Thấy gì từ động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước?

Huyền Anh Thứ tư, ngày 13/05/2020 15:18 PM (GMT+7)
Trong cơ cấu chi phí của ngân hàng thì chi phí nguồn vốn đầu vào chiếm tỷ trọng lớn (70%-80% giá thành của sản phẩm). Vì vậy, nếu không hạ lãi suất huy động xuống thì rất khó có thể hạ lãi suất đầu ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Bình luận 0

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ hôm nay 13/5/2020, một loạt lãi suất như lãi suất tiền gửi, lãi suất OMO, lãi suất cho vay, lãi suất tái chiết khấu...được điều chỉnh giảm tới 0,5 điểm phần trăm so với trước đó.

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (lãi suất OMO) từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.

Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm còn trần lãi suất tiền gửi từ không kỳ hạn đến dưới 1 tháng giảm từ 0,5% xuống 0,2%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên (5 lĩnh vực ưu tiên) giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Đúng thời điểm

Lý giải về quyết định trên, NHNN cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và gây suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương nhiều nước cắt giảm lãi suất điều hành và thực thi nhiều giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn.

Đồng thời, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 và Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong và ngoài nước, NHNN Việt Nam quyết định điều chỉnh các mức lãi suất nêu trên.

TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, cách thức hỗ trợ thị trường, nền kinh tế của NHNN ngày càng kịp thời, sát với diễn biến của thị trường.

Theo đó, sau khi đưa ra các giải pháp quan trọng hỗ trợ như hoãn, giãn, cơ cấu lại nợ cùng với đưa ra các gói tín dụng quy mô lớn... giúp DN giảm bớt gánh nặng nợ nần, cầm cự trong giai đoạn khó khăn, thì đến thời điểm này, khi các cơ hội sản xuất kinh doanh dần mở ra, NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành tạo mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn.

"Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với DN, nền kinh tế. Việc hạ lãi suất chung cũng như tiếp tục gia tăng các gói tín dụng ưu đãi của NHTM chắc chắn có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình dần hồi phục và có thể tạo sức bật cho nền kinh tế thời gian tới", ông Thành cho biết.

Đối với các NHTM, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng phải thừa nhận, động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN rất là tích cực và kịp thời bởi Chính phủ và hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tiết giảm lãi suất cho vay cho khách hàng, giảm chi phí phí tài chính cho khách hàng.

Tuy nhiên, trong mấy tháng qua các NHTM dù đã nỗ lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cố gắng tiết giảm chi phí của mình, cố gắng giảm lợi nhuận của ngân hàng song chỉ ở mức độ giảm nhất định. Trong khi đó, trong cơ cấu chi phí của ngân hàng thì chi phí nguồn vốn đầu vào chiếm tỷ trọng lớn (70 -80% giá thành của sản phẩm). Vì vậy, nếu không hạ lãi suất huy động xuống thì rất khó có thể hạ lãi suất đầu ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Cũng phải nói thêm rằng, không chỉ có Việt Nam mà gần như toàn cầu áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ và một trong đó là giải pháp hạ lãi suất. Như tại Nhật lãi suất âm, tại Mỹ lãi suất tiến về bằng 0. "Nếu như Việt Nam để lãi suất cao thì sẽ có 2 cái khó. Cái khó thứ nhất, bản thân hoạt động kinh doanh trong nước khó khăn. Thứ hai, năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ yếu hơn bởi vì cùng một mặt hàng nhưng chi phí đầu vào của doanh nghiệp cao thì không thể nào cạnh tranh được với hàng hóa của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia xung quanh Việt Nam", ông Tùng nhấn mạnh.

Giảm lãi suất thêm 0,5%/năm là phù hợp?

Thấy gì từ động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 2.

Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất điều hành từ 13/5

Đánh giá về mức giảm lãi suất thêm 0,5%/năm, TS. Võ Trí Thành cho rằng, lạm phát bình quân vẫn còn cao. Cùng với diễn biến kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường nên mức giảm 0,5%/năm là vừa phải vừa bám vào nguyên tắc hỗ trợ thiết thực nhưng đảm bảo không ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, mức giảm các loại lãi suất điều hành của NHNN vẫn khá thận trọng trong việc đánh giá những rủi ro có thể có trong tương lai đối với kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam trước tác động của đại dịch Covid-19. Chính phủ, NHNN vẫn muốn để dành dư địa cho việc nới lỏng hơn chính sách tiền tệ nếu thấy cần thiết trong thời gian tới.

Điều này cho thấy, sự cẩn trọng của NHNN đề phòng những rủi ro có thể xảy ra đối với kinh tế trong nước và trên toàn cầu sau khủng hoảng Covid-19. Chẳng hạn, dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài tại một số quốc gia thậm chí có thể bùng trở lại thành làn sóng thứ 2. Đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có dấu hiệu nóng lên và có thể tác động xấu đến kinh tế toàn cầu trong trung hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem