Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở Hải Phòng: Hộ nghèo cũng chê

Thứ hai, ngày 03/12/2012 11:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sở dĩ các hộ nông dân ở Hải Phòng không muốn tham gia BHNN là do trong quá trình triển khai thí điểm BHNN, đã xảy ra một số tiêu cực.
Bình luận 0

Dù là một trong số những địa phương được chọn làm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013 đối với vật nuôi, song đến thời điểm này tại Hải Phòng, ngay cả những hộ nghèo và cận nghèo (được hỗ trợ 80-100% tiền mua phí bảo hiểm) cũng không mặn mà tham gia.

Mục tiêu khó hoàn thành

Trong giai đoạn thí điểm BHNN, Hải Phòng chỉ thực hiện bảo hiểm đối với 3 đối tượng là lợn, gà và vịt. Mục tiêu của TP. Hải Phòng đến tháng 6.2012 ký xong hợp đồng với 100% hộ chăn nuôi nghèo, từ 60-80% đối với các đối tượng còn lại. Tuy nhiên, hiện mới có rất ít hộ nông dân trong diện nghèo và cận nghèo tham gia ký hợp đồng BHNN với doanh nghiệp.

img
Chậm chi trả bảo hiểm sau thiên tai là một trong những nguyên nhân
khiến người dân không mặn mà với BHNN (ảnh minh họa).

Theo thống kê của Phòng Chăn nuôi (Sở NNPTNT Hải Phòng), tổng số hộ nghèo có chăn nuôi trên địa bàn các xã thí điểm là 376 hộ, hộ cận nghèo là 263 hộ và hộ thường là 2.630 hộ. Đến hết tháng 10, Công ty Bảo Minh Hải Phòng (đơn vị thực hiện ký hợp đồng BHNN với nông dân) mới ký hợp đồng được với 376 hộ nghèo và 19 hộ cận nghèo, với tổng phí bảo hiểm là gần 167 triệu đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hộ nghèo 100% phí (trên 165 triệu đồng).

Mặc dù một số quy định về bồi thường BHNN đã được sửa đổi, song số người tham gia ở Hải Phòng theo đánh giá vẫn còn rất ít và mục tiêu triển khai thí điểm sẽ khó đạt được. Điều này, cũng được ông Nguyễn Trường Giang- cán bộ Công ty Bảo Minh Hải Phòng xác nhận: “Ngay cả hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, họ cũng e ngại không muốn ký hợp đồng tham gia BHNN”.

Đã có biểu hiện tiêu cực

Theo tìm hiểu của NTNN, sở dĩ các hộ nông dân ở Hải Phòng không muốn tham gia BHNN là do trong quá trình triển khai thí điểm BHNN, đã xảy ra một số tiêu cực. Cụ thể, một số cấp chính quyền cơ sở đã để mất niềm tin đối với nông dân khi lúng túng trong việc xét duyệt tiêu chí hộ nghèo. Có những xã, như ở Khởi Nghĩa và một số xã khác thuộc Tiên Lãng, hộ nghèo có chăn nuôi nhưng không đủ điều kiện ký hợp đồng đã bị chính quyền đưa hộ khác vào “thế chân” nhằm hưởng lợi từ phí hỗ trợ. Riêng xã Khởi Nghĩa, đến nay Công ty Bảo Minh Hải Phòng vẫn chưa chốt được danh sách hộ nghèo tham gia BHNN do địa phương báo lên, bởi người dân vẫn thắc mắc, không đồng tình.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó phòng Chăn nuôi (Sở NNPTNT Hải Phòng) cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về công tác này. Đồng thời, cũng đề nghị chính quyền địa phương cần rút kinh nghiệm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình triển khai thí điểm BHNN”.

Bên cạnh đó là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền khi thiên tai xảy ra, chưa kịp thời thống kê, báo cáo những tổn thất để cơ quan bảo hiểm xác minh, giải quyết bồi thường thiệt hại. Bằng chứng, cơn bão số 8 vừa qua, gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi.

Theo quy định, khi thiên tai xảy ra, chậm nhất 2 ngày, sau khi hộ dân thông báo chính quyền cơ sở, chính quyền phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm để trong vòng 30 ngày phải hoàn tất hồ sơ, thủ tục để bồi thường. Thế nhưng, ông Nguyễn Trường Giang cho biết, “Mặc dù chúng tôi đã có công văn gửi xuống các xã, song đã hơn 1 tháng trôi qua, Công ty Bảo Minh Hải Phòng mới chỉ nhận được báo cáo thiệt hại của 2 địa phương”.

Một cản trở nữa trong việc thí điểm BHNN ở Hải Phòng là mức phí vẫn còn quá cao. Bà Nguyễn Thị Đào, hộ chăn nuôi ở xã Lê Lợi, huyện An Dương bày tỏ: “Gia đình tôi nuôi lợn thịt, mỗi lứa nuôi kéo dài 4 tháng. Nếu tham gia BHNN phải đóng phí tới 300.000 đồng/con, trong khi xuất bán, trừ chi phí, chỉ còn lãi 100.000 đồng/con. Như vậy, lấy đâu tiền để đóng phí bảo hiểm cho lợn?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem