Thành phố thông minh sẽ giúp Bình Dương vượt qua bẫy thu nhập

Trần Khánh Thứ hai, ngày 20/06/2022 12:34 PM (GMT+7)
Từ Đề án xây dựng Thành phố thông minh, Bình Dương sẽ mở rộng không gian phát triển, trở thành tỉnh có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng hơn. Đây là yếu tố quan trọng để Bình Dương vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, trở thành vùng đất có thu nhập cao.
Bình luận 0

Từ những ngày đầu hình thành, Thành phố mới Bình Dương đã được định hướng phát triển thành trung tâm chính trị mới của tỉnh. Đây sẽ là thành phố của khoa học, giáo dục, tài chính và dịch vụ chất lượng cao; là điểm đến của các hoạt động thương mại giao thương quốc tế.

Trung tâm Thương mại thế giới WTC, điểm nhấn trong phát triển Thành phố thông minh

Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, hàng loạt công trình qui mô, hiện đại đã hình thành, đi vào hoạt động, góp phần khẳng định vị thế của Thành phố mới Bình Dương.

Một góc thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Văn Thuận

Một góc Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Văn Thuận

Có thể kể đến như Trung tâm Hành chính tập trung, Trung tâm Hội nghị Triển lãm, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, khu công viên hồ sinh thái, khu phố thương mại, hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển ngành thương mại, dịch vụ và giao thương quốc tế, năm 2019, Bình Dương đã triển khai dự án Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương WTC.

Bà Huỳnh Đinh Thái Linh - Giám đốc Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương cho biết, Trung tâm là một đề án nằm trong tổng thể phát triển thành phố thông minh Bình Dương.

Theo quy hoạch, Trung tâm là một không gian phức hợp về công năng, đa dạng về các loại hình dịch vụ trải rộng trên khu đất có diện tích hơn 70.000m2.

Đây sẽ là một quần thể bao gồm Trung tâm hội chợ, hội nghị triển lãm quốc tế, khách sạn, khu mua sắm, khu văn phòng, nhà ga Metro kết nối với tuyến Metro số 1 của TP.HCM.

Sau hơn 1 năm xây dựng, công trình đầu tiên là Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC EXPO có diện tích 22.000m2 đưa vào sử dụng. Đây là dấu ấn quan trọng góp phần tạo nên diện mạo hiện đại cho Thành phố mới Bình Dương.

Phối cảnh tổng thể Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: T.L

Phối cảnh tổng thể Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: T.L

Bà Linh cho biết, có 2 điểm mà Trung tâm tập trung hướng vào. Đó là thúc đẩy phát triển các dịch vụ xúc tiến thương mại, thu hút các dịch vụ ở bên ngoài đến với Bình Dương. Thứ hai là nâng cao năng lực và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, Trung tâm nhanh chóng chuyển đổi mô hình hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến, giúp khách hàng tìm kiếm, kết nối nhiều khách hàng tiềm năng ở các nước phát triển trên toàn cầu.

Năm 2022, dịch Covid-19 được kiểm soát, Bình Dương mở cửa toàn bộ nền kinh tế. Trung tâm gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc triển khai các chương trình hội nghị, hội thảo ấn tượng.

Đơn cử như chương trình Ngày hội giáo dục năm 2022 với chủ đề: Hướng đến mặt trời tri thức hồi cuối tháng 5; Triển lãm Công nghiệp và Sản xuất Việt Nam năm 2022 vào đầu 6.

Công trình Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC EXPO có diện tích 22.000m2 đưa vào sử dụng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Công trình Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC EXPO có diện tích 22.000m2 đưa vào sử dụng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Và mới đây là chương trình "Phong cách sống xanh", hoạt động bên lề sự kiện "Vinh danh Top 7 Cộng đồng thông minh thế giới (ICF)".

"Mục tiêu của chương trình hướng đến các tiêu chí của mà ICF đã đề ra, nhằm phát triển các khu vực sống xung quanh xanh, sạch, đẹp và bền vững", bà Linh nói.

Hình mẫu Thành phố thông minh Bình Dương  

Từ năm 2019, Bình Dương chính thức trở thành thành viên của ICF - Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới. Trong 4 năm liên tiếp, Bình Dương được bình chọn là 1 trong 21 thành phố có chiến lược phát triển Thành phố thông minh tiêu biểu.

Đặc biệt, năm 2021, tỉnh Bình Dương được vinh danh trong Top 7, trên hơn 200 thành phố thông minh trên thế giới. Sự kiện hội nghị và vinh danh Top7 Cộng đồng Thông minh Thế giới năm nay tổ chức ngay tại Bình Dương, trong 2 ngày 21 và 22/6.  

Triển lãm Công nghiệp và Sản xuất Việt Nam năm 2022 tổ chức tại Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Triển lãm Công nghiệp và Sản xuất Việt Nam năm 2022 tổ chức tại Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sở dĩ ICF lựa chọn Bình Dương đăng cải tổ chức vì Thành phố thông minh Bình Dương phù hợp với tiêu chí của ICF.

"ICF cũng muốn đến Bình Dương để xem xét thực tiễn đang diễn ra ngay tại Bình Dương", ông Dũng giải thích.

Ông Louis Zacharilla - nhà đồng sáng lập tổ chức ICF kể, sau 5 năm, ICF quay trở lại và đã rất ngạc nhiên. ICF nhìn thấy sự tập trung rất lớn của Bình Dương trong việc xây dựng thành phố thông minh, người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi.

Ông Louis Zacharilla cho rằng, bí quyết thành công của Bình Dương là luôn học hỏi và dám sửa đổi. Có thể thấy Bình Dương có tốc độ phát triển rất nhanh, dù tốc độ không phải mục tiêu chính yếu. Thực tế Bình Dương cũng đối diện với nhiều thách thức nhưng không quên mục tiêu lâu dài.

Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Bình Dương đang tạo ra một hình mẫu thành phố thông minh mới ở Việt Nam. Sau 5 năm nữa, tôi tin là sẽ còn nhìn thấy nhiều điều ngạc nhiên khác ở Bình Dương", ông Louis Zacharilla nói.

Thành phố thông minh giúp Bình Dương vượt qua bẫy thu nhập trung bình

ICF có trụ sở tại Mỹ, là một tổ chức nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận, tập trung vào tạo việc làm, phát triển kinh tế trong nền kinh tế thế băng thông rộng. ICF không chỉ nhìn vào những giải pháp cho các vấn đề riêng lẻ của đô thị, mà đề cao việc phát triển cộng đồng và liên kết hợp tác, chú trọng hạ tầng công nghệ mang tính nền tảng.

Ông Louis Zacharilla cho biết, ICF đã phát động phát triển một phương pháp để giúp các cộng đồng thuộc mọi quy mô, có đường băng thông rộng và tài sản kỹ thuật số mà họ cần. Rồi các thành phố biến chúng thành sự thịnh vượng, tăng trưởng văn hóa xã hội.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương. Ảnh: Mai Xuân

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương. Ảnh: Mai Xuân

Từ năm năm 2016, Bình Dương triển khai đề án thành phố thông minh, xác định 46 hành động cụ thể trong 4 lĩnh vực: Con người, công nghệ, doanh nghiệp và các yếu tố nền tảng.

Tháng 9/2020,  Bình Dương giới thiệu vùng đổi mới sáng tạo là một hệ sinh thái gồm đủ các thành tố liên tục được cải tiến. Tất cả nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Long - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ cho biết, đề án thành phố thông minh đã mang đến hiệu quả rõ ràng, trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp.

Bình Dương là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước, 150 triệu đồng/người/năm. Tốc độ đô thị hóa của tỉnh cũng thuôc top đầu, đạt tỷ lệ trên 82%.

Hệ sinh thái thành phố thông minh Bình Dương. Ảnh: T.L

Hệ sinh thái thành phố thông minh Bình Dương. Ảnh: T.L

Gần đây, sự phát triển đã đến một giai đoạn mới. Việc Bình Dương mở rộng không gian phát triển từ đề án xây dựng thành phố thông minh sẽ thúc đẩy Bình Dương trở thành tỉnh có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng hơn.

Bình Dương muốn xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị hàng hóa có chất xám cao, môi trường sống lành mạnh.

"Đây là yếu tố quan trọng để Bình Dương vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, trở thành vùng đất có thu nhập cao", ông Long nói.

Ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, Bình Dương tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực.

Bình Dương đã thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với 11 tỉnh thành phố nước ngoài, và là thành viên chính thức của các tổ chức quốc tế lớn.

Bình Dương đang quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo ông Mai Hùng Dũng, chiến lược ngoại giao giúp cho Bình Dương nhận định được mặt bằng tổng thể trong nước và quốc tế. Từ đó, Bình Dương tìm được những mô hình ưu việc của các nước phát triển, tùy chỉnh lại và ứng dụng vào thực tế thế phát triển của địa phương để xây dựng Bình Dương phát triển thịnh vượng, hiện đại, mang tầm quốc tế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem