dd/mm/yyyy

Tháo gỡ "nút thắt", phát triển kinh tế trang trại hiệu quả và bền vững

Trong hai ngày 19 và 20.7 tại Hưng Yên, Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển kinh tế trang trại hiệu quả và bền vững” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng Hiệp hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên tổ chức đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của hơn 180 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cục, vụ, viện trong ngành nông nghiệp và các chủ trang trại, hộ nông dân.

Được biết, đây là lần đầu tiên có một Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp bàn về phát triển kinh tế trang trại hiệu quả và bền vững trước thực trạng loại hình kinh tế này đang gặp nhiều vướng mắc, là những "nút thắt" khó khăn trong quá trình xây dựng, phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển nông nghiệp, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: “Kinh tế trang trại đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, làm tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản”.

Một mô hình nuôi trồng thủy sản từ kinh tế trang trại. Ảnh IT
Một mô hình nuôi trồng thủy sản từ kinh tế trang trại. Ảnh IT

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, cả nước hiện có 29.600 trang trại, trong đó có 29,83% trang trại trồng trọt; 37,20% trang trại chăn nuôi; 17,86% trang trại thủy sản; 13,66% trang trại tổng hợp và 1,46% trang trại lâm nghiệp... Các mô hình trang trại được phân bố đều khắp trong các vùng cả nước và đang tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Nhiều mô hình trang trại đã phát huy được lợi thế của vùng, địa phương, cho doanh thu từ 1-3 tỉ đồng/năm; một số mô hình cho doanh thu từ 5-10 tỉ đồng/năm, góp phần tích cực vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế từng vùng còn có sự chênh lệch về cơ cấu và phân bố mô hình trang trại mà nguyên nhân chủ yếu là những khó khăn về điều kiện đất đai, vốn đầu tư.

“Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại còn chưa phát huy được tiềm năng và thế mạnh như đất đai, nguồn vốn, khoa học công nghệ, thông tin thị trường, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thu nông sản ..., nhất là việc cấp GCNQSDĐ, GCNTT làm quá chậm, theo thống kê sơ bộ hiện mới có hơn 20% số trang trại được cấp GCNQSDĐ đang là trở ngại, làm nhiều chủ trang trại có năng lực về tài chính cũng chưa dám đầu tư lớn”. TS. Nguyễn Duy Lượng - PCT Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Tại Diễn đàn, có khoảng 20 câu hỏi cùng nhiều ý kiến tham luận của đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra hạn chế, "nút thắt" ảnh hưởng không nhỏ đến phát huy tiềm năng, thế mạnh của kinh tế trang trại. Trong đó, tập trung nhất là mong muốn Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn về điều kiện sử dụng đất còn ngắn, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), Giấy chứng nhận trang trại (GCNTT) chậm,... nên khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Bính - Chủ tịch Hội Kinh tế trang trại tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Toàn tỉnh hiện có trên 5.600 gia trại, trang trại, trong đó 884 trang trại đạt tiêu chí theo thông tư 27/2011 của Bộ NN&PTNT". Tuy nhiên, do nhiều cơ sở xuất phát điểm kinh tế thấp, vốn tự có không nhiều, diện tích đất trang trại sử dụng mới có khoảng gần 50%, còn lại là đất thuê, đấu thầu, nhận khoán... không được cấp GCNQSDĐ trang trại nên không vay được vốn tín dụng ngân hàng và do đó không yên tâm đầu tư phát triển trang trại". Ông Bính kiến nghị: “Bộ nông nghiệp sớm tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh thời hạn cho thuê đất làm trang trại, bảo đảm ổn định lâu dài để chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp yên tâm đầu tư".

Bên cạnh đó, nhiều chủ trang trại khác dù đã có GCNQSDĐ nhưng cũng gặp khó khi muốn vay vốn ngân hàng bởi theo qui định loại GCNQSDĐ 50 năm không thế chấp được, mà phải là loại đất khác, sử dụng ổn định lâu dài. Trong khi thực tế với doanh nghiệp làm dự án chỉ có duy nhất loại GCNQSDĐ 50 năm.

Hoặc như trường hợp nông dân Trịnh Đình Chính - một chủ hộ sản xuất nuôi trồng tổng hợp với tổng đàn lợn hơn 200 con, 3 ao cá, tại xã Giáp Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Với tổng diện tích đất sản xuất khoảng trên 1ha bao gồm cả đất thổ cư sẵn có của gia đình và đất nông nghiệp vùng trũng kém hiệu quả, được giao theo nhân khẩu để làm trang trại, ông Chiến bày tỏ mong muốn được Nhà nước quan tâm giúp đỡ cấp cho gia đình GCNQSDĐ. “Làm sao có GCNQSDĐ để tôi vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn, phục vụ phát triển trang trại", ông chiến bày tỏ.

Phát biểu kết luận và bế mạc tại Diễn đàn, Tiến sĩ Trần Văn Khởi – Q.Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nêu một số giải pháp chủ yếu: Đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định về kinh tế trang trại, làm cơ sở xây dựng chính sách cho trang trại. Tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh tế trang trại ở cấp huyện như cấp giấy chứng nhận trang trại, tìm kiếm thị trường nông sản, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, qui hoạch vùng sản xuất trang trại để khuyến khích trang trại phát triển. Khuyến khích thành lập hợp tác xã kiểu mới mà thành viên là các chủ trang trại cùng nhóm sản phẩm. Đặc biệt là khuyến khích tích tụ ruộng đất, nâng cao qui mô sản xuất, hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ có cơ hội xây dựng phát triển kinh tế trang trại. Đẩy nhanh tiến trình công nhận kinh tế trang trại từ cấp chính quyền địa phương để các trang trại có đủ điều kiện vay vốn sản xuất với lãi suất thấp. Xây dựng và thực thi tốt các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, nhất là tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài trang trại, bảo hiểm và hỗ trợ khi gặp thiên tai, dịch bệnh,…

Xuân Thắng