Tham vọng thâu tóm “ngân hàng 0 đồng” Hà Văn Thắm sa vào vũng lầy sai lầm

Trần Giang Thứ bảy, ngày 08/10/2016 07:04 AM (GMT+7)
Tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cho biết, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank đã từng ép bà Hứa Thị Phấn, cổ đông lớn của Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng – CBBank) bán lại 254.751.970 cổ phần (tương đương 84,92% vốn điều lệ) với giá trị hơn 4.468 tỷ đồng. Mục đích là để sáp nhập CBBank vào OceanBank.
Bình luận 0

Cụ thể, đầu năm 2012, NHNN có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập NHTM cổ phần yếu kém, do muốn thâu tóm một số ngân hàng về OceanBank, nên Hà Văn Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn là cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của CBBank đặt vấn đề chuyển giao lại ngân hàng cho Thắm.

Tham vọng sáp nhập CBBank vào OceanBank

Thắm đã gây sức ép bằng việc đưa ra những sai phạm trong quá trình quản trị, điều hành của HĐQT và việc vay vốn của bà Phấn tại CBBank… để yêu cầu bà Phấn phải chuyển nhượng cổ phần CBBank.

Ngày 23.2.2012, bà Hứa Thị Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ, thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc CBBank đại diện cho nhóm cổ đông của bà Phấn ký Hợp đồng kinh tế với Thắm để bán 254.751.970 cổ phần (tương đương 84,92% vốn điều lệ của CBBank) với tổng giá trị theo hợp đồng hơn 4.468 tỷ đồng, kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và quyền được sở hữu tài sản bảo đảm từ các khoản vay khoảng 3.553 tỷ đồng, khoản đầu tư khoảng 920 tỷ đồng và một số nghĩa vụ khác của bà Phấn tại CBBank.

imgHà Văn Thắm sai lầm trong khoản cho vay 500 tỷ đồng vì ý định thâu tóm Ngân hàng Xây dựng

Sau khi ký hợp đồng Hà Văn Thắm cho người vào quản lý CBBank để chuẩn bị các thủ tục sáp nhập vào OceanBank nhưng không thực hiện theo cam kết trong hợp đồng.

Sau khi cho người vào điều hành, tiếp quản "ngân hàng 0 đồng" CBBank, phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi, cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng này nên Thắm nảy sinh ý định chuyển nhượng lại CBBank.

Thắm quen biết Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT CBBank, qua giới thiệu của Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank. Khi Thắm không muốn tiếp nhận CBBank, Thắm đã găp Danh để đặt vấn đề và Danh đồng ý mua lại CBBank từ Thắm. Hai bên thông nhất sau khi hoàn tất thủ tục, Danh vào tiếp nhận, điều hành CBBank và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng thì Danh sẽ trả cho Thắm 800 tỷ đồng tiền môi giới.

Sau đó, Thắm đến gặp bà Phấn và giới thiệu Danh sẽ tiếp nhận CBBank thay cho Thắm. Ngày 9.10.2012, bà Phấn đã ký hợp đồng chuyển nhượng 252.110.151 cổ phần CBBank cho Danh với tổng giá trị hơn 4.619 tỷ đồng. Sau khi tiếp quản, Danh đã làm thủ tục đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng nhưng không thanh toán tiền cho bà Phấn cũng như không trả cho Thắm 800 tỷ đồng.

Vì bản chất số tiền thanh toán theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho bà Phấn là tất toán các khoản vay của bà Phấn tại CBBank, nếu Danh không thực hiện sẽ không thanh khoản được các khoản vay có dư nợ lớn, dư nợ xấu của bà Phấn tại CBBank, dẫn đến việc NHNN sẽ tiếp tục tái cơ cấu và sáp nhập CBBank vào ngân hàng khác. Việc chuyển nhượng CBBank giữa Phấn – Thắm  - Danh sẽ không thực hiện được và mọi thoả thuận sẽ không thành công.

Đến sai phạm trong việc cho vay 500 tỷ đồng

Giữa tháng 11.2012, Thắm, Danh và Phấn bàn bạc và thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ OceanBank và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn. Số tiền này Danh sẽ chuyển lại để tất toán cho 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại CBBank, đồng thời ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần CBBank của nhóm bà Phấn.

Số tiền 500 tỷ đồng OceanBank cho Danh vay được Thắm và Danh thống nhất sử dụng pháp nhân là Công ty TNHH MTV Dịch vụ và thương mại Trung Dung (Công ty Trung Dung) đứng ra vay.

Tài liệu điều tra xác định số tiền 500 tỷ đồng Oceanbank cho Công ty Trung Dung vay bản chất là Phạm Công Danh vay để trả nợ cho việc mua cổ phần của nhóm bà Hứa Thị Phấn tại CBBank. Hiện công ty Trung Dung và Phạm Công Danh không có khả năng thanh toán và OceanBank không có khả năng thu hồi.

Nguyên nhân dẫn đến việc OceanBank không thu hồi được số tiền cho vay là xuất phát từ các hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng: cho vay không tài sản đảm bảo, số tài sản đảm bảo cho khoản vay không có thật, không có tài sản; không có tính pháp lý, chưa đủ giá trị cho khoản vay và cho vay vượt quá giới hạn quy định.

Sai phạm này thuộc về cá nhân: Hà Văn Thắm, Nguyễn Văn Hoàng, Đặng Quỳnh Mai, Trâng Quang Tuấn, Đỗ Ngọc Sơn và Lê Mạnh Cường. Trái với khoản 3,4,5 Điều 7 Quyết định 1627 ngày 31.12.2001 của Thống đốc NHNN ban hành quy chế cho vay của các TCTD đối với khách hàng; trái với khoản 15 Điều 1 Quyết định 127/2005/QĐ-NHNN về kiểm tra trong và sau khi cho vay và trái với điểm 4.1 Quy trình số 3368/2012/QT-TGD này 6.9.2012 về cấp tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp và hộ kinh doanh tại OceanBank.

Tài liệu điều tra cũng xác định từ tháng 8.2004 đến tháng 10.2004, Hà Văn Thắm đã dùng quyền của mình quyết định và ký ban hành các quyết định về cấp cho vay tín dụng không tuân thủ các quy định của pháp luật, của NHNN về hoạt động cấp tín dụng; lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân, gây thất thoát tài sản của OceanBank không có khả năng thu hồi.

Ngày 21.10.2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Hà Văn Thắm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 BLHS. Đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 17 bị can thuộc 3 nhóm tội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem