Thấy gì khi lãi suất nhảy vọt trong quý II, dự báo sẽ "trườn, bò" tăng lên?
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá, lãi suất là chỉ báo vô cùng quan trọng cho thị trường tài chính. Hiện nay lãi suất (lãi suất tiết kiệm, lãi suất cho vay, lãi suất liên ngân hàng,...) đang có xu hướng tăng, trong khi đó chúng ta đều mong muốn lãi suất sẽ giảm xuống nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Dẫn chứng, ông cho biết lãi suất liên ngân hàng quý I/2024 chỉ mới 0,3%, sang quý II đã "nhảy vọt" lên 4%. Điều này cho thấy, thanh khoản đang trở nên có vấn đề, theo ông Nghĩa.
"Khi tăng trưởng cao, kinh tế phục hồi thì lãi suất cũng cao hơn do nhu cầu vốn tăng lên. Do đó, tôi đồng ý với ý kiến rằng dù chúng ta có tìm cách kiềm chế lãi suất, nó vẫn dần tăng trở lại. Hiện chưa có yếu tố hỗ trợ cho việc giảm lãi suất như chúng ta mong muốn. Điều này không hề nguy hiểm, hơn nữa còn có lợi cho nền kinh tế", TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, 6 tháng đầu năm, tiền gửi ngân hàng tăng chậm với lãi suất huy động tiếp tục giảm, các kênh đầu tư khác như vàng và chứng khoán trở nên "hot" hơn. Trong khi đó, lãi suất cho vay chỉ giảm nhẹ.
Trong nửa cuối năm, lãi suất sẽ tăng bởi 2 lý do.
Thứ nhất, các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn, các ngân hàng sẽ mạnh tay cho vay hơn. Với kịch bản này, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất để tăng huy động và tăng cho vay. Lãi suất tiết kiệm tăng có khả năng kéo theo lãi suất cho vay. Dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.
Hai là, nợ xấu đang tăng cũng là nguyên nhân được ông Hiếu chỉ ra có thể tác động làm tăng lãi suất. Nợ xấu nội bảng tại thời điểm này vào khoảng 4,5%, nếu tính nợ xấu ngoại bảng theo dự tính của ông Hiếu vào khoảng 6%. Nợ xấu tăng lên cao, nguồn vốn mà ngân hàng cho vay ra không trở lại với ngân hàng nên phải huy động vốn mới. Các yếu tố kết hợp buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay lên.
"Tôi mong các ngân hàng làm sao có thể kiềm chế lãi suất cho vay ở mức như hiện tại, nhưng không có gì đảm bảo. Từ nay đến cuối năm, dự báo lãi suất tiết kiệm có thể tăng từ 0,5 - 1%. Lãi suất cho vay sẽ tăng nhẹ hơn lãi suất tiết kiệm", ông Hiếu nói.
Ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, khối Nguồn vốn, Ngân hàng Citibank Việt Nam thì cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự đoán đạt từ 6% - 6,4%, lạm phát (CPI) ước khoảng 3,4% trong bối cảnh NHNN vẫn kiên trì với chính sách điều hành hiện tại.Tỷ giá dự kiến từ giờ đến cuối năm sẽ quanh mức 25.300 VND/USD và đạt 26.000 VND/USD đến hết năm sau.
Trong bối cảnh đó, lãi suất cho vay tiền đồng trong một thời gian dài từ quý I/2024 đến nay, ông Trung cho biết, để "chống lại" lãi suất VND quá thấp, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì bằng cách đẩy tiền VND ra kênh OMO (4,5%) nhằm thu hẹp với lãi suất 5,25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
"Với định hướng như vậy, City bank cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không giảm lãi suất điều hành và tiếp tục duy trì lãi suất tiền đồng như vậy. Trong khi đó, lãi suất cho vay tiền USD tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp đang được hưởng mức lãi rất tốt với mức vay ngắn hạn khoảng 3%, thấp hơn so với Fed. Điều này phản ánh, các ngân hàng đang cố gắng lấp đầy room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp. Do đó, kể cả lộ trình Fed giảm lãi suất như nào trong thời gian tới thì lãi suất tiền USD tại Việt Nam sẽ rất khó giảm tiếp", ông Trung nhận định.