Thêm phát hiện về khả năng chống biến chủng Delta của vắc xin Covid-19

Nguyễn Thái - SCMP Thứ năm, ngày 05/08/2021 05:55 AM (GMT+7)
Một nghiên cứu mới ở Singapore cho thấy, người nhiễm biến chủng Delta, đã được tiêm vắc xin Covid-19 trước đó, có khả năng hết virus nhanh hơn dù mang cùng tải lượng virus với người chưa được tiêm vắc xin. 
Bình luận 0

img

Khách hàng tại một nhà hàng ngoài trời có bàn ăn tuân thủ khoảng cách an toàn ở Singapore. Ảnh: Bloomberg

Tờ SCMP hôm 4/8 dẫn lời các chuyên gia nhận định, kết quả nghiên cứu mới ở Singapore đồng nghĩa với việc người nhiễm biến chủng Delta (đã được tiêm vắc xin) sẽ hồi phục nhanh hơn, mang tới hy vọng về thời gian cách ly cũng ngắn hơn. 

Nghiên cứu mới được thực hiện với 201 người ở Singapore bị nhiễm biến chủng Delta, trong đó 71 người đã được tiêm vắc xin Covid-19 và 130 người con lại chưa được tiêm chủng. Vắc xin Covid-19 được sử dụng trong nghiên cứu là các vắc xin theo công nghệ mRNA, tuy nhiên các chuyên gia trên toàn thế giới cho rằng, tất cả các loại vắc xin Covid-19 đều có mức độ hiệu quả nhất định với một số biến chủng mới.

Alex Cook - phó trưởng khoa nghiên cứu tại Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock - nói rằng, nghiên cứu cho thấy, "những người nhiễm được tiêm vắc xin hết virus trong khoảng 7 ngày, trong khi những người chưa được tiêm phòng mất tới 14 ngày". 

Ông Alex đề xuất thời gian cách ly ngắn hơn hoặc thậm chí cách ly tại nhà cho nhóm người đã được tiêm vắc xin Covid-19. 

David Kochman, nhà khoa học tại một công ty công nghệ sinh học Mỹ, cho biết, có một số bằng chứng cho thấy "vào khoảng ngày thứ 10, những người nhiễm (đã được tiêm chủng) có nguy cơ lây lan thấp". 

Dữ liệu trong nghiên cứu mới - được thu thập bởi các nhà nghiên cứu làm việc tại 10 đơn vị như bệnh viện và trường y ở Singapore - bao gồm cả giá trị ngưỡng chu kỳ (ký hiệu là Ct). Giá trị Ct đề cập đến việc cần bao nhiêu chu kỳ để phát hiện virus ở bệnh nhân. Giá trị Ct tỷ lệ nghịch với số lượng virus. 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, giá trị Ct của những người nhiễm Covid-19 đã tiêm vắc xin và chưa tiêm vắc xin là giống nhau ở thời điểm đầu nhiễm bệnh, lần lượt là Ct 19,2 và Ct 18,8. Sau đó, giá trị Ct của những người đã tiêm vắc xin tăng nhanh hơn. 

Kết quả nghiên cứu mới được đưa ra khi xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm đột phá - người đã tiêm vắc xin nhưng vẫn nhiễm Covid-19 - ở các nước đã hoàn thành tiêm chủng đầy đủ cho hơn một nửa dân số như Anh hay Mỹ. Tuy vậy, số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 không còn tăng đột biến như làn sóng lây lan đầu tiên hồi năm ngoái. 

Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Mỹ cho biết, với sự lây lan của biến chủng Delta, các nước cần phải có 80 đến gần 90% dân số được tiêm chủng đầy đủ mới có thể đạt đến miễn dịch cộng đồng. 

Nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore chưa được đánh giá đồng cấp nhưng các nhà khoa học cho rằng nó có ý nghĩa đối với chính sách kiểm soát lây nhiễm.  

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem