Thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi: Nhiều đại biểu đề nghị tăng giá dịch vụ y tế

Diệu Linh (ghi) Thứ hai, ngày 24/10/2022 11:48 AM (GMT+7)
Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nhiều đại biểu đề nghị tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Bình luận 0

Nhà nước cần thống nhất quản lý giá dịch vụ y tế

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh tại Điều 108 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành giá dịch vụ y tế để đảm bảo tính phù hợp, toàn diện, khả thi.

Đại biểu Hương cho rằng, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.

Thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi: Nhiều đại biểu đề nghị tăng giá dịch vụ y tế - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang): "Thẩm quyền quyết định giá dịch vụ y tế vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá". Ảnh Quochoi

Theo bà Hương, giá dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở y tế tư nhân cần được thực hiện theo quy định của Luật Giá và cần có cơ chế kiểm soát giá để bảo vệ quyền lợi của người bệnh một cách tốt nhất.

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cũng cho rằng, về chi phí khám bệnh chữa bệnh, Dự án Luật vẫn chưa làm sáng tỏ, chưa đề ra được nguyên tắc tính đúng tính đủ.

Sau khi tính đúng tính đủ thì phải thực hiện chi đúng chi đủ. Nếu không chi rõ ràng thì đội ngũ y tế vẫn không thể làm tốt được nhiệm vụ. Vì vậy, cần thiết kế các điều khoản chặt chẽ để quy định rõ vấn đề này.

Ngoài ra, đại biểu Long cho rằng, cần rà soát toàn bộ Dự án Luật vì có nhiều chính sách đến tận năm 2027, 2032 mới thực hiện, hay rất nhiều chính sách mới, lớn cần phải đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng.

Đáng nói, trong khi nhiều đại biểu đề nghị sớm thông qua Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) thì đại biểu Long lại cho rằng cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thảo luận tiếp về Dự án Luật này tại Kỳ họp tiếp theo để đảm bảo tính khả thi khi đưa vào áp dụng.

Cần quy định rõ tự chủ bệnh viện công

Nêu rõ, dù cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Trần Khánh Thu Đoàn, ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, cần bổ sung quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập trong luật cho biết đây cũng là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập.

Thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi: Nhiều đại biểu đề nghị tăng giá dịch vụ y tế - Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội). Ảnh Quochoi

Do đó, đại biểu Đoàn đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập. Trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) băn khoăn vì các vấn đề y tế nổi cộm trong thời gian gần đây như: hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; Nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.

Theo đại biểu Cường, nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.

"Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập.

Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện là họ thiết bị hiện đại hơn.

Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình", ông Cường nhận định.

Ông Cường hy vọng rằng những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này.

Về việc tự chủ tài chính của các bệnh viện, theo Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (ĐBQH tỉnh Nam Định), việc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đề nghị thôi thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện thể hiện có nhiều vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện nhà nước.

Đó là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập cần thiết phải được luật hóa một cách minh bạch, vừa để nhân dân người bệnh rõ về cách thức vận hành của cơ sở khám, chữa bệnh, vừa để vừa để cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề yên tâm điều hành hoạt động cơ sở yên tâm và dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh.

Trên cơ sở đó, ông Dũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội nội dung quy định về vấn đề tự chủ tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh trong Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà thực tiễn đặt ra.

Ông Dũng cũng đề nghị xem xét thông qua Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi tại kỳ họp thứ năm.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 12 chương và 120 điều, nhiều hơn 14 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, bỏ 01 điều và bổ sung 15 điều.

Trước đó, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 với 163 lượt phát biểu ý kiến tại Tổ, 27 lượt đại biểu phát biểu tại Hội trường và 10 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự án Luật.

Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Xã hội phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem