Thảo Cầm Viên: Tổng tài sản gần 700 tỷ đồng, trong đó "dự án" treo 15 năm chiếm hơn 620 tỷ đồng

Quang Dân Thứ bảy, ngày 19/12/2020 12:39 PM (GMT+7)
Tổng tài sản của Thảo cầm viên Sài Gòn đạt gần 700 tỷ đồng, trong đó công trình xây dựng Dự án Sài Gòn Safari dở dang chiếm 620 tỷ đồng.
Bình luận 0

Mới đây, Thảo Cầm Viên (TP.HCM), một trong mười vườn thú lâu đời nhất thế giới, thông báo tăng giá vé vào cổng lên mức 40.000-60.000 đồng từ ngày 1/1/2021. 

Cụ thể, giá vé vào cổng Thảo Cầm Viên Sài Gòn sẽ là 40.000 đồng cho khách tham quan dưới 1,3 m và 60.000 đồng đối với khách tham quan trên 1,3 m. Người dưới 1m được miễn phí vé. Giá áp dụng từ năm 2015 đến nay là 30.000 đồng và 50.000 đồng.

Đại diện của doanh nghiệp cho biết, việc tăng giá vé tạo điều kiện đầu tư tốt hơn cơ sở vật chất cho vườn thú, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ du khách.

Vườn Thú gần 160 năm tuổi "khốn đốn" vì Covid-19

Theo tìm hiểu của Dân Việt, Thảo Cầm Viên được xây dựng từ năm 1864 với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo, rồi được người dân TP. HCM quen gọi là Sở thú. Thảo Cầm Viên hiện có nguồn vốn gần 700 tỷ đồng, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND TP HCM quản lý.

Thảo Cầm Viên: Tổng tài sản gần 700 tỷ đồng, trong đó "dự án" treo 15 năm chiếm hơn 620 tỷ đồng - Ảnh 1.

Thảo Cầm Viên tăng giá vé vào cổng lên mức 40.000-60.000 đồng từ ngày 1/1/2021.

Sau hơn 150 năm tồn tại, Thảo Cầm Viên đã trở thành một khu bảo tồn "siêu to khổng lồ" với 590 đầu thú thuộc 125 loài, thực vật có 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài. Khuôn viên rộng lớn này hiện tọa lạc gần hạ lưu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với hai cổng vào nằm ở số 2B đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và số 1 đường Nguyễn Thị Minh Khai (Phường Bến Nghé, Quận 1).

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật thuộc Công ty Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cho biết số lượng động vật được chăm sóc tại đây tăng qua các năm song cơ sở hạ tầng, chuồng trại xuống cấp, thiết bị, máy móc chuyên ngành động vật và cây xanh chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong khi đó, hai đợt dịch bùng phát, lượng khách tới thăm Thảo Cầm Viên sụt giảm mạnh khiến đơn vị gặp khó khăn lớn về tài chính. Hơn 300 nhân viên của đơn vị này vẫn tình nguyện giảm 30% lương từ tháng 8 để đảm bảo mục tiêu phát triển lâu dài như kế hoạch.

Báo cáo tài chính nửa đầu năm của Thảo Cầm Viên cho biết, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu chưa đến 27 tỷ đồng, giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn trong giai đoạn này xấp xỉ 41 tỷ đồng, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, nhân công... khiến công ty không có lãi.

Bình quân doanh thu bán vé mỗi ngày trước mùa dịch là 300 triệu đồng, nhưng hiện chỉ còn khoảng 15 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày, Thảo Cầm Viên Sài Gòn thu được 150 triệu đồng nhưng lỗ hơn 100 triệu.  Kết quả, sau 6 tháng, Thảo Cầm Viên báo lỗ sau thuế lên đến 19 tỷ đồng. 

Năm 2020, chỉ tiêu doanh thu của Thảo Cầm Viên là 114 tỷ đồng, lợi nhuận gần 2 tỷ đồng, nhưng với tình hình khó khăn hiện nay, việc hoàn thành chỉ tiêu có lãi gần như là bất khả thi với doanh nghiệp này.

Do vậy, việc tăng giá hiện tại được cho là hợp lý khi có nguồn lực bổ sung thêm kinh phí cho doanh nghiệp này duy trì vườn thú, mở rộng chuồng trại, đảm bảo thức ăn cho động vật, duy tu cơ sở vật chất trong năm 2021.

Thảo Cầm Viên: Tổng tài sản gần 700 tỷ đồng, trong đó "dự án" treo 15 năm chiếm hơn 620 tỷ đồng - Ảnh 2.

Điều kiện chăm sóc chưa đáp ứng nhu cầu.

Mắc kẹt tại dự án Xây dựng Công viên Sài Gòn Safari 

Đáng chú ý, tính đến hết ngày 30/6/2020, Tổng tài sản của Thảo cầm viên Sài Gòn đạt gần 700 tỷ đồng, giảm 24 tỷ đồng so với đầu năm 2020. Trong đó công trình xây dựng Safari Củ Chi dở dang chiếm 620 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm 2019.

Chi phí đền bù là 559 tỷ đồng; trồng phủ xanh giai đoạn 1 là hơn 2,5 tỷ đồng, giai đoạn 2 hơn 22 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng… Công ty cho hay, việc giải quyết dứt điểm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án Xây dựng Công viên Sài Gòn Safari vẫn chưa giải quyết xong.

Được biết, Dự án công viên Sài Gòn Safari nằm ở hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng của huyện Củ Chi và tồn tại từ năm 2004, ban đầu do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Đây là siêu dự án với quy mô hơn 450 ha và số vốn đầu tư ước tính lên tới 500 triệu USD.

Đến năm 2016, UBND TP.HCM giao dự án cho doanh nghiệp khác nghiên cứu đầu tư. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đơn vị này đã xin rút lui ra khỏi Sài Gòn Safari.

Thảo Cầm Viên: Tổng tài sản gần 700 tỷ đồng, trong đó "dự án" treo 15 năm chiếm hơn 620 tỷ đồng - Ảnh 3.

Dự án Sài Gòn Safari vẫn chưa triển khai, đất trống cỏ mọc um tùm.

Công viên Sài Gòn Safari từng được kỳ vọng là khu du lịch sinh thái có tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở việc giải phóng mặt bằng và một số hạng mục xây dựng cơ bản ban đầu triển khai trên phạm vi nhỏ. 

Đây cũng là một trong những dự án lớn bị khiếu kiện kéo dài nhiều năm qua liên quan đến việc nhiều hộ dân khiếu nại công tác giải phóng mặt bằng, đền bù chưa thỏa đáng. Có tổng cộng 705 hộ có đất bị thiệt hại do việc giải phóng mặt bằng của dự án này.

Năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã kết luận dự án công viên Sài Gòn Safari có nhiều vấn đề, đặc biệt là câu chuyện làm thất thoát hơn 104 tỷ đồng.

Cụ thể, nhiều trường hợp đã không được chính quyền căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà căn cứ theo kết quả kiểm kê thực tế để áp giá là chưa phù hợp với quy định. Trong 705 hồ sơ đền bù có tới 578 trường hợp đền bù không đúng với số tiền 104,74 tỷ đồng.

Một số sai phạm khác gồm việc khu căn hộ cư tái định cư cho người dân chưa thể khởi công; UBND giao công ty Thảo Cầm Viên thực hiện dự án dù doanh nghiệp không đủ những điều kiện cần thiết; thu hồi và tạm giao 485,35 ha đất cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thảo Cầm Viên Sài Gòn để bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng vào công ty này để Safari là chưa đầy đủ thủ tục pháp lý.

Hiện nay, Thành phố đang tập trung xử lý kết luận thanh tra liên quan đến dự án, cũng như tìm nhà đầu tư mới cho Sài Gòn Safari.

Trao đổi với một số nhà đầu tư, điều khiến họ chưa "mặn mà" với Dự án Công viên Sài Gòn Safari là bởi khả năng thu hồi vốn, sinh lời từ dự án này không cao. Thành phố cũng chưa có ưu đãi cụ thể và mang tính vượt trội cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khá đặc thù này. Xét về hiệu quả kinh doanh, thì sẽ rất khó có nhà đầu tư quyết định rót vốn cho dự án này.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem