%). Trong đó: 14.626 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,35% và 12.245 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,64%. Với kết quả này, Thái Nguyên là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo thấp nhất trong số 14 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu giảm 4.711 hộ nghèo và cận nghèo trong năm nay (gồm 3.365 hộ nghèo và 1.346 hộ cận nghèo). Đồng thời triển khai kế hoạch giảm nghèo, tỉnh cũng triển khai Tiểu dự án 3.4 về Hỗ trợ việc làm bền vững.

Trước đó, trong năm 2022 tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch đầu tư hơn 33,2 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, riêng vốn dành cho dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), việc làm bền vững là gần 11 tỷ đồng.

Mục tiêu dự án đặt ra là có 100% người lao động (NLĐ) thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được học nghề phù hợp. Sau học nghề, NLĐ được các đơn vị dạy nghề giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm để có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

hỗ trợ việc làm bền vững tại thái nguyên

Hỗ trợ việc làm bền vững cho lao động nghèo là một trong những ưu tiên hàng đầu để giảm nghèo tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: NN

Thực hiện nội dung này Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh sẽ cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho NLĐ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Kinh phí để triển khai dự án này là gần 4,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 3,6 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Kế hoạch thực hiện các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Tiểu dự án 3.4 Của Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên toàn giai đoạn có tổng kinh phí là 300 triệu đồng.

Chương trình sẽ tập trung phân tích, dự báo thị trường lao động, gắn kết giữa đào tạo nghề với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. 2 tiểu dự án 3 và 4 có 100 doanh nghiệp tham gia, 300 NLĐ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

Để triển khai thực hiện Dự án phát triển GDNN và việc làm bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; ưu tiên các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Các huyện triển khai hỗ trợ việc làm bền vững

Hiện nay vốn ngân sách thực hiện Tiểu dự án 3.4 năm 2023 chưa được phê duyệt. Các huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng đang tập trung thực hiện kế hoạch được duyệt năm 2022.

Đơn cử như tại huyện Đồng Hỷ, nội dung hỗ trợ việc làm bền vững cho lao động đã được triển khai từ rất sớm, đạt hiệu quả. Qua rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn huyện hiện còn gần 2.400 hộ nghèo (chiếm 9,8%) và gần 1.600 hộ cận nghèo (chiếm 6,5%). Để tạo việc làm bền vững cho lao động nhất là lao động nghèo, tỉnh tăng cường đào tạo nghề, song song với đó thực hiện các biện pháp tư vấn giới thiệu việc làm. Từ việc triển khai đào tạo nghề và kết nối việc làm phù hợp cho bà con nông dân, diện mạo nông thôn ở Đồng Hỷ đã nhanh chóng khởi sắc.

Chị Nguyễn Thị Thảo, 40 tuổi là hộ nghèo ở huyện Đồng Hỷ. Từ ngày chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo, nhà 4 người chỉ còn mình chị là lao động chính, nhưng không có công việc ổn định, chỉ làm thuê. Chị Thảo cho biết: "Nhờ được đào tạo nghề, sau đó được kết nối giới thiệu việc làm mà gia đình tôi đã thoát cảnh nghèo khó".

Giờ đây, chị Thảo làm công ty may tại huyện, thu nhập được 5-6 triệu đồng tháng. Ngoài thời gian làm công nhân, chị làm thêm mấy sào ruộng, vì thế chắt bóp cũng đủ tiền ăn uống, sinh hoạt.

hỗ trợ việc làm bền vững Thái Nguyên

Trong 2 năm 2021-2022 huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm lưu động giới thiệu việc làm cho lao động. Ảnh: NN

Ngoài việc tổ chức các lớp dạy nghề, huyện cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các cơ quan liên quan phát triển đa dạng hình thức giao dịch việc làm, tổ chức hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin về thị trường lao động; tổ chức phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm để định hướng nghề nghiệp, giúp người lao động, nhất là lao động nghèo có thêm cơ hội tiếp cận công việc phù hợp với khả năng của bản thân, tạo thu nhập cho gia đình và phát triển xã hội.

Kết quả, trong 2 năm gần đây (2021-2022), Đồng Hỷ đã tổ chức thành công 1 ngày hội việc làm cấp huyện, 13 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, thị trấn, với tổng số gần 2.700 lượt người lao động tham gia.

Thông qua đó, doanh nghiệp và người lao động được tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, chính xác những thông tin về thị trường lao động; phòng tránh cho lao động nông thôn những rủi ro không đáng có vì bị đối tượng xấu lợi dụng, buôn bán người. Theo đó, người lao động tìm kiếm được việc làm mới, còn doanh nghiệp giải được "cơn khát" về nguồn nhân lực. Từ đó góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có hơn 45.300 người trong độ tuổi lao động, chiếm 47,86% dân số. Giai đoạn 2020-2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện giảm bình quân 2,35%/năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem