Thái Nguyên: Trồng cát sâm trên đất đồi cằn, dự kiến thu tiền tỷ

Hà Thanh Thứ tư, ngày 01/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Thành công bước đầu cho thấy, cây cát sâm có thể thay thế một số diện tích cây trồng kém hiệu quả trên đất đồi, đem lại kinh tế cao cho nông dân vùng núi tỉnh Thái Nguyên.
Bình luận 0

Trước thực trạng một số loại cây dược liệu có trong tự nhiên bị cạn kiệt do khai thác quá mức, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên đã giao cho một số đơn vị liên quan phối hợp triển khai dự án phát triển mô hình trồng cây dược liệu cát sâm trên đất đồi kém hiệu quả tại Thái Nguyên. 

Thái Nguyên: Phát triển mô hình trồng cây dược liệu Cát sâm trên đất đồi kém hiệu quả - Ảnh 1.

Mô hình trồng cây cát sâm tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Trung Kiên)

Theo đó, từ tháng 7/2019 đến tháng 7/2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên đã giao cho Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên phối hợp với Công ty TNHH XDPT Nông nghiệp xanh Thái Nguyên triển khai dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển mô hình trồng cây dược liệu cát sâm trên đất đồi kém hiệu quả tại tỉnh Thái Nguyên".

Sau 2 năm triển khai, dự án đã thu thập và trồng 300 cây cát sâm, xây dựng vườn giống gốc tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên với diện tích 300m2.

Bên cạnh đó, xây dựng thành công vườn nhân giống quy mô 10.000 cây/năm và triển khai mô hình trồng thâm canh cây cát sâm tại xóm Hải Hà, xã Khe Mo và xóm 4, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên với quy mô 2ha.

Thực tế cho thấy, tại các mô hình, cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. 

Qua kết quả theo dõi dự án cho thấy cây cát sâm dễ trồng, chịu hạn tốt. Vì vậy, có thể thay thế một số diện tích cây trồng kém hiệu quả trên đất đồi, đem lại kinh tế cao cho người dân vùng núi.

Cát sâm từ khi trồng đến thu hoạch kéo dài từ 3 - 5 năm, năng suất củ tươi thu được năm thứ 5 dự kiến đạt 15 – 20 tấn/ha. 

Giá bán củ cát sâm tươi hiện nay từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Tổng thu được từ sản phẩm của mô hình từ 1,2 – 1,6 tỷ đồng/ha, lợi nhuận từ 700 triệu đồng – 1,1 tỷ đồng/ha.

Hiện nay, Ban quản lý dự án tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. 

Bên cạnh đó, vườn nhân giống mỗi năm cung cấp ra thị trường 10.000 cây giống phục vụ nhu cầu trồng cát sâm của nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem