Tháo “điểm nghẽn” kinh tế cho Đông Nam Bộ

Phú Nhiên Thứ hai, ngày 30/11/2020 22:28 PM (GMT+7)
Thời gian qua, sự phát triển của vùng Đông Nam bộ (ĐNB) chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trong đó, một trong những nguyên nhân là do điểm nghẽn hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng.
Bình luận 0

Vùng ĐNB đã và đang giữ vai trò quyết định đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, với khoảng 45% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 60% ngân sách.

Kết nối hạ tầng yếu kém

Theo ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, ĐNB là một trong những vùng phát triển kinh tế năng động, có 1 trong 20 địa điểm phát triển cảng nước sâu tốt nhất trên thế giới. Đến 2025, khi sân bay quốc tế Long Thành đưa vào hoạt động sẽ tạo ra sự kết nối đa phương thức, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, động lực mới cho tăng trưởng. "Tuy nhiên, ĐNB đang đối mặt với một hạ tầng quá tải, tắc nghẽn, thiếu đầu tư đúng mức, thiếu sự kết nối mang tính đồng bộ và bền vững. Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng, thách thức duy trì tăng trưởng trong nhiều năm tới" - ôngThanh nhìn nhận.

Tháo “điểm nghẽn” kinh tế cho Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Hạ tầng giao thông vùng ĐNB vẫn chưa được đầu tư tương xứng, nhiều nơi vẫn tắc đường, kẹt xe. Ảnh: Toàn cảnh đường Vành đai 2 thường xuyên kẹt xe. Ảnh: Phú Nhiên

"Bộ GTVT mong muốn các tỉnh, thành xây dựng được quy hoạch toàn vùng để Bộ GTVT có cơ sở đề xuất với Chính phủ, cũng như phối hợp Bộ KHĐT đề xuất phân bổ vốn đầu tư phù hợp, báo cáo Chính phủ và Quốc hội nhiệm kỳ tới".

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn

Nói về hạn chế của giao thông kết nối, có chuyên gia cho rằng hiện chưa có cơ chế giải quyết bài toán lợi ích giữa các địa phương trong toàn vùng, lợi ích của từng tỉnh thành khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch, đứng trên góc độ liên vùng. TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, giao thông là "điểm nghẽn" nghiêm trọng của vùng ĐNB, nghẽn trên cả 3 tuyến: Đường bộ, hàng không và đường biển.

Ông Thiên so sánh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện có số lượng doanh nghiệp gấp 6 lần, hàng hóa vận tải gấp 5 lần vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nhưng chỉ có 122km đường cao tốc, chiếm tỷ lệ 11% cả nước… Từ góc nhìn chuyên gia, ông Thiên cho rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nghịch lý trên là do hạ tầng giao thông ĐNB không được đầu tư đúng mức và đúng cách trong một thời gian dài (15-20 năm), chậm một cách bất thường.

Theo ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), quy hoạch ở vùng ĐNB có đủ 5 phương thức vận tải, tư vấn trong và ngoài nước đều đánh giá là quy hoạch khá hợp lý, nhưng thực hiện thì quá chậm. Chúng ta có 11 tuyến cao tốc trong vùng với tổng chiều dài 970km. Theo quy hoạch đến năm 2020 đưa vào khai thác 497km, nhưng hiện tại mới đưa vào khai thác 122km, đang đầu tư 278km. Do đó, Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương phải làm rất gấp và quyết liệt hơn nữa thì mới đáp ứng kịp yêu cầu phát triển.

Đâu là giải pháp?

PGS - TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triểnTP.HCM cho rằng, cần nhanh chóng thành lập quỹ đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng ĐNB, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối. Chính phủ cần xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho các tỉnh thành ĐNB.

Đồng tình, TS Trương Văn Phước - thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cũng đề xuất cần thành lập một quỹ đầu tư liên vùng, trong đó lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng là mỗi thành viên trong hội đồng quản trị để cùng xem xét những dự án quan trọng có tính chất kết nối liên vùng.

Trả lời về những vướng mắc, ông Nguyễn Danh Huy thừa nhận, hạ tầng kết nối giao thông ở vùng ĐNB quá chậm. Đơn cử như dự án vành đai 3 theo phê duyệt của Thủ tướng, cơ bản phải hoàn thành trong năm 2020. Nhưng, hiện Bình Dương mới làm được một đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn, Bộ GTVT mới làm được đoạn Tân Vạn đi Nhơn Trạch... Bộ GTVT đã rất "sốt ruột" báo cáo Thủ tướng, kiến nghị cho Bộ này lập thành dự án quốc gia để trình Quốc hội thông qua.

Về việc phân bổ nguồn lực đầu tư, Thứ trưởng Bộ KHĐT Võ Thành Thống cho biết, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm vấn đề này. Bộ KHĐT cũngđã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xử lý nhiều vấn đề về nguồn lực để phát triển giao thông vùng này, trong đó cả phát triển đường hàng không, đường bộ, đường thủy. Tương lai, quy hoạch cũng đặt vấn đề đường sắt, tính đến kết nối ĐNB với ngoại vùng cũng như quốc tế.

"Sắp tới, giai đoạn 2021-2025, Bộ KHĐT sẽ cố gắng tham mưu Chính phủ đưa những công trình giao thông trọng điểm, mang tính tháo gỡ nút thắt cho khu vực ĐNB" – Thứ trưởngThống khẳng định. 


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem