Thanh long nghịch vụ rớt giá thảm
Trồng thanh long nghịch vụ, chi phí sản xuất bao gồm chong đèn, phân bón,… cao hơn hẳn chính vụ, rơi vào khoảng từ 10.000-12.000 đồng/kg (chưa kể tiền công). Cách đây khoảng một tháng, giá loại trái cây này vẫn giữ ở mức trên 10.000 đồng/kg, nhưng sau đó liên tục bị rớt giá. Với giá bán thấp thảm hại, người trồng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Một nông dân ở Phan Thiết chia sẻ: Năm nay các chi phí đầu tư thanh long nghịch vụ đều tăng cao. Cụ thể, giá phân chuồng khoảng 27 ngàn đ/bao, còn rơm 40 ngàn/cuộn. Với 700 trụ thanh long gia đình phải bón 700 bao phân chuồng, chưa kể bón thêm phân hóa học. Còn rơm bỏ gốc, trung bình mỗi cuộn chỉ bỏ được 4 trụ, tính ra cũng tốn tiền kha khá.
Riêng tiền điện đã chi 10 triệu đồng thắp sáng 19 đêm kích thích thanh long ra bông. Trong khi dự kiến từ nay đến ngày thu hoạch phải chi thêm hơn 10 triệu đồng nữa cho công vuốt tai thanh long, phân, thuốc. Nếu giá thanh long tới đây không tăng, xem như gia đình mất tết".
Cùng vụ này năm ngoái, giá thanh long nghịch vụ có thể bán được với giá 12.000-15.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ còn một nửa. Anh Nguyễn Phúc, một người trồng thanh long ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, than vãn, gia đình vừa thu hoạch 1.000 trụ thanh long được 11 tấn, trong đó 1 tấn bị thải vì bị nấm bệnh. Do giá bán thấp chỉ 6 ngàn đ/kg, thu khoảng 60 triệu đồng, trừ chi phí, anh lỗ hàng chục triệu đồng.
Ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, cho biết, nguyên nhân giá loại trái cây này bị giảm là do thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc đang gặp khó khăn. Hiện các đơn vị thu mua ở Trung Quốc đặt hàng rất ít, khiến giá quả thanh long bị sụt giảm.
Ông Nguyễn Đức Trí, PGĐ phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thanh long Bình Thuận cũng cho rằng, Trung Quốc đang vào mùa thu hoạch táo, quýt và ngay cả thanh long họ cũng đang thu hoạch, được mùa, nên một phần ảnh hưởng đến giá. Ông cũng cho biết, hiện toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 30.000 ha thanh long, năng suất trung bình 600 tấn/năm. Hiện 70-80% sản lượng xuất sang thị trường Trung Quốc nên sự phụ thuộc là rất lớn.