Thanh Hóa: Có 69 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-4 sao, đứng thứ 10 cả nước

Hữu Dụng Thứ tư, ngày 30/12/2020 07:16 AM (GMT+7)
Hiện Thanh Hóa có 69 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3-4 sao cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đang đề xuất công nhận đạt chuẩn 5 sao cấp Quốc gia, xếp thứ 10 cả nước về số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP chỉ sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP).
Bình luận 0

Kết quả xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa là sự đóng góp của nhiều yếu tố, nhưng giai đoạn gần đây không thể không nhắc đến sự đóng góp từ chương trình OCOP. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 8 đơn vị cấp huyện: Đông Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Quảng Xương, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa đạt chuẩn NTM và TP. Thanh Hóa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM cho các xã ven đô.

Ở cấp xã, toàn tỉnh đã có 312 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tại cấp thôn, đã có hơn 960 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 17 thôn, bản NTM kiểu mẫu.

Thanh Hóa phát triển các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng NTM  - Ảnh 1.

Sản phẩm nước mắm, mắm tôm, mắm tép của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (Hoằng Hóa) được công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao và là 1 trong đó có 2 sản phẩm đang đề xuất công nhận đạt chuẩn 5 sao cấp Quốc gia.

Để chương trình OCOP được triển khai sâu rộng, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Đồng thời, phê duyệt các quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, các điểm du lịch làng nghề, phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của tỉnh. Toàn bộ những cơ chế, chính sách này như là "bà đỡ" cho các địa phương cũng như các chủ thể sản xuất có cơ hội, điều kiện tiếp cận để phát triển sản phẩm OCOP.

Mặt khác, Thanh Hóa có tới 155 làng nghề, trong đó có 47 làng nghề truyền thống với 23 nghề truyền thống đã được công nhận. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều danh lam, thắng cảnh có thể phát triển thành điểm dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, tạo ra các sản phẩm phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu...

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa luôn duy trì và nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, quản lý việc hoạt động của các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để đạt hiệu quả và phát triển bền vững, qua đó quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển làng nghề góp phần phát triển kinh tế nông thôn và kinh tế của địa phương. Theo đó, hàng chục hội nghị tập huấn cho các địa phương, lãnh đạo HTX, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất... đã được chúng tôi tổ chức trong 3 năm qua. Hằng tháng, chúng tôi còn kiểm tra việc tuân thủ các cam kết về chất lượng của chủ thể kinh tế sau khi đã có sản phẩm đạt sao OCOP như: kiểm tra giám sát công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhãn hiệu OCOP gắn trên các sản phẩm.

Thanh Hóa phát triển các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng NTM  - Ảnh 2.

Sản phẩm chè búp sạch của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn, xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) từ khi được công nhận trở thành sản phẩm OCOP được nhiều người biết đến hơn.

Trần Đức Năng - Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Chỉ tính riêng các tháng đầu năm 2020, chúng tôi đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tham gia triển lãm sản phẩm OCOP toàn miền Bắc tại Hà Nội, tham gia nhiều hội chợ, chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Vừa qua, trên địa bàn TP. Thanh Hóa, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan, bố trí lâu dài 4 điểm trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Thời gian tới, chúng tôi xác định tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và tiền OCOP để phát triển thị trường rộng mở cho sản phẩm.

Ông Lê Đình Tú - Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn, xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) cho biết: "Từ khi được công nhận trở thành sản phẩm OCOP, sản phẩm chè búp sạch và mật ong đồi rừng của chúng tôi có thị trường đầu ra rộng mở hơn. Trước đây, những sản phẩm này đã có, nhưng chủ yếu chỉ bán trong vùng, nay không những khách hàng trong tỉnh mà nhiều tỉnh ngoài đã biết đến, tin dùng. Từ đầu năm đến nay, gần 10 tấn mật ong đã được bán ra. Hiện nay, HTX đang liên kết với 20 hộ trồng chè, gần 400 hộ nuôi ong trong xã để sản xuất 2 loại sản phẩm nói trên".

Cũng theo ông Trần Đức Năng - Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa là tỉnh có các sản phẩm đa dạng và phong phú ở tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 11 sản phẩm chủ lực, hơn 160 sản phẩm, nhóm sản phẩm khác nhau do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, làng nghề và hộ gia đình trong tỉnh sản xuất. Nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực được người dân các địa phương trong tỉnh, khách hàng thập phương ưa chuộng, hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm OCOP. Rõ ràng, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Thanh Hóa phát triển các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng NTM  - Ảnh 3.

HTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng do anh Lê Đình Trúc làm giám đốc ở thôn Hùng Sơn, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đang được hỗ trợ để xây dựng sản phẩm OCOP của huyện.

Chương trình OCOP tuy mới đi vào thực tiễn chưa lâu, nhưng đã hòa nhịp ngay và có tác động tích cực vào kết quả xây dựng NTM của Thanh Hóa. Sản phẩm OCOP đã thúc đẩy tích cực cho phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, tạo khả năng cạnh tranh, được người tiêu dùng quan tâm. Điều đó cũng chính là quá trình giúp các xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân. Đó cũng chính là mục tiêu mà tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM hiện nay.

Theo ông Trần Đức Năng, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ có thêm 9 huyện đạt chuẩn NTM, 88% số xã đạt chuẩn NTM, 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu... Những năm tới đây, chương trình OCOP gắn với XDNTM là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bổ trợ cho lộ trình XDNTM.

Thanh Hóa phát triển các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng NTM  - Ảnh 4.

Sản phẩm rửa tay, rửa chén, lau sàn, của Fuwa3e của Công ty TNHH Công nghệ Sinh học FUWA BIOTECH đã đạt OCOP đạt 3 sao của TP. Thanh Hóa tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Đến nay, chương trình OCOP ở Thanh Hóa đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu. Hiện, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện đã có 69 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 - 4 sao cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đang đề xuất công nhận đạt chuẩn 5 sao cấp Quốc gia, xếp thứ 10 cả nước về số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Nhiều sản phẩm đã và đang phát triển thị trường rất tốt như sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói, mắm và nước mắm... Đáng nói, sản phẩm mắm và nước mắm Lê Gia (Hoằng Hóa) còn xuất khẩu thành công với số lượng lớn đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Phi, có mặt trên kệ hàng nhiều siêu thị tại Hà Nội. 

Dự kiến đến hết năm 2020, Thanh Hóa có khoảng 68 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem