Thép xây dựng tăng giá đến bao giờ?
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong năm 2021, diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới sẽ có nhiều biến động.
Do đó, trong năm nay, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính năm 2008. Bên cạnh đó, chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu bởi thị trường sát biên này đang chiếm gần 60% sản lượng thép thô toàn thế giới.
Bên cạnh đó, cuối năm 2020, trước sự tác động của thị trường thép thô Trung Quốc, giá thép thế giới tăng cao đột biến. Điều này dẫn tới việc giá bán thép trong nước cuối năm 2020 và tháng 1/2021 phải điều chỉnh tăng.
Bước sang tháng 2/2021 giá thép có giảm nhưng đã tăng trở lại vào tháng 3. Giá bán thép thô trong nước hiện ở mức 13.300đ/kg và giá thép xây dựng khoảng 15.200 – 15.500đ/kg (chưa bao gồm thuế, giao tại nhà máy) tùy thuộc vào chủng loại thép và từng doanh nghiệp. Trong khi đó, giá phôi giao dịch Đông Nam Á là 635$/tấn (ngày 07/04/2021).
Trước những diễn biến nêu trên, ông Đa nhận định, nhiều khả năng, giá thép có thể tăng đến hết quý III/2021. Tuy nhiên, chủ tịch VSA khẳng định, với năng lực sản xuất của ngành thép, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa, thậm chí cả xuất khẩu thép ra nước ngoài.
Cũng theo đề xuất của ông Đa, để đảm bảo ổn định thị trường thép nội, tránh tình trạng các nhà thương mại đầu cơ găm hàng để "trục lợi" từ việc tăng giá thép, vị chủ tịch kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, cơ quan liên quan chủ trì xây dựng và sớm ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia các sản phẩm thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng các biên pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, tính riêng tháng 3/2021, lượng xuất khẩu sắt thép các loại đạt trên 1,23 triệu tấn, trị giá hơn 899 triệu USD, tăng 64,6% về lượng và 66,4% về trị giá so với tháng trước.
Tính chung quý I/2021, mặt hàng này xuất khẩu đạt hơn 2,9 triệu USD, trị giá 2,04 tỷ USD, tăng 44,7% về lượng và 85% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong 3 tháng qua, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam với hơn 571,5 nghìn tấn, trị giá trên 298,8 triệu USD.
Tiếp đến là thị trường Campuchia hơn 367,6 nghìn tấn, trị giá hơn 240 triệu USD; thị trường Thái Lan với hơn 159,7 nghìn tấn, trị giá hơn 116,2 triệu USD;…
Năm 2021, ngành thép Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng sản xuất 4-6%. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong quý I, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán tăng lần lượt là 14,4%; 54% so với cùng kỳ năm trước; riêng thép thanh, thép góc giảm 1,6%.