Tham vọng 1,2 tỷ USD của “ông lớn” năng lượng

N.Minh Thứ năm, ngày 27/05/2021 13:31 PM (GMT+7)
Năm 2021, “ông lớn” năng lượng PV Power đặt mục tiêu doanh thu khoảng 1,2 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế trên 1.300 tỷ đồng.
Bình luận 0

Sáng 27/5, CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power – POW) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 theo hình thức trực tuyến.

Mục tiêu 1,2 tỷ USD doanh thu năm 2021 của "ông lớn" năng lượng PV Power

PV Power dự báo 2021 là một năm nhiều thách thức khi nhu cầu phụ tải điện có xu thế giảm, giá thị trường điện thấp.

Thêm vào đó là sự biến động mạnh và khó dự đoán của giá dầu thô thế giới tác động đến nhu cầu thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Cụ thể hơn, do tác động của đại dịch Covid-19, dự báo phụ tải năm 2021 tăng trưởng không cao (khoảng 5,2%).

Tham vọng 1,2 tỷ USD, “ông lớn” năng lượng tiết lộ “số phận” khoản nợ tồn đọng của EVN - Ảnh 1.

"ông lớn" năng lượng PV Power đặt mục tiêu doanh thu 1,2 tỷ USD năm 2021

Mặt khác, nguồn điện sẽ tăng bổ sung (5 tổ máy nhà máy điện than 600 MW), điện năng lượng tái tạo gia tăng sẽ ảnh hưởng đến tham gia thị trường điện của các nhà máy điện, đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ (tỷ trọng điện thương phẩm năng lượng tái tạo chiếm 8.9% tương đương 23.36 tỷ kWh).

Hơn nữa, các hồ thủy điện thường xuyên thiếu nước do thời tiết khắc nghiệt dẫn tới các nhà máy thủy điện không thể đảm bảo tối ưu kế hoạch sản xuất điện.

Nguồn khí có giá rẻ khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ ngày càng suy giảm, phải sử dụng nguồn khí bổ sung với giá cao ảnh hưởng đến việc giao kế hoạch Qc cho các nhà máy điện, cũng như tính cạnh tranh của PV Power khi chào giá trên thị trường điện.

Ngoài ra, PV Power Cà Mau dự kiến tham gia thị trường điện cạnh tranh từ năm 2021, hợp đồng mua bán điện nhà máy điện Cà Mau 1&2 phải đàm phán lại để tham gia thị trường điện cạnh tranh, với giá khí cao nhà máy sẽ khó khăn khi tham gia thị trường.

Dù vậy, "ông lớn" năng lượng này vẫn đặt mục tiêu doanh thu 28.400 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế 1.325 tỷ đồng. Lưu ý rằng, kế hoạch này xây dựng dựa trên cơ sở giá dầu 45 USD/thùng và tỷ giá 1 USD = 23.500 đồng.

Được biết, sau 4 tháng đầu năm, PV Power ước tính tổng sản lượng điện đạt 6,4 tỷ kWh, tổng doanh thu lũy kế trên 10.200 tỷ đồng. So với chỉ tiêu đề ra, Công ty đã thực hiện 34% về sản lượng và 36% về doanh thu.

Liên quan đến mục tiêu kinh doanh của năm nay, ông Hồ Công Kỳ - Chủ tịch HĐQT thừa nhận, có nhiều yếu tố tác động đến kế hoạch năm nay như dự án Cà Mau 1 – 2 đại tu, các tổ máy sẽ dừng từ 45 – 50 ngày, do đó không có sản lượng; biến động giá dầu, có thể dao động trong khoảng 65 – 70 USD.

Việc giá khí nguyên liệu tăng dẫn đến huy động khí sản xuất cũng dè chừng, do đó công ty đặt ra kế hoạch thận trọng. Nhưng ông Kỳ tin tưởng, công ty sẽ nỗ lực vượt kế hoạch đã đề ra.

Còn trong một báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Mirae Asset, các nhà phân tích của công ty này ước tính, lãi ròng năm 2021 của PV Power sẽ đi ngang, lãi gộp có thể giảm 17% khi không tính đến các khoản thu bất thường.

Tham vọng 1,2 tỷ USD, “ông lớn” năng lượng tiết lộ “số phận” khoản nợ tồn đọng của EVN - Ảnh 3.

Dự báo của Công ty chứng khoán Mirae Asset

Đà tăng trưởng mạnh dự báo có thể sẽ đến trong 2022 với mức tăng 44%. Triển vọng này đi cùng với sản lượng điện cải thiện 22% so với 2020 và chi phí lãi vay tiếp tục giảm 15%. Sản lượng Nhà máy Cà Mau 1&2 và Vũng Áng 1 ước tăng lần lượt 17% và 11% sau quá trình đại tu trong 2021.

Bên cạnh đó, Nhơn Trạch 1 sẽ quay lại hiệu suất hoạt động bình thường từ 2022 với sản lượng dự kiến đạt 2,799 triệu kWh ( tăng 240% so với 2020).

Ngoài nguồn khí bổ sung từ mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt, PV Power còn có kế hoạch hợp tác với GAS và PVS nghiên cứu sử dụng khí LNG cho Nhơn Trạch 1.

5 vấn đề khúc mắc, đã đàm phán được 3

Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2020, "ông lớn" năng lượng PV Power ghi nhận khoản nợ xấu 1.058 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã trích lập hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, phần lớn nợ xấu là từ Công ty Mua bán điện thuộc EVN (826 tỷ đồng) và đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 770 tỷ đồng.

Tham vọng 1,2 tỷ USD, “ông lớn” năng lượng tiết lộ “số phận” khoản nợ tồn đọng của EVN - Ảnh 4.

Báo cáo tài chính kiểm toán 2020

Đến cuối tháng 3/2021, khoản nợ xấu chỉ được ghi nhận giá trị thu hồi được chỉ khoảng 56 tỷ đồng.

Ngoài ra, báo cáo tài chính quý I/2021 của PV Power ghi nhận khoản phải thu từ Công ty Mua bán điện thuộc EVN 10.390 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ so với đầu năm.

Liên quan đến khoản nợ xấu của EVN, Chủ tịch Hồ Công Kỳ tiết lộ, hợp đồng mua bán điện dự án Cà Mau 1 – 2 được PVN và EVN ký kết từ năm 2008. Sau khi dự án được chuyển đổi cho PV Power, đến nay hợp đồng mua bán điện vẫn còn nguyên hiệu lực.

Từ tháng 2/2018, EVN đơn phương giữ lại khoảng 60 tỷ đồng mỗi tháng, có thời điểm giá trị giữ lại lũy kế lên tới trên 2.000 tỷ đồng. PV Power đã làm việc với PVN, Bộ Công thương và EVN. Và trong năm 2020 EVN đã có hai lần chuyển trả số tiền giá trị 1.300 tỷ đồng cho PV Power. Đây là phần chênh lệch phí công suất từ tháng 2/2018 đến hết năm 2019.

Tính đến tháng 3/2021, tổng số tiền EVN giữ lại là 834 tỷ đồng.

Ông Kỳ cho biết, quan điểm của PV Power để giải quyết vấn đề này là khoản nợ trên cơ sở hợp đồng có hiệu lực EVN đương nhiên phải trả. Vấn đề khiến EVN chậm trễ là do muốn "ép" POW tham gia thị trường điện với dự án Cà Mau năm 2021.

Hiện nay phát sinh 5 vấn đề khúc mắc, hai bên đã đàm phán được 3. Hai vấn đề khác biệt được ông Kỳ cho biết sẽ giải quyết trong tháng 6 và sẽ hoàn nhập tất cả phần trích lập đã thực hiện năm 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem