Tháng 10: Lãi suất tiết kiệm biến động trái chiều, quy định mới hấp dẫn người gửi tiền

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 23/10/2021 15:20 PM (GMT+7)
So với đầu tháng 10, nhiều ngân hàng vẫn đang “âm thầm” điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Có ngân hàng tăng, cũng có ngân hàng giảm nhưng theo dự báo của chuyên gia, mặt bằng lãi suất sẽ “nóng” trong thời gian tới. Nhiều quy định mới tăng hấp dẫn cho kênh tiền gửi tiết kiệm.
Bình luận 0

Ngân hàng vẫn "âm thầm" điều chỉnh lãi suất tiết kiệm

Kể từ đầu tháng 10 đến nay lãi suất tiết kiệm đang "nóng dần" khi một số ngân hàng thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn.

Đơn cử như tại Sacombank khi nhà băng này áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới kể từ 19/10. Theo biểu lãi suất này, Sacombank tăng từ 0,4 - 0,6 điểm % lãi suất tại một số kỳ hạn so với trước điều chỉnh.

Trong đó, tăng mạnh nhất lãi suất dành cho các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 2 tháng đến dưới 6 tháng với mức tăng 0,6 điểm %, lên 3,2% - 3,4%/năm so với đầu tháng 10.

Với các khoản tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng và 36 tháng, biểu lãi suất tiết kiệm tại quầy (lĩnh lãi cuối kỳ) tăng 0,4 điểm % so với nửa đầu tháng 10. Hiện, tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 18, 14 và 36 tháng tại Sacombank lần lượt 5,9%/năm, 6%/năm và 6,1%/năm.

Tháng 10: Lãi suất tiết kiệm biến động trái chiều, “hé lộ” quy định lợi cho người gửi tiền - Ảnh 1.

Một số ngân hàng "âm thầm" tăng lãi suất tiết kiệm. (Ảnh: NLD)

Từ giữa tháng 10/2021, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại MB ghi nhận tăng nhẹ 0,05 điểm % tại kỳ hạn 6 tháng (lên mức 4,3%/năm) kỳ hạn 12 tháng (lên 4,9%/năm) và kỳ hạn 24 tháng tăng lên mức 5,4%/năm dành cho khoản tiền gửi lĩnh lãi trước. Còn tại các kỳ hạn khác, lãi suất tiết kiệm duy trì ổn định so với đầu tháng 10.

Ngược lại, biểu lãi suất của NCB hay Nam A Bank lại có sự điều chỉnh giảm so với đầu năm.

Tại NCB, lãi suất tiết kiệm giảm nhẹ từ 0,05 - 0,2 điểm % ở hầu hết kỳ hạn như kỳ hạn 3 tháng – 5 tháng chỉ còn 3,8%/năm (giảm 0,1 điểm %); kỳ hạn 6 tháng giảm từ 6,25% xuống chỉ còn 6,1%,…

Lãi suất tiết kiệm cao nhất của NCB cũng điều chỉnh 0,2 điểm % trong tháng 10, xuống chỉ còn 6,6%/năm.

Nam A Bank giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng từ 6%/năm xuống còn 5,6%/năm, kỳ hạn 9 tháng giảm từ 6%/năm xuống còn 5,9%/năm.

Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm còn 6,1%, giảm 0,1 điểm % và kỳ hạn 36 tháng giảm xuống 5,9%/năm, thay vì mức 6,6% trước điều chỉnh.

Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất của Nam A Bank áp dụng hiện nay là 6,7%/năm cho kỳ hạn từ 13 - 18 tháng.

ACB cũng giảm 0,1 điểm % lãi suất tiết kiệm tại nhiều kỳ hạn. Theo đó, với các khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng, lãi suất chỉ còn 3,3%/năm, kỳ hạn 9-12 tháng ở điều kiện thường lần lượt là 4,9%/năm và 5,6%/năm.

Tháng 10: Lãi suất tiết kiệm biến động trái chiều, “hé lộ” quy định lợi cho người gửi tiền - Ảnh 3.

Một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. (Ảnh: NCB)

Tăng hấp dẫn cho kênh tiền gửi

Chia sẻ với PV Dân Việt, TS.Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, sức ép tăng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng sẽ tăng trong thời gian tới khi nhu cầu vay vốn phục hồi.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ, tới 30/6/2022.

"Những điều này đều "đánh thẳng" vào thanh khoản của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Vì vậy, các ngân hàng nhỏ buộc phải tăng lãi suất tiết kiệm trở lại và duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức rất cao để thu hút tiền gửi bù đắp vào các khoản nợ chưa thể thu hồi do được giãn hoãn theo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước", ông Nghĩa phân tích.

Còn theo TS.Châu Đình Linh - chuyên gia ngân hàng, dù lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh tăng hoặc giảm tại một số ngân hàng thì gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư mà tại bất cứ thời điểm nào, người dân hay nhà đầu tư cũng nên lựa chọn do tính an toàn và tính thanh khoản cao.

Tháng 10: Lãi suất tiết kiệm biến động trái chiều, “hé lộ” quy định lợi cho người gửi tiền - Ảnh 4.

Gửi tiền ngân hàng vẫn là kênh đầu tư mà tại bất cứ thời điểm nào, người dân hay nhà đầu tư cũng nên lựa chọn do tính an toàn và tính thanh khoản cao. (Ảnh: LT)

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Thông tư 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011. 

Điều chú ý, quy định mới sẽ giúp khách hàng được linh hoạt hơn khi cần rút tiền trước hạn, không cần phải rút toàn bộ như quy định hiện hành của nhiều ngân hàng.

Đối với phần tiền gửi còn lại, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.

Là một trong những khách hàng trung thành của ngân hàng trong nhiều năm qua, bà Phạm Thị Đào (Thái Bình) cho biết, quy định này sẽ giúp cho người gửi tiền đỡ thiệt hơn trong một số trường hợp khẩn cấp.

"Thông thường tôi gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng. Năm ngoái, gia đình có việc đột xuất phải cần gấp 100 triệu, tuy nhiên theo quy định bắt buộc phải rút trước hạn sổ tiết kiệm 300 triệu tại ngân hàng và chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Như vậy rất thiệt thòi", bà Đào nói.

Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã ký Quyết định 32/2021 về hạn mức trả tiền bảo hiểm tăng lên 125 triệu đồng thay vì 75 triệu đồng mức cũ.

Như vậy ngoài kỳ vọng lãi suất tiết kiệm tăng trong thời gian tới, những quy định kể trên là những "điểm cộng", tăng sức hấp dẫn cho kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem