Thái Nguyên: Trồng 2.000 cây "rồng xanh" ra vạn quả đỏ, nơi heo hút vẫn rủng rỉnh tiền tiêu

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ hai, ngày 12/07/2021 19:02 PM (GMT+7)
Vợ chồng anh Triệu Hữu Vy (xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã trồng đủ thứ cây ăn quả nhưng đều không hiệu quả. Đến khi chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ, hai vợ chồng anh kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Anh Triệu Hữu Vy cho biết, anh là người dân tộc Dao còn vợ anh là người dân tộc Sán Dìu. Vợ chồng anh đã trồng nhiều cây ăn quả khác nhau từ chè, táo, bưởi... cho đến ổi, nhưng đều không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thái Nguyên: Cặp vợ chồng người dân tộc trồng cây ra cành xum xuê, trái chín đỏ au mỗi năm thu vài trăm triệu - Ảnh 1.

Anh Triệu Hữu Vy (xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) và mô hình trồng thanh long ruột đỏ (Ảnh: Hà Thanh)

"Mặc dù mô hình trồng thanh long trong Nam rất hay và hiệu quả kinh tế, nhưng khi mang giống thanh long ở đó ra Bắc trồng lại không phù hợp với đồng đất và khí hậu ngoài mình. Do đó tôi đã về Thái Bình để tham quan mô hình rồi quyết định mua giống ở đó về trồng", anh Vy chia sẻ.

Ban đầu, anh Vy trồng 400 gốc thanh long trên diện tích khoảng 2.000 m2. Dần dần anh mở rộng diện tích và đến nay vợ chồng anh có khoảng 2.000 gốc thanh long ruột đỏ.

Theo anh Vy, giống thanh long anh đang trồng là giống thanh long ruột đỏ nhập khẩu từ Malaysia về Việt Nam rồi được bà con nhân giống và phát triển tại Thái Bình.

Ưu điểm của giống thanh long ruột đỏ là dễ trồng và không mất quá nhiều công chăm sóc. Một năm, thanh long ruột đỏ chỉ cần bón phân 4 lần chính vào các thời điểm cây chuẩn bị ra nụ và ra quả.

Sau khi trồng khoảng một năm, cây thanh long ruột đỏ sẽ cho thu hoạch quả. Tuy nhiên phải đến năm thứ 3 mới đạt sản lượng tốt nhất.

Mỗi năm, cây thanh long ruột đỏ cho thu hoạch khoảng 4 lứa chính, thời điểm thu hoạch thường từ khoảng tháng 5 đến tháng 11 hằng năm.

Trung bình, mỗi gốc thanh long ruột đỏ sẽ cho sản lượng từ 10 – 15kg quả/vụ. Như vậy, với 2.000 gốc thanh long ruột đỏ, gia đình anh Vy thu hoạch khoảng 20 tấn quả/vụ.

Thái Nguyên: Cặp vợ chồng người dân tộc trồng cây ra cành xum xuê, trái chín đỏ au mỗi năm thu vài trăm triệu - Ảnh 2.

Hiện nay, vợ chồng anh Vy chị Vân có tất cả 2.000 gốc thanh long ruột đỏ. (Ảnh: Hà Thanh)

Về cách làm trụ cho cây thanh long, trước khi trồng, anh Vy đổ các trụ bê tông rồi chôn sâu xuống lòng đất khoảng 60cm. Sau đó, anh rải phân gà, lấp đất khoảng 40cm, rồi cấy cành xuống bên cạnh cách trụ bê tông khoảng 2cm.

Thái Nguyên: Cặp vợ chồng người dân tộc trồng cây ra cành xum xuê, trái chín đỏ au mỗi năm thu vài trăm triệu - Ảnh 3.

Ưu điểm của cây thanh long ruột đỏ là dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc (Ảnh: Hà Thanh)

Mới đầu, anh chỉ cho mỗi gốc thanh long ruột đỏ leo lên một trụ bê tông. Nhưng sau anh cải tiến bằng việc trồng trụ rồi xen 2 thanh đỡ ở giữa 2 trụ. Trong đó, khoảng cách 2m giữa các trụ bê tông được anh giữ nguyên, nhưng khoảng cách giữa các hàng thì được anh nới rộng ra thêm 1m.

Cách làm này vừa giúp nâng đỡ cho các cành thanh long lại vừa có thể trồng dày hơn, tăng năng suất.

Thái Nguyên: Cặp vợ chồng người dân tộc trồng cây ra cành xum xuê, trái chín đỏ au mỗi năm thu vài trăm triệu - Ảnh 5.

Anh Vy cải tiến trụ trồng thanh long ruột đỏ. (Ảnh: Hà Thanh)

Để tiết kiệm thời gian chăm sóc, vợ chồng anh Vy đã đầu tư lắp đặt giàn tưới tự động để tưới nước cho vườn thanh long khi cần.

Còn theo chị Vân (vợ anh Vy), thanh long ruột đỏ chủ yếu bị bệnh nấm và ốc sên ăn, do đó thỉnh thoảng cần phun thuốc khi thấy cây có dấu hiệu bị bệnh.

Trong quá trình trồng thanh long ruột đỏ, vào khoảng tháng 11, 12, phải tỉa cành và cắt bỏ những cành thanh long già, kém hiệu quả để nhường chỗ cho những mầm non khác phát triển. Những cành thanh long già đem băm nhỏ và tận dụng để làm phân bón cho cây.

Thái Nguyên: Cặp vợ chồng người dân tộc trồng cây ra cành xum xuê, trái chín đỏ au mỗi năm thu vài trăm triệu - Ảnh 6.

Thanh long ruột đỏ cho thu hoạch gần như quanh năm. (Ảnh: Hà Thanh)

Ngoài ra, sau khi thanh long được 3 năm tuổi là bắt đầu có thể lấy giống bằng việc cắt những cành già cho thu hoạch ít quả, những cành ra đầu tiên ở bên trong do bị cớm nắng.

Sau khi cắt cành, đem giâm cành khoảng 1 tháng là có thể tiến hành trồng. Anh Vy hiện bán thanh long ruột đỏ giống cho bà con trong vùng với giá 8.000 đồng/khúc, mỗi khúc có chiều dài khoảng 35 – 40cm.

Thanh long ruột đỏ có thời gian thu hoạch kéo dài gần như quanh năm, giá trị cao hơn nhiều lần so với một số loại cây trồng khác. 

Bên cạnh đó, quả thanh long ruột đỏ khi chín có thể để được trong thời gian tương đối lâu trên cây hoặc khi cắt xuống vẫn có thể bảo quản trong một tuần mà không lo bị hỏng.

Thái Nguyên: Cặp vợ chồng người dân tộc trồng cây ra cành xum xuê, trái chín đỏ au mỗi năm thu vài trăm triệu - Ảnh 7.

Quả thanh long ruột đỏ khi chín có thể để được trong thời gian tương đối lâu trên cây. (Ảnh: Hà Thanh)

Sau khi vợ chồng anh Vy thành công với mô hình trồng thanh long ruột đỏ, nhiều hộ gia đình trong vùng cũng mua giống về trồng để phát triển và nhân rộng.

Hiện nay, vợ chồng anh Vy chủ yếu giao bán thanh long ruột đỏ tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.

Tuy nhiên theo anh Vy, khó khăn lớn nhất hiện nay của gia đình anh là về nguồn vốn đầu tư vì để làm được mô hình này thì nguồn vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn. Ngoài ra, mong muốn của anh là đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn trên địa bàn nhưng sản lượng lại không đáp ứng được.

Thái Nguyên: Cặp vợ chồng người dân tộc trồng cây ra cành xum xuê, trái chín đỏ au mỗi năm thu vài trăm triệu - Ảnh 8.

Ngoài trồng thanh long ruột đỏ, gia đình anh Vy còn nuôi 2 ao cá. (Ảnh: Hà Thanh)

Anh Vy cho biết, mỗi năm gia đình anh thu khoảng 300 – 400 triệu từ trồng thanh long ruột đỏ. Ngoài ra, gia đình anh còn có thêm nguồn thu nhập từ 2 ao cá gần 2.000m2 mỗi năm cũng mang về cho anh chị vài chục triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem