Thấy gì qua tăng cước 3G?

Chủ nhật, ngày 20/10/2013 06:50 AM (GMT+7)
Nếu người tiêu dùng cảm thấy sự tăng giá nghe có vẻ hợp lý thì sự bất bình ấy có thể giảm đi. Đáng tiếc việc đồng loạt tăng giá với mức tăng lên đến 40% đã làm cho việc tăng giá trở thành một sự kiện “nóng”.
Bình luận 0
Từ 16.10.2013 cả 3 nhà cung cấp dịch vụ internet di động (Viettel,Vinaphone, Mobiphone) đã đồng loạt tăng giá nhiều gói dịch vụ, có gói tăng giá lên đến 40%. Người tiêu dùng rất bất bình vì chất lượng dịch vụ thấp mà giá lại tăng.

img

Giá tăng hay giảm là chuyện của thị trường. Nhưng nếu người tiêu dùng cảm thấy sự tăng giá nghe có vẻ hợp lý thì sự bất bình ấy có thể giảm đi và thậm chí có thể có sự thông cảm. Nếu có cạnh tranh lành mạnh và các cơ quan nhà nước làm đúng việc của mình một cách tận tâm thì đã không gây ra bức xúc không đáng có như vậy. Đáng tiếc việc đồng loạt tăng giá cùng một ngày với mức tăng lên đến 40% đã làm cho việc tăng giá trở thành một sự kiện “nóng”.

Theo quy định hiện hành, 3 nhà cung cấp dịch vụ đã có đơn yêu cầu tăng giá. Họ đã làm đúng quy định. Cục Viễn thông đã chấp thuận việc tăng giá (vào cùng một ngày 4.10 và có lẽ vì thế nên mới có chuyện đồng loạt tăng giá vào 16.10 theo mốc tính cước hàng tháng của các nhà cung cấp dịch vụ). Như thế Bộ Thông tin - Truyền thông cũng có thể nói họ đã làm đúng thẩm quyền và quy định. Nhưng chắc là chưa thật tận tâm. Nếu thực tận tâm (hay nếu khéo hơn) họ đã không chấp thuận cùng lúc cho cả 3 nhà cung cấp dịch vụ để làm tăng sự nghi ngờ về sự vi phạm Luật Cạnh tranh. Chắc chắn họ chưa tận tâm, vì họ phải có trách nhiệm kiểm tra giá thành, giá cước của nhà cung cấp trước khi quyết định chấp thuận, nhưng tại tọa đàm kể trên, ông Phó Cục trưởng Cục Viễn thông lại nói về số liệu liên quan đến giá thành: “Con số này theo báo cáo doanh nghiệp và chúng tôi sẽ kiểm chứng”. Nói cách khác, Cục sẽ kiểm chứng chứ chưa kiểm chứng! Đấy là lỗi không nhỏ của Cục Viễn thông.

Về câu hỏi liệu các nhà cung cấp dịch vụ có thông đồng và vi phạm Luật Cạnh tranh khi tăng giá cước 3G, ông Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) trả lời: “Ngay sau khi có thông tin, Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin có liên quan, và chỉ khi Cục chúng tôi nhận được các thông tin và phân tích, trao đổi với Bộ Thông tin, Truyền thông thì chúng tôi mới có thể có ý kiến”. Có lẽ Cục này cũng làm đúng quy định, nhưng nếu vậy thì hoàn toàn chưa đủ. Cục phải chủ động tiến hành điều tra xem có sự thông đồng nhằm tìm ra các chứng cứ để trả lời dứt khoát các câu hỏi: Các nhà cung cấp dịch vụ có bàn với nhau không? Họ có gặp nhau, qua điện thoại, qua email về chuyện tăng giá cước? Nếu có thì ở đâu, bao giờ, vân vân...

Việc tăng hay giảm giá là chuyện lẽ ra phải bình thường, nhưng do cách làm của các doanh nghiệp và nhất là các cơ quan quản lý nhà nước không thực thi đầy đủ trách nhiệm, không tận tâm nên đã gây ra sự bức xúc không cần thiết.

Nguyễn Quang A (Nguyễn Quang A)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem