Thắt chặt tín dụng: Bất động sản lâm thế khó

Thứ tư, ngày 16/03/2011 18:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thắt chặt tín dụng, lãi suất cao, thị trường trầm lắng khiến chủ đầu tư và nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) trăn trở. Nhiều doanh nghiệp lo rằng thực trạng này sẽ tác động lớn đến thị trường.
Bình luận 0

Nhiều dự án sẽ trì trệ

Theo dự báo của TS Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển nhà TDH, năm 2011 thị trường BĐS sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách lớn. Trong đó việc thiếu hạ tầng giao thông huyết mạch, hạn chế nguồn vốn, điều hành vĩ mô quản lý đô thị chưa hoàn thiện, tính minh bạch chưa cao, thanh khoản kém… sẽ là thử thách lớn.

img
Công trình đang xây dựng sẽ chịu nhiều áp lực trước việc thắt chặt tiền tệ. (Ảnh minh họa).

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, giá BĐS hiện nay trên thị trường không cao so với mặt bằng lãi suất. Nguyên do tình hình lạm phát làm thu nhập giảm sút, tiền lương thực tế giảm dẫn đến khả năng thanh toán giảm, giá vật liệu leo thang làm tăng chi phí đầu vào.

Sức ép lãi suất cao, áp lực từ vốn vay ngân hàng khiến giao dịch chững lại, buộc nhiều doanh nghiệp phải giảm giá sản phẩm từ 15-25% đã làm méo mó giá trị thực của BĐS. Nếu quy giá trị BĐS theo giá USD và vàng thì chưa bao giờ giá BĐS rẻ như hiện nay.

Trong thực tế, vốn thực có của doanh nghiệp thường chiếm tỷ trọng ít hơn vốn vay ngân hàng, do vậy khi chịu tác động của lạm phát, thiếu ổn định của tỷ giá hối đoái, lãi suất cao… nguy cơ dự án trì trệ khó tránh khỏi. Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, hiện có đến 60-70 dự án đang rơi vào tình trạng trì trệ này nhằm kéo giãn tiến độ hoặc chờ đợi.

Theo nhận định của ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Vinaland, với một doanh nghiệp BĐS, vốn là yếu tố vô cùng quan trọng. Với mức lãi suất cao như hiện nay, nếu kéo dài thì khó có DN nào làm nổi. Khó là vậy, nhưng nếu các giải pháp kiềm chế lạm phát thành công thì doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn.

Làm sao để vượt khó?

Giá đất hiện nay là cơ hội dành cho những người đang có nguồn vốn “nhàn rỗi”, tuy nhiên, nhà đầu tư cũng phải hết sức thận trọng khi tham gia thị trường. Sản phẩm có suất đầu tư thấp, không bị chi phối vốn vay vẫn còn là kênh đầu tư tốt.

Nhiều ý kiến cho rằng “doanh nghiệp vượt khó” sẽ là đề tài khó giải trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đang cố gắng tìm lời giải cho cái khó trước mắt.

“Có nhiều dự báo năm nay là năm thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn đang có kế hoạch cuối năm nay sẽ khởi công dự án. Hiện chúng tôi đang đàm phán với các đối tác về phương án vốn để triển khai dự án. Chúng tôi vẫn tin là tìm ra cách để ứng phó với những khó khăn trước mắt”- ông Trần Minh Hoàng chia sẻ.

Niềm tin của ông Hoàng cũng được ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty TDH, chia sẻ: “Khó khăn hiện nay chỉ mang tính tạm thời, chúng tôi tin tưởng rằng, khi kinh tế vĩ mô ổn định thì cả BĐS và thị trường chứng khoán sẽ phục hồi tốt. Cách tốt nhất để vượt khó hiện nay là phải xem xét lại kế hoạch kinh doanh dựa trên nguồn vốn tìm được, theo tôi chỉ tập trung vào những dự án tiềm năng, có khả năng tạo ra vốn.”

Còn theo ông Lâm Văn Chúc - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Phúc Đức, lâu nay dòng tiền trên thị trường dựa khá nhiều vào sự hỗ trợ của ngân hàng, việc tăng lãi suất, thắt chặt tín dụng hiện nay đã làm khó cho cả đầu ra lẫn đầu vào của thị trường. Tuy nhiên, với quyết tâm kiềm chế lạm phát của Chính phủ, hy vọng sắp tới tình hình sẽ có sự cải thiện đáng kể. Còn hiện nay cách giải khó tốt nhất là co cụm để chờ đợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem