Tháo gỡ khó khăn cho bà con vùng mưa lũ: Giảm lãi suất ngay trong kỳ trả lãi tiếp theo, mạnh nhất là khoanh nợ

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 24/10/2020 11:46 AM (GMT+7)
Trên tinh thần, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng xem xét nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân bị thiệt hại do mưa lũ. Trong đó, hạ lãi suất và cho vay mới sẽ được thực thi ngay trong kỳ trả lãi tiếp tới. Biện pháp cuối cùng và mạnh nhất là khoanh nợ cho khách hàng.
Bình luận 0

Trong hai tuần vừa qua (từ 06-21/10/2020), mưa lũ đặc biệt lớn kéo dài trên diện rộng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Dẫn tới tình trạng ngập lụt sâu, sạt lở đất, lũ quét, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

Dự báo trong thời gian tới, mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên ở mức cao.

Tháo gỡ khó khăn cho bà con vùng mưa lũ: Giảm lãi suất ngay trong kỳ trả lãi tiếp theo, mạnh nhất là khoanh nợ - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành văn bản số 7751/NHNN-TD hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho bà con khu vực miền Trung và Tây Nguyên chịu thiệt hại bởi mưa lũ (Ảnh minh họa)

Chỉ đạo "nóng", hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ

Để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành văn bản số 7751/NHNN-TD yêu cầu Chủ tịch HĐQT/ HĐTV, Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch khẩn trương chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Các giải pháp tháo gỡ như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, căn cứ khả năng tài chính xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ; hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015, Thông tư 25/2018/TT-NHNN ngày 24/10/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP, Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, các chi nhánh Agribank trên địa bàn miền Trung đã triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng ngừa biến cố do mưa lũ gây ra, đồng thời tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại đối với khoản cho vay hiện đang còn dư nợ để đề xuất kịp thời hướng xử lý, tháo gỡ khó khăn giúp khách hàng sớm ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, do vẫn bị ngập lụt nên các chi nhánh Agribank trên địa bàn này hiện chưa quay trở lại hoạt động. Việc xác minh và thống kê thiệt hại gặp khó khăn. Thậm chí, cán bộ tín dụng tại địa phương còn không thể liên lạc được với khách hàng.

Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thị Phượng khẳng định, Agribank vẫn đang tích cực và nỗ lực nhanh chóng xác minh và thống kê thiệt hại của khách hàng có dư nợ tại Agribank để ban hành những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn phù hợp và kịp thời cho khách hàng bị thiệt hại.
Theo đánh giá của Phó Tổng giám đốc Agribank, miễn giảm lãi suất cho khách hàng đang có dư nợ tại Agribank là chính sách thiết thực nhất ở thời điểm hiện tại hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do mưa lũ tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.

Tháo gỡ khó khăn cho bà con vùng mưa lũ: Giảm lãi suất ngay trong kỳ trả lãi tiếp theo, mạnh nhất là khoanh nợ - Ảnh 2.

Đến 23/10, toàn hệ thống Agribank đã ủng hộ các tỉnh miền Trung bị lũ lụt 13,5 tỷ đồng

Trên tinh thần, biện pháp cuối cùng là khoanh nợ

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, ngành ngân hàng đang chờ số liệu thống kê thiệt hại từ Ủy ban thiên tai, Ủy ban các tỉnh khu vực Miền Trung và Tây Nguyên và các TCTD trên địa bàn vùng mưa lũ. Từ đó, NHNN sẽ đưa ra các chính sách, giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân vùng mưa lũ.

"Trên tinh thần, NHNN đã chỉ đạo các TCTD xem xét nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân thiệt hại bằng các giải pháp cụ thể như miễn giảm lãi suất, cho vay mới, cho vay để phục hồi sản xuất, khoanh giãn nợ…Trong đó, các giải pháp như hạ lãi suất và cho vay mới sẽ được thực thi ngay trong kỳ trả lãi tiếp tới. NHNN chỉ yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, bà con nông dân vùng thiệt hại mà không ấn định mức hạ lãi suất cụ thể. Mức hạ lãi suất do các ngân hàng tự quyết định tùy vào điều kiện của từng ngân hàng, từng địa phương và mức độ thiệt hại", ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), biện pháp cuối cùng và mạnh nhất trong tình huống khó khăn nhất chính thực hiện khoanh nợ cho khách hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem