Thái Nguyên với mục tiêu phát triển thành phố thông minh nhờ công tác chuyển đổi số

Hà Thanh Thứ ba, ngày 10/08/2021 16:48 PM (GMT+7)
TP.Thái Nguyên đang tập trung triển khai thực hiện công tác Chuyển đổi số trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 nhằm hướng tới mục tiêu phát triển thành phố thông minh.
Bình luận 0

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, UBND TP.Thái Nguyên đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan. 

Theo đó, Viettel Thái Nguyên thống nhất các nội dung triển khai, lắp đặt thử nghiệm hệ thống camera giám sát trên địa bàn TP.Thái Nguyên; chỉ đạo triển khai, lắp đặt thử nghiệm hệ thống QR CODE tại một số trục đường chính trên địa bàn thành phố.

Phát triển Thái Nguyên trở thành thành phố thông minh nhờ công tác chuyển đổi số - Ảnh 1.

Thành phố Thái Nguyên lắp đặt thử nghiệm hệ thống Camera giám sát trên địa bàn thành phố. Ảnh: Hà Thanh

Các phòng ban chuyên môn, UBND các phường, xã phối hợp với Viettel Thái Nguyên thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đồng thời, phối hợp với Bưu điện TP.Thái Nguyên rà soát, xác minh, hiệu chỉnh dữ liệu bản đồ số trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Kế hoạch Chuyển đổi số của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Theo Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, Thái Nguyên đặt mục tiêu hướng đến là thành phố thông minh. Trong đó tập trung vào một số nội dung cơ bản: Xây dựng và nâng cấp hệ thống Công nghệ thông tin ở các cơ quan nhà nước; đổi mới và kiến tạo cơ cấu, quản trị phù hợp với quá trình chuyển đổi số; xây dựng Trung tâm điều hành thông minh; giao thông thông minh, chiếu sáng thông minh; kiểm soát an ninh trật tự, xã hội thông minh; lĩnh vực Y tế và Giáo dục và Đào tạo; cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Cụ thể: Đầu tư cơ sở hạ tầng - kỹ thuật hiện đại để triển khai các hệ thống thông tin vận hành trực tiếp tại Trung tâm và vận hành; sử dụng các dịch vụ đô thị thông minh trên cơ sở kết nối, chia sẻ, sử dụng các nền tảng đô thị thông minh; các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử do Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh Thái Nguyên cung cấp.

Theo dõi, giám sát, điều phối xử lý các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của thành phố như: Phản ánh hiện trường; giám sát giao thông; an ninh công cộng; ứng cứu khẩn cấp, cứu nạn, cứu hộ; chiếu sáng đô thị; cấp, thoát nước... để hỗ trợ ra quyết định, phục vụ chỉ đạo, điều hành kịp thời; đồng thời tiếp nhận và trả lời ý kiến người dân thông qua các ứng dụng di động (app), qua các hệ thống tích hợp camera và cảm biến, hệ thống giám sát an ninh...

Kết nối hệ thống thông tin dữ liệu dùng chung các lĩnh vực chính quyền, kinh tế, xã hội phục vụ quản lý, điều hành. Xây dựng và triển khai hiệu quả đô thị thông minh, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; gắn liền phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền điện tử, bảo đảm an ninh mạng.

Bên cạnh đó tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, quản lý phương tiện, chống ùn tắc giao thông, giám sát phát hiện, xử lý vi phạm giao thông và quản lý an ninh trật tự bằng hình ảnh, camera giám sát.

Hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ gắn kết với hạ tầng đô thị phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hoàn thiện các hệ thống, trung tâm thu thập, giám sát và điều hành tình hình an ninh trên địa bàn thành phố, triển khai quản lý tập trung công tác an ninh và ứng cứu khẩn cấp với hệ thống quản lý thông minh.

Phát triển Thái Nguyên trở thành thành phố thông minh nhờ công tác chuyển đổi số - Ảnh 2.

Thành phố Thái Nguyên định hướng trong thời gian tới sẽ tập trung triển khai thực hiện công tác Chuyển đổi số trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 để hướng tới mục tiêu phát triển thành phố Thái Nguyên là thành phố thông minh. Ảnh: Hà Thanh

Quản lý nhà thuốc, triển khai bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử. Xây dựng hệ sinh thái Y tế thông minh, quản lý toàn bộ hoạt động của ngành Y tế, cơ sở khám chữa bệnh thông minh từ thành phố kết nối với tỉnh, đến các trạm y tế phường, xã. Khám, chữa bệnh từ xa. Tăng cường việc thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ đặt lịch khám qua phần mềm trên smartphone.

Tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho 100% đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh phổ thông toàn ngành đảm bảo mục tiêu chuyển đổi số. Hoàn thiện hạ tầng CNTT tại cơ quan, đơn vị, nhà trường đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Đảm bảo 100% các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai dạy học trực tuyến, triển khai giáo dục tích hợp với kiến thức công nghệ số; phổ cập ứng dụng kỹ năng số trong cộng đồng; áp dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lí nhà trường, quản lí chuyên môn, hồ sơ công việc điện tử toàn ngành; xây dựng, triển khai hệ thống khảo sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo phù hợp với yêu cầu của Bộ GDĐT; xây dựng hệ thống học liệu dùng chung của các cấp học phục vụ người học tự học, tự nghiên cứu trên nhiều phương tiện khác nhau; triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn ngành.

Cùng với đó sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất lựa chọn đơn vị tư vấn và đơn vị tư vấn giám sát để triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem