"Ông lớn" bán lẻ công nghệ bứt tốc

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 01/06/2022 15:32 PM (GMT+7)
Thế Giới Di Động tiếp tục ghi nhận doanh thu chục nghìn tỷ đồng trong tháng 4/2022. Các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ khác cũng dự báo có một năm phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ.
Bình luận 0

Những doanh nghiệp bán lẻ thiết bị công nghệ lớn có số lượng cửa hàng tập trung nhiều ở TP.HCM như Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG), FPT Retail (mã chứng khoán: FRT) đều đang trở lại mạnh mẽ sau hai năm Covid-19.

MWG vừa công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2022, với kết quả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng tích cực.

Cùng với MWG, các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ thiết bị công nghệ như FRT và Công ty CP Thế giới số (Digiworld - mã chứng khoán: DGW), được dự báo sẽ trở lại mạnh mẽ trong năm nay, nhiều khả năng lợi nhuận tăng trưởng ở mức hai con số.

Thế Giới Di Động kết quả kinh doanh thuận lợi trong quý II

MWG chưa dự phóng kết quả kinh doanh quý II/2022 nhưng Công ty Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá, dư địa tăng trưởng mảng điện máy của MWG vẫn tích cực nhờ nhu cầu mua sắm phục hồi sau dịch. Ngoài ra, MWG cũng đang đẩy mạnh chuỗi Điện Máy Xanh, đồng thời nâng cấp các cửa hàng Thế Giới Di Động thành Điện Máy Xanh, mở trung tâm điện máy quy mô lớn nếu có cơ hội.

Kết quả kinh doanh tháng 4/2022 mới nhất vừa được MWG công bố, phần nào cho thấy triển vọng này.

"Ông lớn" bán lẻ công nghệ bứt tốc - Ảnh 1.

Lợi nhuận sau thuế của Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) giai đoạn 2018-2022. Đồ hoạ: Hồng Phúc

Chỉ tính riêng tháng 4, MWG ghi nhận 11.441 tỷ đồng doanh thu và 374 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 47.908 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.819 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 18% và 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phía MWG cho biết chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và TopZone đạt doanh thu lũy kế 39.100 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong đó Điện Máy Xanh Supermini đóng góp hơn 3.500 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2021. TopZone có 35 điểm bán và mang về gần 670 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm.

Chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu lũy kế 8.200 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm, tăng 2% so với cùng kỳ. 

Tính đến cuối tháng 4, Bách Hóa Xanh đã triển khai việc thay đổi bố trí cửa hàng theo chuẩn mới. Doanh thu trung bình theo ngày của các cửa hàng đã thay đổi thiết kế tăng khoảng 10% so với trước khi thay đổi. Bách Hóa Xanh dự kiến sẽ hoàn tất việc thay đổi này cho cho toàn bộ cửa hàng trong quý III/2022.

Những tín hiệu tích cực từ FRT và DGW

Dù chưa có số liệu kết quả kinh doanh tháng 4, tháng 5 nhưng một số doanh nghiệp bán lẻ công nghệ khác như FRT và DGW khá lạc quan, ít nhất là so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái khi ngành bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó, tháng 6/2021 phải đóng cửa hoàn toàn vì dịch Covid-19.

"Ông lớn" bán lẻ công nghệ bứt tốc - Ảnh 2.

Quý I/2022, lợi nhuận sau thuế của FRT đạt 169 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ năm 2021. Ảnh: FRT

DGW ước tính quý II/2022 có thể đạt doanh thu 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng, lần lượt tăng 42% và 55% so với cùng kỳ năm 2021. Một trong những động lực tăng trưởng của Công ty đến từ sản phẩm của một số thương hiệu mới được đưa lên kệ hàng như Whirlpool, TCL, Joyoung, Microsoft.

Trong quý I/2022, DGW đã tăng trưởng ấn tượng khi doanh thu lên đến 7.009 tỷ đồng, tăng 40% và lợi nhuận sau thuế đạt 211 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.

FRT cho biết quý II thường là khoảng thời gian thấp điểm của thị trường bán lẻ, sau khi bước qua quý bán hàng Tết, nên doanh thu dự kiến thấp hơn quý I. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, FRT vẫn kỳ vọng sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu cao. FRT có kế hoạch mở mới hơn 70 trung tâm laptop, mở thêm khoảng 100 cửa hàng FPT Shop nhằm tăng vùng phủ đến các khu vực quận, huyện đông dân cư.

Trong quý đầu năm 2022, kết quả kinh doanh hợp nhất của FRT cho thấy, lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ năm 2021. Công ty con Long Châu ghi nhận doanh thu gấp 3,7 lần cùng kỳ, do nhu cầu dược phẩm tăng cao và có thêm 324 cửa hàng mới có doanh thu so với cùng kỳ.

Kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng 22-30%

Năm 2022, MWG đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 30% so với năm 2021. Với kết quả đạt được 4 tháng đầu năm, MWG đã hoàn thành 34% kế hoạch doanh thu và 29% kế hoạch lợi nhuận năm.

"Ông lớn" bán lẻ công nghệ bứt tốc - Ảnh 4.

Việc liên tục mở rộng độ phủ, các "ông lớn" bán lẻ công nghệ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh năm 2022. Ảnh: Hồng Phúc

FRT đặt mục tiêu đạt doanh thu năm 2022 là 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 30% so với năm 2021. Với kết quả quý I/2022, công ty đã hoàn thành được 28% kế hoạch năm về doanh thu và lợi nhuận. Công ty Chứng khoán Phú Hưng nhận định, FRT có thể sẽ cán mốc kế hoạch 2022 trước khi kết thúc năm.

DGW đặt mục tiêu năm 2022 đạt doanh thu 26.300 tỷ đồng, tăng 25% và lợi nhuận 800 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021. Mảng điện thoại di động dự kiến vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu với 47%, đóng góp 12.330 tỷ đồng, tăng 25%.

Tuy nhiên, với dự báo của một số công ty chứng khoán, doanh thu và lợi nhuận của các "ông lớn" bán lẻ thiết bị công nghệ năm nay có thể cao hơn so với dự báo từ phía doanh nghiệp, bởi đây đều là các thương hiệu lớn, có tệp khách hàng rộng, hệ thống cửa hàng bao phủ và các doanh nghiệp đều có kế hoạch mở rộng điểm bán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem