dd/mm/yyyy

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân vùng cao

Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã từng bước giúp nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng các tiến bộ KHKT vào canh tác nông nghiệp, nâng cao thu nhập.

Clip: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng cao

Nông dân thu nhập cao từ việc thay đổi cách làm

Từ lâu, cây mận hậu tại Mộc Châu (Sơn La) đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên do canh tác nhiều năm, dẫn đến cây trồng lâu năm bị thoái hóa, cây sinh trưởng phát triển kém, cho chất lượng kém, năng xuất thấp, ảnh hưởng tới thu nhập của người dân. Thế nhưng, không chiu khuất phục trước những khó khăn, nhiều hộ nông dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thay đổi tư duy canh tác để nâng cao thu nhập.

Với gia đình anh Hàng A Của ở Tiểu khu Pa Khen,Thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có 2 ha mận tại thung lũng Nà Ka. Do canh tác nhiều năm, nên vườn mận nhà anh đã bị thoái hóa, cho năng xuất thập. Những khó khăn trước mắt đã thôi thúc anh Của phải thay đổi tư duy canh tác, gần 5 năm trở lại đây anh cùng 10 hộ dân trong tiểu khu đã tham gia vào Hợp tác xã Nông sản sạch Mộc Châu để trồng mận hữu cơ.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân vùng cao - Ảnh 2.

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trồng mận tại huyện Mộc Châu (Sơn La) đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác mận hậu để tăng năng xuất, chất lượng. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Hàng A Của chia sẻ: Khi tôi tham gia HTX tôi đã được tham gia tập huấn về cánh cải tạo, phục hồi, chăm sóc những cây mận lâu năm để cho năng xuất thấp. Khi có được kinh nghiệm, anh đã về áp dụng với vườn mận hơn 500 gốc đã được trồng cách đây khoảng 20 năm của gia đình, chăm sóc, bón phân theo quy trình sản xuất hữu cơ để cây cho quả chất lượng tốt nhất.

"Sau khi thu hái xong, gia đình tôi bắt đầu thực hiện các bước chăm sóc, bón phân, cắt tỉa, tạo tán để cây hồi sinh sau mỗi vụ thu hoạch. Nhờ chăm sóc đúng quy trình và thời tiết thuận lợi, bình quân 1 năm vườn mận của gia đình cho thu khoảng 300 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước kia", anh Hàng A Của nói.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân vùng cao - Ảnh 3.

Anh Hàng A Của ở Tiểu khu Pa Khen,Thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đang thu hái những trái mận của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Còn đối với gia đình anh Bùi Văn Việt, bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu (Sơn La), trước kia gia đình anh cũng chỉ chăn nuôi trâu, bò nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu là để phục vụ gia đình và để lấy sức kéo, chính vì vậy thu nhập của gia đình anh từ chăn nuôi không được bao nhiêu. Từ khi gia đình anh được Hội Nông dân về vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình anh đã xây dựng chuồng trại, mua thêm bò giống để chăn nuôi, từ đó thu nhập của gia đình anh đã khấm khá hơn.

"Chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều năm tôi nhận thấy không mang lại hiệu quả cao. Nhiều đêm trăn trở tìm cách đột phá trong chăn nuôi. Với suy nghĩ đó, năm 2018, cùng với sự hỗ trợ của Hội Nông dân về vốn vay, gia đình tôi đã đầu mở rộng chuồng trại, với 3 khu chăn nuôi riêng biệt, đàn bò mẹ sinh sản, bê con và bò đực vỗ béo....", anh Việt cho hay.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân vùng cao - Ảnh 4.

Anh Bùi Văn Việt, bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La bổ xung thức ăn tươi cho đàn bò. Ảnh: Văn Ngọc

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi bò sinh sản cho hiệu quả kinh tế cao, anh Việt cho biết: Trong chăn nuôi bò sinh sản điều đầu tiên phải trau dồi vốn kinh nghiệm. Đặc biệt, chăn nuôi bò sinh sản phải làm quy mô lớn chứ nuôi nhỏ lẻ không mang lại hiệu quả cao, đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi.  Cần chọn bò giống là một yếu tố quan trong quyết định đến việc thành bại trong chăn nuôi. Ngoài ra cần chú ý đến định kỳ tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn bò.

Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, gia đình anh đã chuyển đổi hơn 1,5ha đất trồng ngô không hiệu quả sang trồng cỏ voi.  Đây cũng là nguồn thức ăn chính cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho đàn bò. Ngoài ra để bò mau lớn, đẹp, gia đình anh còn kết hợp cho bò ăn cám ngô, cám gạo…

Với kỹ thuật nuôi bò khoa học, đàn bò của gia đình anh lớn nhanh, cho năng suất cao và bán được giá cao. Một năm, gia đình anh Việt xuất bán từ 30-35 con bò giống và 10-12 bò vỗ béo. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 400 triệu đồng.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân vùng cao - Ảnh 5.

Nhờ những hỗ trợ từ Hội Nông dân, anh Bùi Văn Việt, bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu (Sơn La) có thu nhập cao. Ảnh: Văn Ngọc

Giải pháp giúp nông dân làm kinh tế

Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La thông tin: Để giúp các Hội viên Nông dân nâng cao thu nhập từ việc phát triển nông nghiệp, nhưng năm qua ngoài việc hỗ trợ về vốn vay, con giống vật nuôi, Hội Nông dân Sơn La đã đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo nghề nông thôn, giúp các hội viên nông dân năm bắt, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, từ đó nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân.

Trong năm 2022 toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân với nhiều hình thức, thông qua nhiều chương trình, dự án như: Tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT gắn với mô hình dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được 12 lớp, cho 600 người.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân vùng cao - Ảnh 6.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân vùng cao - Ảnh 7.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La đây mạnh chuyển giáo khoa học kỹ thuật cho hội viên. Ảnh: Văn Ngọc

Tổ chức 17 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật triển khai 17 mô hình dự án cho 510 học viên; Phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 05 hội nghị tập huấn gắn với dự án giảm nghèo bền vững và nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể cho 380 học viên tham gia. Ngoài ra, Hội Nông dân các huyện, thành phố và cơ sở phối hợp với các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức được 126 lớp tập huấn cho 5.670 hội viên tham gia...

Chủ động phối hợp với các Công ty, doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân về giống, vốn, vật tư nông nghiệp giúp nông dân phát triển sản xuất, kết quả: Dịch vụ phân bón trả chậm đã triển khai thực hiện được 1.577 tấn phân bón với tổng kinh phí là: 1.789 tỷ đồng; 295 tấn thuốc bảo vệ thực vật; 648 tấn thức ăn chăn nuôi; 147 chiếc máy nông nghiệp... phối hợp với công ty cổ phần May Tây Bắc để cung ứng gần 200.000 bao trái cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân vùng cao - Ảnh 8.

Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Trong năm toàn tỉnh có 100.682 hộ đăng ký thi đua đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, trong đó có trên 53.484 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, đạt 127,34% kế hoạch; có 580 hộ được Tỉnh uỷ, Huyện uỷ, Hội Nông dân tỉnh vinh danh nhân dịp ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2 và các đợt tổng kết thi đua của Hội Nông dân tỉnh.

Phát động phong trào thi đua bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu được trên 15 triệu bao trái trên toàn tỉnh; Đẩy mạnh các hoạt động tương trợ, đoàn kết, giúp đỡ hơn 3.000 hộ nông dân nghèo về giống, vốn, kỹ thuật, việc làm để giúp họ vươn lên thoát nghèo.

 

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh