Thêm một ứng dụng xe công nghệ Việt Nam gia nhập cuộc đua “đốt tiền”

Quỳnh Chi Thứ ba, ngày 30/06/2020 14:25 PM (GMT+7)
Mới đây, Công ty cổ phần GV ASIA công bố ra mắt ứng dụng gọi xe công nghệ GV Taxi, chính thức bổ sung vào danh sách các công ty dịch vụ xe công nghệ. Nhiều người cho rằng đây là “sân chơi” đầy khốc liệt hoặc nôm na là cuộc đua “đốt tiền”.
Bình luận 0

Thị phần vẫn còn nhiều

Được biết, GV Taxi là một ứng dụng gọi xe công nghệ với các tính năng tương tự như các ứng dụng khác đang hoạt động tại Việt Nam (Grab, be, GO-Việt, MyGo, FastGo, MyGo, Vato...). Với chức năng chính là gọi xe bao gồm: Đặt xe máy, Xe hơi riêng; Xe taxi, Xe taxi tải, Vé xe khách và định hướng dần trở thành siêu ứng dụng trong thời gian tới với việc tích hợp thêm nhiều dịch vụ như: Giao hàng, Giao đồ ăn, Du lịch… trong thời gian sắp tới.

img

Thêm một hãng xe công nghệ vừa công bố ra mắt ứng dụng gọi xe công nghệ 

GV Taxi được GV ASIA đầu tư, trực tiếp xây dựng và vận hành bởi đội ngũ kỹ sư người Việt Nam với sự hậu thuẫn và hỗ trợ từ Google thông qua nền tảng Google Maps.

Theo lời ông Hoàng Quang Mạnh, Giám đốc GV ASIA: “Với triết lý người thành công không phải là người đi trước, GV ASIA đặt phương châm tối giản để cung cấp cho khách hành những trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng, đó cũng là khác biệt của GV Taxi so với các ứng dụng khác đang có trên thị trường”.

Lợi thế của GV Taxi so với các ứng dụng khác là công nghệ nhận biết với khoảng cách định vị chính xác vị trí trong bán kính dưới 10 m2, qua đó nhanh chóng xác định và kết nối người sử dụng tới tài xế gần nhất, công nghệ do các kỹ sư người Việt của GV ASIA phát triển để phục vụ cho người Việt.

GV Taxi cam kết tạo nhập ổn định cho đối tác tham gia mạng lưới với việc nghiên cứu tối ưu thu nhập tốt nhất cho tài xế trên từng chuyến đi; cam kết mang lại dịch vụ chất lượng cho người Việt qua việc từng bước cải thiện dịch vụ, chi phí hợp lý cho mỗi chuyến đi của hành khách và cam kết không ngừng ứng dụng công nghệ 4.0 để góp phần phát triển nền kinh tế số, kết hợp giữa công nghệ và truyền thống để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế số.

“Chúng tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều cơ hội phát triển cho ứng dụng gọi xe thuần Việt”, ông Mạnh khẳng định.

Về cước phí, GV Taxi đưa ra mức cước cạnh tranh: từ 5.000 đ/km với xe máy, từ 11.000 đ/km với xe riêng và cũng chỉ từ 11.000 đ/km với xe Taxi.

Mục tiêu trước mắt của GV Taxi trong vòng 6 tháng tới sẽ thu hút 8.000 tài xế đối tác, phục vụ 60.000 chuyến đi an toàn mỗi ngày với tỷ lệ đáp ứng chuyến đi trên 90% và điểm đánh giá trung bình từ khách hàng từ 4,5 – 5 sao sau mỗi chuyến đi.

Đối diện cuộc chiến khốc liệt

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại vì trước đó nhiều thương hiệu rầm rộ ra mắt nhưng sau đó âm thầm biến mất.

img

Nhiều người ví tham gia "sân chơi" ứng dụng xe công nghệ giống như cuộc đua "đốt tiền"

Có thể kể đến hàng loạt ứng dụng gọi xe công nghệ tại VN như Mai Linh, Fast-Go, Vato, Aber, MLV, Go-ixe, Xelo,...

Các ứng dụng này ban đầu có rất nhiều chính sách thu hút tài xế, khuyến mãi cho khách hàng. Tuy nhiên, đến nay cuộc đua đã tạm dừng với một số "tay chơi".

Ứng dụng của Aber chào sân hồi tháng 6-2018 với điểm mới không thu chiết khấu của tài xế, tung ra 6 sản phẩm dịch vụ như xe máy, ôtô, giao hàng, xe doanh nghiệp... Chỉ ít tháng, ứng dụng này phải thông báo ngừng hoạt động.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo của Aber từng xác nhận phải tạm dừng để... chuẩn bị cuộc chơi lớn hơn. Vị này cũng thừa nhận thời gian qua chứng kiến cuộc đua "đốt tiền" của đơn vị đối thủ quá mạnh nên phải tìm hướng khác để cạnh tranh.

Tương tự, ứng dụng Lala được hậu thuẫn bởi Ahamove đã phải nói lời giã từ, đóng cửa ở lĩnh vực giao nhận thức ăn vào đầu năm 2019 vì gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đơn vị như Now, Foody, Grab và Go-Việt.

Nhiều tài xế và khách hàng thường xuyên sử dụng ứng dụng gọi xe công nghệ cũng cho hay ứng dụng Fast-Go, MLV, Go-ixe khá ít xuất hiện trên thị trường, số lượng tài xế ít, đặt xe khá lâu nên có tài xế đã chuyển qua ứng dụng khác.

Sức ép từ các đối thủ lớn về nguồn vốn, quy mô, số lượng tài xế khiến một số ứng dụng gặp khó khăn. Nhiều đơn vị tháo chạy khỏi cuộc chơi, không chỉ mảng vận tải mà ngay cả giao nhận thức ăn.

Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận cuộc đua giành thị phần của các đơn vị được dự đoán sẽ khốc liệt hơn ở mảng vận tải và giao nhận thức ăn. Cuộc đổ vốn, "đốt tiền" khuyến mãi để chiếm thị phần, tài xế và khách hàng sẽ có lợi. Đồng thời, sẽ đào thải được những đơn vị không đủ năng lực, thị trường sẽ bớt rối loạn.

Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh, vị này cho rằng điều cốt yếu giữ chân khách hàng phải là chất lượng dịch vụ.

Ông Bùi Danh Liên - nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng trong cuộc đua tại Việt Nam của ứng dụng gọi xe công nghệ đang được ví là "đốt tiền". Chỉ có những doanh nghiệp có đủ tiềm lực và một chiến lược khôn ngoan mới có thể trụ lại và giành thị phần.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem