Nhà đầu tư "phòng thủ", thị trường căn hộ giao dịch kém

Hồng Trâm Thứ tư, ngày 17/08/2022 10:40 AM (GMT+7)
Thị trường căn hộ tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi việc kiểm soát tín dụng. Thanh khoản các sản phẩm bất động sản suy giảm khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.
Bình luận 0

Phân khúc căn hộ chịu nhiều ảnh hưởng

Những tháng gần đây, thị trường bất động sản nói chung, phân khúc căn hộ nói riêng tại nhiều tỉnh thành phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An đang có dấu hiệu "chững" lại. Thanh khoản của thị trường giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư "án binh bất động".

Báo cáo tháng 7 của DKRA Việt Nam (đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản) ghi nhận, thanh khoản căn hộ tại thị trường TP.HCM và vùng phụ cận (Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh) tiếp tục sụt giảm.

Thanh khoản thị trường căn hộ tiếp tục tụt dốc vì nghẽn tín dụng - Ảnh 1.

Thanh khoản của thị trường căn hộ đang lao dốc. Ảnh: H.T

Theo đó, thị trường chung tiêu thụ được 1.171 căn, giảm một nửa so với tháng trước và chỉ bằng 17% so với tháng 5. So với cùng kỳ năm trước, số này giảm tới 85%.

DKRA cũng chỉ ra việc thị trường hiện nay thanh khoản kém, trong tháng 7, toàn vùng có gần 2.200 căn bán ra từ 13 dự án, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ theo ghi nhận chỉ đạt 54%. Riêng tại TP.HCM, nguồn cung chủ yếu ở khu Đông (TP.Thủ Đức), chiếm 56%. Tỷ lệ hấp thụ chung của các dự án mới cũng ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, dao động khoảng 40 - 60%.

Về mặt bằng giá sơ cấp lẫn thứ cấp không có nhiều biến động. Thị trường TP.HCM - nơi có nguồn cung chiếm 62% toàn thị trường, ghi nhận giá cao nhất 176 triệu đồng/m2, thấp nhất 48 triệu đồng/m2. Thị trường Bình Dương ghi nhận giá cao nhất 46,6 triệu đồng/m2.

Theo ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA, hiện nay có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thanh khoản thấp, trong đó tác động chính đến từ điểm nghẽn phê duyệt giải ngân hồ sơ vay mua nhà. Trong 2 tháng gần đây, Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm soát tín dụng, điều đó tác động lên thị trường cũng như tâm lý e ngại trước những diễn biến vĩ mô trong thời gian tới.

Thanh khoản thị trường căn hộ tiếp tục tụt dốc vì nghẽn tín dụng - Ảnh 3.

Tỷ lệ hấp thụ chung của các dự án mới đang ở mức thấp. Ảnh: H.T

"Với thông tin Ngân hàng Nhà nước không nới "room" tín dụng, các nút thắt pháp lý chưa được tháo gỡ, thị trường bất động sản nói chung cũng như phân khúc căn hộ nói riêng có thể phải đối mặt với những khó khăn nhất định", ông Thắng cho hay.

Thanh khoản căn hộ thấp, nhà đầu tư lo ngại

Hiện nay room tín dụng vẫn chưa có dấu hiệu được "nới lỏng", người mua nhà chưa mặn mà với các sản phẩm vì khó tiếp cận với các khoản vay từ ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư có nguồn vốn, tiềm lực tài chính mạnh cũng không mạnh dạn đầu tư tại thời điểm này.

Ông Nguyễn Mạnh Khương, một nhà đầu tư bất động sản tại TP.HCM cho hay: "Sau thời gian mở cửa lại từ tháng 10/2021, tôi và nhóm cộng sự liên tục tìm mua căn hộ mở bán, căn hộ đã bàn giao… để kinh doanh, tuy nhiên mặt bằng chung giá vẫn cao và không có dấu hiệu hạ nhiệt".

Theo đó, ông Khương chia sẻ một số dự án căn hộ vùng ven TP.Thủ Đức, quận 12… cuối năm 2021 mức giá dao động từ 2 tỷ - 2,5 tỷ thì nay chỉ sau hơn 6 tháng đã tăng từ 2,5- 2,8 tỷ. Một số dự án mới mở bán ở vùng giáp ranh giá đã chạm mức 3 tỷ/căn hộ hơn 60m2.

Thanh khoản thị trường căn hộ tiếp tục tụt dốc vì nghẽn tín dụng - Ảnh 4.

Thị trường bất động sản chịu nhiều ảnh hưởng vì kiểm soát tín dụng. Ảnh: H.T

"Mức giá căn hộ cao như vậy nhưng để tìm người mua là điều không đơn giản. Thời gian qua, nhiều khách chủ yếu gọi điện để tìm hiểu thông tin, hỏi giá sản phẩm sau đó không phản hồi. Thị trường đang chững lại, cộng với ảnh hưởng kiểm soát tín dụng nên người mua cân nhắc rất kỹ", ông Khương nói.

Trong khi đó, chị Vũ Quỳnh Giang (nhà đầu tư) chia sẻ: "Tôi có mua căn hộ Bcons tại khu vực TP.Dĩ An, Bình Dương, với 2 căn mỗi căn giá trung bình 2 tỷ, cuối năm 2021 nhận bàn giao từ chủ đầu tư. Tôi muốn bán được sản phẩm này để dùng tiền mua bất động sản khác, vì hiện nay tiếp cận vốn vay ngân hàng rất khó, thế nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ra được hàng".

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Lê Đình Lăng - Giám đốc công ty bất động sản Song Long cho biết: "Giới đầu tư địa ốc dựng hàng rào phòng thủ khá chặt suốt thời gian qua. Mua dễ bán khó có thể xem là tử huyệt đối với nhà đầu tư trong thời điểm nhạy cảm hiện nay".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem