Thầy, cô băng đồng, vượt sông "ship chữ" cho học trò

Bảo Kỳ Thứ năm, ngày 23/09/2021 09:15 AM (GMT+7)
Để giúp các em học sinh khó khăn không có thiết bị học online theo kịp chương trình, các thầy cô ở Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) đều đặn mỗi tuần qua phà, băng đồng mang bài giảng đến tận nhà hỗ trợ học trò.
Bình luận 0

Nhiều phương án để học sinh thiếu thiết bị theo kịp bài

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều địa phương đang triển khai dạy học trực tuyến. Tại TP Cần Thơ việc triển khai học trực tuyến ở các huyện gặp nhiều khó khăn nên gần 2 tuần nay nhiều thầy cô giáo ở huyện Vĩnh Thạnh băng đồng, qua phà mang tài liệu cho học trò.

Đến thời điểm hiện tại, thầy trò trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) đã và đang dần thích nghi với cách học trong điều kiện mới. Tuy là điểm trường thuộc huyện vùng sâu, vùng xa của Cần Thơ nhưng đội ngũ giáo viên trường luôn tận tâm, nhiệt huyết giúp con em học sinh khó khăn, thiếu thiết bị được tiếp cận chương trình đầy đủ nhất.

Ông Nguyễn Văn Lộc -Hiệu trưởng trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh cho biết, trường có tổng cộng 812 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 đang học tập với hình thức trực tuyến (học qua laptop hoặc điện thoại thông minh). Trong đó, có khoảng 52 em thuộc gia đình khó khăn nên chưa đáp ứng được thiết bị học tập cho việc học online.

Thầy, cô băng đồng, vượt sông "ship chữ" cho học trò  - Ảnh 1.

Do trường thuộc huyện xa nhất Cần Thơ nên các thầy cô thường qua phà hoặc đi đường ruộng để đến tận nhà trao tài liệu cho học sinh.

Để giúp các em theo kịp bài vở, nhà trường dựa trên điều kiện của từng em mà có phương thức hỗ trợ khác nhau.

Đối với những bạn có thiết bị học tập nhưng lại khó khăn về vấn đề wifi cũng như về dung lượng Internet thì nhà trường đã phối hợp với VNPT Vĩnh Thạnh tặng cho các em những thẻ sim miễn phí để các em học.

Với học sinh không có phương tiện thiết bị nhưng lại có bạn học cùng khối gần nhà thì nhà trường cũng đã vận động cha mẹ học sinh để ghép 2 bạn dùng chung thiết bị và học cùng với nhau chung một nhóm. Hiện, trường đã ghép được 6 nhóm để các em dễ dàng trao đổi kiến thức với nhau.

Thầy, cô băng đồng, vượt sông "ship chữ" cho học trò  - Ảnh 2.

Cô Trương Ngọc Bích - Giáo viên môn Toán phụ trách lớp 6 và lớp 9 tâm sự, những em được giáo viên mang tài liệu đến tận nhà đều là các em không có thiết bị học tập, đa phần là học sinh lớp 6.

Còn với nhóm đối với học sinh không có thiết bị học tập và không đi lại được, trường hợp đặc biệt này phía nhà trường sẽ chỉ đạo yêu cầu giáo viên bộ môn soạn lại bài giảng cô đọng nhất các kiến thức trọng tâm của nội dung bài học, sau đó gửi đến thầy phó hiệu trưởng chuyên môn xem lại và thẩm định nội dung.

"Sau khi giáo viên in tài liệu sẽ gửi bưu điện vận chuyển đến nhà học sinh. Sau mỗi tuần, bộ phận giao nhận sẽ đến nhà học sinh để lấy lại những bài tập và chuyển đến cho giáo viên bộ môn. Chi phí giao nhận tài liệu nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa cho học sinh.

Thầy, cô băng đồng, vượt sông "ship chữ" cho học trò  - Ảnh 3.

Thầy Nguyễn Phước Hạnh đến nhà gửi bài giảng cho em Nguyễn Thị Diễm Hương (lớp 6, trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh).

Với những em học kém, đến khi cho phép học tập trung tại trường như trước, chúng tôi sẽ lập lớp học bổ trợ kiến thức thêm cho các em", hiệu trưởng trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh thông tin thêm.

Qua phà, băng đồng đưa bài giảng cho học sinh khó khăn

9h sáng một ngày giữa tháng chín, khi trời bắt đầu có mưa lâm râm, thầy, cô giáo viên của trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh đã ôm xấp tài liệu cùng nhân viên của Viettel Post đến nhà học sinh. Đi hơn 2km đường và vượt qua chuyến phà các thầy cô đã đến nơi.

Cô Trương Ngọc Bích- Giáo viên môn Toán phụ trách lớp 6 và lớp 9 tâm sự, những em được giáo viên mang tài liệu đến tận nhà đều là các em không có thiết bị học tập, đa phần là học sinh lớp 6. Trường hợp này các thầy cô cần soạn bài nội dung đơn giản, ngắn gọn nhất cho các em, đặc biệt thêm nhiều ví dụ để học sinh dễ hiểu.

Thầy, cô băng đồng, vượt sông "ship chữ" cho học trò  - Ảnh 4.

Em Bùi Đăng Khoa (phải) hiện đang học lớp 9A4 chia sẻ: "Do không có điện thoại thông minh nên em sang nhà bạn học nhờ đã 2 tuần nay. Hằng ngày, em đạp xe khoảng 2 km đến nhà bạn dù bất tiện nhưng em rất vui vì có bạn cùng học.

"Vì các em lớp 6 mới chuyển cấp nên còn khá bỡ ngỡ, thế nên khi mang tài liệu đến nhà chúng tôi còn dành ít thời gian hướng dẫn, giải thích những nội dung trọng tâm để các em nắm kiến thức", cô Trương Ngọc Bích chia sẻ.

"Từ sau ngày khai giảng năm học mới, cô giáo giao bài tập đến nhà, rồi em chép lại những câu hỏi trong vở, sau đó tự tìm hiểu trong sách. Trong quá trình học, cô giáo cũng có hướng dẫn thêm. Em cũng mong hết dịch để tụi em cùng đi học", em Nguyễn Thị Diễm Hương (học sinh lớp 6, Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh) cho biết.

Ngoài khối 6, một số học sinh khối 9 của trường vẫn chưa có thiết bị để học trực tuyến. Em Bùi Đăng Khoa (lớp 9A4) chia sẻ: "Do không có điện thoại thông minh nên em sang nhà bạn học nhờ đã 2 tuần nay. Hằng ngày, em đạp xe khoảng 2 km đến nhà bạn dù bất tiện nhưng em rất vui vì có bạn cùng học. Việc học online em đã làm quen từ năm trước nên không còn bỡ ngỡ nữa, những chỗ không hiểu em có thể nhờ giáo viên giảng lại hoặc hỏi bạn cùng bàn".

Chị Cao Thị Kim Tuyền (phụ huynh em Lê Thị Quỳnh Như, lớp 7) bày tỏ: "Được nhà trường quan tâm mang tài liệu, bài tập đến tận nhà cho con tôi rất xúc động và trân quý tình cảm của quý thầy cô dành cho con tôi.

Thầy, cô băng đồng, vượt sông "ship chữ" cho học trò  - Ảnh 5.

Thầy giáo đóng tài liệu gửi cho học trò.

Dịch bệnh khiến tôi mất việc hơn 2 tháng, gia đình không đủ điều kiện mua điện thoại để con học tập. Dù còn cập rập nhưng tôi vẫn động viên con cố gắng tự học để theo kịp bài vở với các bạn".

Ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cho biết, đối với các em học sinh nghèo thiếu thiết bị học trực tuyến, sở đã chỉ đạo các trường trên địa bàn thành phố lập ra nhiều phương án để hỗ trợ cho các em như: tổ chức giao và nhận bài giảng, tài liệu học tập cho học sinh. Với những địa phương đang áp dụng chỉ thị 15, phía nhà trường cần triển khai cho các em học nhóm để tăng khả năng học hỏi.

Hiện, phía Sở đã phối hợp với Thành đoàn Cần Thơ phát động phong trào tặng máy tính, điện thoại và hỗ trợ sim miễn phí kết nối 3G cho các em học sinh khó khăn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem