Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp: Chưa có tiếng nói chung

Thứ sáu, ngày 14/10/2011 15:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh được chọn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp triển khai thực hiện từ tháng 7 (theo Quyết định 315 của Chính phủ). Tuy nhiên hiện nay, nhiều tỉnh vẫn cho rằng, rất khó để thực hiện chương trình này.
Bình luận 0

Chưa thống nhất về mức giá

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, mức phí đóng bảo hiểm cho cây lúa ở mức có lợi nhất cho nông dân, khoảng 1% giá trị sản lượng vụ mùa. Thế nhưng, hai doanh nghiệp tham gia bảo hiểm là Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Công ty cổ phần Bảo Minh đề nghị mức phí 4% giá trị vụ mùa nhưng không được chấp nhận.

img
Nông dân vẫn chưa hào hứng với bảo hiểm nông nghiệp.

“Trước tôi có ý kiến rằng 4% giá trị vụ mùa do bên doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra là cao quá cho bà con. Nhưng hiện khi Bộ Tài chính yêu cầu tỉnh tiến hành triển khai bán bảo hiểm cây lúa trong vụ đông xuân tới thì mức phí này vẫn chưa được thống nhất” - ông Đoàn Ngọc Khả - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết.

Theo ông Khả, sau khi các tỉnh “phản ứng” về mức giá 4%, Bảo Minh đã hạ giá xuống còn 2,75%, tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào từ Bộ Tài chính nên vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. “Theo tôi, vụ đông xuân là vụ ít rủi ro, tỷ lệ bồi thường cũng thấp trong khi hè thu, thu đông rủi ro cao hơn rất nhiều. Do đó, có thể tăng mức phí lên cao hơn so với đông xuân vẫn có thể chấp nhận được nhưng sẽ rất khó để thực hiện đại trà” - ông Khả nhận định.

Tại Đồng Tháp, việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cũng còn đang trong giai đoạn khởi động khi hai bên doanh nghiệp và nông dân chưa có được tiếng nói chung về mức phí bảo hiểm. “Nghe Bảo Việt nói sẽ chọn mức giá thấp nhấp có lợi cho nông dân nhưng tỉnh vẫn chưa biết là bao nhiêu. Tỉnh cũng đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện thí điểm để thúc đẩy việc triển khai nhưng có vẻ như công việc đang rất khó khăn” - ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp trăn trở.

Nông dân vẫn chưa “ham”

Ngay khi biết tin tỉnh được chọn làm thí điểm trong chương trình lớn của ngành nông nghiệp cả nước, Đồng Tháp ngay lập tức triển khai các hoạt động tuyên truyền để bà con nông dân hiểu các vấn đề về BHNN. Tuy nhiên đến nay, sau 3 - 4 lần họp mặt kêu gọi bà con nông dân tham gia, ông Quốc vẫn than thở “rất là khó để thực hiện thành công chương trình này”.

Theo ông Quốc, dù được trợ giá từ 60 – 100% mức phí bảo hiểm khi tham gia chương trình, tuy nhiên, bà con nông dân vẫn không hào hứng. “Chỉ hộ nghèo mới được hỗ trợ 100% lệ phí, mà hộ nghèo thì có bao nhiêu đất đâu. Các hộ sản xuất lớn, có diện tích kha khá thì lại không phải là hộ nghèo, phải bỏ ra một khoản không nhỏ trong tình hình chi phí sản xuất tăng cao như hiện nay thì rất khó” -ông Quốc giải thích.

Theo Bộ Tài chính, hai doanh nghiệp được chọn tham gia thí điểm BHNN đều có khả năng tài chính vững mạnh, đủ khả năng chi trả rủi ro cho nông dân với mức lệ phí bảo hiểm thấp nhất. Ngoài ra, khi tham gia BHNN doanh nghiệp sẽ vì lợi ích nông dân là chính, không đặt nặng vấn đề doanh thu.

Hiện nay Đồng Tháp đã chọn được 3 huyện thuộc ba vùng địa lý đặc trưng của tỉnh để triển khai dự án, gồm Tân Hồng, Tháp Mười, Châu Thành. Tuy nhiên, theo Sở NNPTNT Đồng Tháp, việc triển khai trên diện rộng khiến công tác vận động càng khó khăn do cán bộ ít, thời gian không còn nhiều… dẫn tới khả năng thành công sẽ không cao. Ông Quốc cũng cho rằng, chắc chỉ bán được vài hợp đồng trong vụ đông xuân tới.

Tại các tỉnh Bình Thuận, An Giang, Nghệ An… nhiều nông dân cũng không cảm thấy “ham” khi nghe hỏi về thực hiện BHNN. Hơn nữa, mùa lũ vừa qua khiến vỡ nhiều đoạn đê bao ở ĐBSCL, để có thể xuống giống vụ tới, nông dân phải đầu tư sửa chữa đê bao, đắp đập ngăn lũ… việc chi thêm khoản phí đóng bảo hiểm càng trở nên khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem