Thế giới “nín thở” khi dầu chạm sát đỉnh 100 USD cao nhất trong 8 năm do căng thẳng Nga-Ukraine leo thang
Theo diễn biến mới nhất, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của vùng ly khai Donetsk và Lugansk tại miền đông Ukraine. Đồng thời, Tổng thống Putin cũng chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân tới hai khu vực này để "gìn giữ hòa bình".
Điều này đã làm gia tăng lo ngại của phương Tây về một cuộc chiến tranh mới ở châu Âu.
Trước động thái này, Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu đã vào tư thế sẵn sàng thi hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Ngay trong hôm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký nóng một lệnh hành pháp để đình chỉ hoạt động kinh doanh của Mỹ tại các khu vực ly khai.
Từ tình hình căng thẳng vì nguồn cung năng lượng của Nga có thể bị trừng phạt tuỳ mức độ, giá dầu được thổi lên nhanh chóng trên thị trường toàn cầu.
Ghi nhận lúc 18h30 GMT+7 ngày 22/02, dầu thô Brent tăng 3,38 USD, tương đương 3%, ở mức 98,01 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 9 năm 2014.
Dầu thô WTI tăng 4,40 đô la, tương đương 4,8% lên 95,47 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2014.
Ông Tamas Varga, nhà phân tích tại Hiệp hội dầu PVM thế giới, cho rằng dầu sẽ sớm vượt mốc 100 USD/thùng. Nguyên nhân là vì giá dầu đang được thúc đẩy từ rất nhiều động lực, đặc biệt là sự leo thang rất rõ ràng của căng thẳng Nga – Ukraine.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng tư nhân quốc tế Julius Baer cũng đồng tình với nhận định trên. Nhóm chuyên gia cho rằng thị trường dầu mỏ đang ở trong một giai đoạn "lạnh giá và lo lắng, được châm ngòi bằng nỗi sợ hãi từ bất ổn địa chính trị".
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cùng nhu cầu phục hồi sau đại dịch coronavirus đã đẩy giá của thị trường dầu mỏ tăng mạnh.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) dường như đang cố tình "ép" giá thị trường. OPEC + liên tục phớt lờ các lời kêu gọi thúc đẩy nguồn cung nhanh chóng hơn.
Đa số các nước thành viên OPEC + vẫn giữ quan điểm thế giới không cần thêm nguồn cung. Nguyên nhân là vì triển vọng dầu Iran quay trở lại thị trường là rất lớn vì đàm phán thỏa thuận hạt nhân đang có dấu hiệu "hồi sinh". OPEC + lý luận rằng khi dầu Iran không còn bị trừng phạt mà OPEC + tăng sản xuất, cung dầu sẽ dư thừa.
Theo đó, các chuyên gia OPEC + dự đoán, nếu Iran và các cường quốc đàm phán thành công về thoả thuận hạt nhân, nguồn dầu thế giới sẽ được bổ sung 1 triệu thùng mỗi ngày.
Tuy nhiên, Ngân hàng thế giới Citi cho rằng mọi việc sẽ không nhanh chóng và đơn giản như vậy. Bởi vì, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ phải thông qua tiến trình ngoại giao lâu hơn rất nhiều so với diễn biến thị trường.
Củng cố cho quan điểm trên, Ngân hàng JP Morgan dự đoán giá dầu vẫn tiếp tục tăng nhanh cho đến ít nhất là giữa năm năm 2022. Có thể thấy rằng, nguồn cung sẽ tăng lên nhưng rủi ro bất ổn chính trị luôn rình rập. Vì vậy, nhóm chuyên dự đoán giá dầu sẽ ở mức khoảng 125 USD/thùng vào quý 2 năm 2022.