Tháng 6 hóa đơn điện có thể tăng gấp 5 lần?

An Vũ Thứ ba, ngày 23/06/2020 15:29 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia kinh tế, dự kiến hóa đơn tiền điện trong tháng 6/2020 sẽ tăng từ 4-5 lần so với tháng trước bởi nhu cầu cao.
Bình luận 0

Một gia đình ở Quảng Bình trong tháng qua có mức tiêu thụ điện bị ghi tăng 33 lần, làm số tiền tăng lên 58 triệu đồng, trong khi đó, một trường hợp khác ở Quảng Ninh, số tiền cũng bị tính lên đến gần 90 triệu đồng.

Không chỉ riêng hai trường hợp điển hình nói trên mà rất nhiều gia đình khác cũng không khỏi bất ngờ khi tiền điện vọt tăng 3-4 lần so với tháng trước. Điều này khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc trước cách tính giá bất hợp lý của một đơn vị đang giữ thế độc quyền về điện.

Tính giá điện theo lũy tiến: Tháng 6 hóa đơn điện có thể tăng gấp 5 lần - Ảnh 1.

Cán bộ điện lực làm việc với hộ gia đình có hóa đơn điện lên tới 90 triệu đồng ở Quảng Ninh.

Giải thích về việc này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng việc tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài. Đại diện EVN trả lời trên báo chí rằng: "Đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao. Đó là chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao nên tiền điện tăng".

Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cách tính giá điện theo bậc thang hiện nay là nguyên nhân khiến hóa đơn điện tăng cao. Biểu giá điện sinh hoạt có 6 bậc thang, lũy tiến từ nhiều năm đã gây phức tạp trong công việc thanh toán tiền điện với khách hàng.

Cách tính điện này nhằm khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm điện nhưng nó lại gây ra tâm lý ức chế bởi nó ngược với logic là càng mua nhiều càng rẻ. Điều này khiến làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm.

Theo ông Long, dự kiến kỳ hóa đơn tháng 6/2020 chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài. "Số tiền điện tháng 6 sẽ gấp 4-5 lần so với tháng trước bởi nhu cầu dùng điện nhiều hơn", ông Long nói.

Ông Long cho rằng, biểu giá điện bán lẻ tiêu dùng hiện nay là bất hợp lý, chỉ có lợi cho EVN, không có lợi cho người tiêu dùng. Do đó, cần phải xem xét, xây dựng lại biểu giá điện.

Tính giá điện theo lũy tiến: Tháng 6 hóa đơn điện có thể tăng gấp 5 lần - Ảnh 2.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

Vị chuyên gia này đồng tình với cách xây dựng biểu giá điện bậc thang, lũy tiến của EVN tuy nhiên, số bậc là bao nhiêu là hợp lý ? Đặc biệt, là mức giá của từng bậc so với giá bán lẻ điện bình quân mà Chính phủ quyết định làm sao cho hợp lý.

"Để có biểu giá điện hợp lý, đạt mục tiêu vừa tiết kiệm lại hài hòa lợi ích giữa đơn vị bán và người tiêu dùng cần có sự nghiên cứu phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cũng như những chuyên gia am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ", ông Long nhấn mạnh.

Về phương án lâu dài, trên báo chí PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng phải thực hiện việc cung cấp điện, than trên cơ sở kinh tế thị trường. Chính phủ chỉ đứng ra điều phối, tính toán sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân cũng như nhu cầu dự trữ để đảm bảo an ninh năng lượng.

Ngành điện chưa rõ ràng được đầu vào, đầu ra, giá thành, giá cả, lời lãi thỏa đáng. Tương tự, ngành than cũng không công khai được đầu vào, đầu ra, các chi phí, giá thành cũng như sản xuất như thế nào...

Được biết, cùng kỳ năm ngoái, EVN không chỉ gây ồn ào về giá điện tăng bất thường mà còn dính lùm xùm về việc đang "nợ ngập đầu" nhưng vẫn gửi hàng chục nghìn tỷ vào ngân hàng. 

Cụ thể, Tập đoàn này đã gửi 42.000 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn trong ngân hàng (tăng gần 10.000 tỷ đồng so với cuối năm 2017) và gần 20.000 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn tại thời điểm 30/6/2018.

EVN khi đó đã có đưa ra lời giải thích rằng, 42.000 tỷ đồng so với số dư nợ ngắn hạn tại cùng thời điểm phải trả của EVN (hơn 106.000 tỉ đồng) là quá nhỏ. Số tiền này cũng chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay cho các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than), bán điện… (55.000 tỉ đồng) và khoản trả nợ ngân hàng đến hạn 22.000 tỉ đồng.

Cũng theo EVN, do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên số dư tiền gửi trên mới giúp EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế.

Cuối năm 2019, tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng của EVN đã giảm xuống còn 17.924 tỷ đồng, các khoản tương đương là 35.557 tỷ đồng.

Về khoản nợ, tại thời điểm 31/12/2019, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019, tổng nợ phải trả của EVN lên tới 495.047 tỷ đồng. Số tiền nợ tăng nhẹ so với con 489.058 tỷ đồng của năm 2018.

Với tổng số nợ chiếm tới 68,6% tổng nguồn vốn thì dư luận không khỏi băn khoăn, liệu việc tăng giá điện bất thường như những ngày qua có phải để EVN "bù nợ"? Bởi trước đó, cuối năm 2017, EVN đã từng bị Thanh tra Bộ Tài chính kết luận là hạch toán sai gần 2.000 tỷ đồng nhưng tăng giá điện để bù lỗ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem