Thám hoa, lưỡng quốc khôi nguyên quê Bắc Ninh mượn vế đối "mắng" vua phương Bắc: ếch ngồi đáy giếng

Thứ bảy, ngày 13/05/2023 14:56 PM (GMT+7)
Sử Việt từng xuất hiện những vị thám hoa tài đức vẹn toàn, trí tuệ uyên bác, ngoại bang kính nể. Và một trong số đó là thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, quê ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Bình luận 0
Danh hiệu thám hoa được trao cho người đứng thứ 3 trong kỳ thi đình, tức sau trạng nguyên và bảng nhãn. 

Tuy nhiên, nếu năm nào triều đình không lấy trạng nguyên và bảng nhãn thì danh hiệu thám hoa là người đứng đầu kỳ thi đình của năm đó. 

Theo các tài liệu lịch sử, trong số 2.898 vị đại khoa từ năm 1075-1919, chỉ 76 người vinh dự có được danh hiệu thám hoa. Vì vậy, thám hoa là danh hiệu rất cao quý của sĩ tử ngày xưa. 

Sử Việt từng xuất hiện những vị thám hoa tài đức vẹn toàn, trí tuệ uyên bác, ngoại bang kính nể. Và một trong số đó là thám hoa Nguyễn Đăng Cảo.

Thám hoa, lưỡng quốc khôi nguyên quê Bắc Ninh mượn vế đối "mắng" vua phương Bắc: ếch ngồi đáy giếng - Ảnh 1.

Minh họa:S.H

Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo còn có tên gọi khác là Đăng Hạo, người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du (nay là thôn Hoài Bão, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). 

Ông là anh của Nguyễn Đăng Minh (tiến sĩ năm 1646), là bác ruột của Nguyễn Đăng Tuân (tiến sĩ năm 1673) và Nguyễn Đăng Đạo (trạng nguyên năm 1683). 

Năm 28 tuổi, ông đi thi và đỗ hội nguyên, đình nguyên, đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh (thám hoa) năm 1646, đời vua Lê Chân Tông. 

Do khoa thi này không lấy trạng nguyên và bảng nhãn nên ông là người đứng đầu trong số những người thi đỗ. Cùng khoa thi này, em ruột ông là Nguyễn Đăng Minh đỗ tiến sĩ. Sau đó, ông lại đỗ đầu khoa Đông các, được bổ chức Đông các đại học sĩ năm 1659.

Từ nhỏ Nguyễn Đăng Cảo đã nổi tiếng thông minh, có trí nhớ khác người, sách vở chỉ đọc một lần là nhớ. Khi làm quan là người hay chữ, giỏi đối đáp nên ông thường được triều đình cử đảm trách tiếp sứ phương Bắc. 

Một lần được triều đình cử đi sứ sang nhà Thanh, ông đã thể hiện rõ tài năng, được vua Thanh khen ngợi và phê tặng danh hiệu “Lưỡng quốc Khôi nguyên”. 

Chuyện xảy ra vào năm Kỷ Mùi, triều Phúc Thái, ông hộ tống đoàn đi sứ nhà Thanh đến Lạng Sơn, khi ấy sứ nhà Thanh ra đối rằng: Điểu nhập phong, thực tận trùng nhi hóa phượng. Vế đối này có nghĩa là chim vào gió ăn hết sâu mà hóa phượng. 

Cái khó ở vế đối là chữ phượng gồm chữ điểu viết trong chữ phong. Ngay sau đó, ông đã đáp lại rằng: Nhân cư nhân trắc, đả phi thạch dĩ thạch tiên. Có nghĩa là người ở cạnh núi, đẽo đá để thành tiên. Cái tài ở vế đối này là chữ nhân đứng bên cạnh chữ nham bỏ chữ thạch, thành chữ tiên.

Lúc đến cửa ải cũng là lúc trời mưa dầm đã được hơn 1 tuần, nhưng hôm ấy bỗng nhiên trời hửng nắng, sứ phương Bắc đem sách ra phơi, ông cũng kê ghế rồi trải chiếu nằm phơi bụng ra giữa thanh thiên bạch nhật. 

Sứ nhà Thanh thấy vậy liền hỏi rằng: Sao ông lại làm như vậy? Ông liền đáp lại: Sứ thần thượng quốc phơi sách, tôi phơi bụng. Sứ nhà Thanh nghe vậy liền thử tài và nói: Sách Đại học bản chính bị đốt mất rồi, phiền ngài viết lại cho. 

Ông viết lại từ chính văn đến chú giải lớn, nhỏ như bản gốc, sứ nhà Thanh kinh ngạc nói rằng: Năm trước, quan Thái sư (Trung Hoa) tâu vua rằng: Sao Văn Khúc giáng ở An Nam, quả đúng như vậy. 

Tiếng đồn đến vua nhà Thanh, vua Thanh thử tài và bảo ông làm bài phú giải thích cho chư hầu về việc róc tóc. Ông làm xong ngay và đệ trình. Vua nhà Thanh hết lời khen ngợi và phê rằng: Lời gọn, ý tận và sâu sắc, rồi phong cho ông là Khôi nguyên Bắc triều, như vậy ông là “Lưỡng quốc Khôi nguyên”.

Theo sách “Sứ thần Việt Nam”, trong một lần ông được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc, khi giáp mặt, thấy ông già cả, vua Khang Hy của nhà Thanh liền ra câu đối: Lão khuyển lạc mao, do hướng đình tiền phệ nguyệt. Nghĩa là: Chó già rụng lông thấy trăng còn đứng ra sân mà sủa. 

Biết đó là ý miệt thị của vua nhà Thanh, Nguyễn Đăng Cảo liền đối lại: Tiểu oa đoản cảnh, mạn cư tỉnh để khuy thiên. Nghĩa là: Ếch con ngắn cổ, cũng dám ngồi đáy giếng coi trời bằng vung. 

Vế đối có nội dung ngang tàng, ý mỉa mai, xem thường cả triều đình lẫn vua Thanh không hiểu biết, bụng dạ hẹp hòi. Đây là vế đối quá chuẩn, thể hiện được trí tuệ và bản lĩnh của người Việt. Từ đó, vua quan nhà Thanh không dám coi thường sứ nước Nam nữa. Khi đoàn sứ bộ Nguyễn Đăng Cảo ra về, vua nhà Thanh còn sai quan tiễn sứ đoàn rất trịnh trọng.

Lời bàn:

Thời kỳ phong kiến không có nhà hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp, mà triều đình lựa chọn từ những vị quan có tài thơ văn ứng đáp, học rộng hiểu sâu, thông làu kinh sử, hoạt ngôn để đi sứ. 

Và để hoàn thành được sứ mệnh, đòi hỏi sứ thần không chỉ thông minh, tài giỏi hơn người mà lòng kiên định, ý chí sắt đá, một lòng tận trung với đất nước, bởi đó là cuộc đấu tranh gay go trên mặt ngoại giao. 

Trong lịch sử bang giao với phương Bắc, công việc của sứ thần nước Nam thời đó không đơn thuần là tuế cống, cầu phong mà còn có những cuộc đàm phán để đảm bảo hòa bình, khẳng định độc lập, bảo toàn cương giới, là người đại diện cho quốc thể, lợi ích dân tộc.

Hơn nữa, ở bên một nước lớn nên việc bang giao là vấn đề trọng yếu của đất nước. Vì thế, trong bất kỳ tình huống nào, trước sự áp chế, thử thách của nước lớn phương Bắc, sứ thần cũng phải rất mực thông minh, mưu trí, ứng đối mau lẹ giữ vững tiết sứ thần của một nước Đại Việt có truyền thống văn hiến, có độc lập chủ quyền, có cương vực riêng... 

Và bằng học vấn uyên thâm, trí thức thông tuệ, lối đối ngoại cương nhu kết hợp nhuần nhuyễn của Nguyễn Đăng Cảo đã khiến vua Thanh cùng quần thần, sứ bạn phải nể phục rồi phê tặng ông danh hiệu Khôi nguyên Bắc triều. 

Chưa hết, vua nhà Thanh còn khẳng định rằng: Địa linh, nhân kiệt đời nào cũng có, nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Đăng Cảo. Chỉ riêng việc này, hậu thế cũng đã quá hiểu về tài năng của ông, song vấn đề là người đời nay học được gì ở tiền nhân?

ND (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem