Thí điểm chỉ định thầu đền bù, giải phóng mặt bằng: “Bịt” cửa xin - cho, trục lợi chính sách thế nào?

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 08/01/2022 12:04 PM (GMT+7)
Tại Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV tuần qua, Chính phủ đã trình quốc hội 3 chính sách đặc thù đối với dự án đầu tư công trong phạm vi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có thí điểm chỉ định thầu trong một số gói thầu.
Bình luận 0

Một trong những cơ chế đặc thù nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chính là chính sách thí điểm áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; chỉ định thầu xây lắp kèm theo yêu cầu tiết kiệm khoảng 5% dự toán giá trị gói thầu để đẩy nhanh công tác đấu thầu và có thể lựa chọn được các nhà thầu tốt, nhất là các nhà thầu mạnh, đã thực hiện tốt các gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các doanh nghiệp xây dựng có uy tín; cho phép chủ đầu tư thỏa thuận với nhà thầu trong hợp đồng mức thưởng tiến độ từ kinh phí tiết kiệm được cho các nhà thầu hoàn thành sớm tiến độ gói thầu từ 3 tháng trở lên.

Thí điểm chỉ định thầu đền bù, giải phóng mặt bằng: “Bịt” cửa xin - cho, lợi ích nhóm cách nào? - Ảnh 1.

Chính phủ trình Quốc hội chính sách đặc thù: Thí điểm áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư... (Ảnh : QH)

Mặt trái của chỉ định thầu là cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm

Mặc dù nhận được sự tán thành cao, song nhiều đại biểu vẫn chưa hết băn khoăn khi Chính phủ cho phép thí điểm áp dụng hình thức chỉ định thầu trong những trường hợp kể trên.

Đến từ Lâm Đồng, ĐBQH Trần Đình Văn cho biết, đấu thầu rộng rãi về lý thuyết là hình thức tốt được áp dụng nhằm lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, tính minh bạch cao và khả năng hấp dẫn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam cho thấy, việc đấu thầu chưa chắc đã chọn được nhà thầu, nhà đầu tư tốt.

"Đấu thầu không phải là chìa khóa vạn năng. Hiện nay, quân xanh, quân đỏ, sự bất công giữa bên trúng thầu và người thực hiện thầu là những vấn đề tiêu cực từ đấu thầu đã được minh chứng trong thời gian qua", đại biểu Văn nói.

Từ thực tiễn, theo vị đại biểu này việc chỉ định thầu trong một số trường hợp là cần thiết, nếu thật sự cần có tư duy mạnh mẽ, đổi mới, hoàn thành các dự án trọng điểm, cấp bách.

Tuy nhiên, mặt trái của chỉ định thầu là tiêu cực như cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm, dễ phát sinh tình trạng thông thầu, khó thực hiện, đặc biệt là đối với dự án giao thông, tạo ra sự không công bằng, không bình đẳng trong việc thực hiện dự án đầu tư.

Có thể nói, việc đấu thầu hay chỉ định thầu đều có ưu điểm và hạn chế, ĐBQH đồng ý với phương án chỉ định thầu trong dự thảo, nhưng không coi là hình thức thay thế đấu thầu một cách hoàn toàn.

Theo đó, chỉ nên áp dụng đối với một số dự án và phải đưa ra tiêu chí, điều kiện rất cụ thể, phạm vi, loại dự án được áp dụng, giới hạn thời gian áp dụng nhằm hạn chế việc chỉ định thầu tràn lan. Việc chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư có thể khả thi. Tuy nhiên, chỉ định thầu xây lắp là không cần thiết.

Hai là, cho phép chủ đầu tư được quyền chọn theo hình thức chỉ định hay là hình thức khác. Việc cho chọn quyền sẽ thúc đẩy hiệu quả và thu hút các nhà đầu tư có năng lực thật sự.

Riêng đối với chính sách thí điểm hình thức chỉ định thầu kèm theo điều kiện tiết kiệm 5%, theo ông Văn yêu cầu tiết kiệm 5% là thiếu cơ sở, không cần thiết.

Thí điểm chỉ định thầu đền bù, giải phóng mặt bằng: “Bịt” cửa xin - cho, lợi ích nhóm cách nào? - Ảnh 3.

ĐBQH Trần Đình Văn lo ngại về cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm trong chỉ định thầu. (Ảnh: Qh)

ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp thì cho rằng, về kết cấu hạ tầng giao thông, chính sách thí điểm hình thức chỉ định thầu kèm theo điều kiện tiết kiệm 5% giá dự toán là thấp, cần tính toán lại để tránh nhà thầu cấu kết với tư vấn trục lợi, thiệt hại ngân sách.

Tuy nhiên, chính sách này chỉ áp dụng trong 2 năm là khó khả thi, vì trong dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã khó khả năng thực hiện, vì thời gian ngắn, vừa xây lắp, vừa giải phóng mặt bằng, vừa thi công sẽ khó đạt theo tiến độ mong muốn, lúc đó sẽ tiếp tục gia hạn làm chính sách kém hiệu quả. Đại biểu kiến nghị, cần có thời gian thí điểm dài hơn để thực hiện.

Dù tán thành với quy định tại dự thảo Nghị quyết, song ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) Chính phủ có phải có quy định chặt chẽ và có cơ chế trách nhiệm cụ thể. Đồng thời, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc lựa chọn chỉ định thầu, bảo đảm nhà thầu phải có năng lực, có kinh nghiệm đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.

Đảm bảo công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm

Đề cập về cơ chế chính sách đặc thù này, tại phiên thảo luận trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là những quy định mới chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nhưng Chính phủ trình Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện đối với các dự án thuộc chương trình và việc thực hiện các chương trình này cũng sẽ giúp rút ngắn thời gian với công tác đấu thầu các dự án đầu tư công, đấu giá quyền khai thác các dự án khoáng sản và cấp phép.

Các cơ chế chính sách đặc thù này cũng thu hút sự tham gia của các địa phương trong việc thực hiện các dự án đường cao tốc đi qua tại địa phương mình như công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, cấp phép mỏ vật liệu, bảo đảm cung cấp vật liệu cho dự án... 

Để đảm bảo các chính sách đặc thù được thực hiện hiệu quả, Bộ trưởng Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện, huy động sự tham gia ngay từ đầu của kiểm toán nhà nước và các cơ quan chức năng để đảm bảo công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội sau khi kết thúc chương trình.

Thí điểm chỉ định thầu đền bù, giải phóng mặt bằng: “Bịt” cửa xin - cho, lợi ích nhóm cách nào? - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: QH)

Do quy mô của chương trình khá lớn, Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp để kiểm soát rủi ro có thể xảy ra, nhất là về áp lực lạm phát gia tăng trong năm 2022 -2023 do tổng lực các biện pháp hỗ trợ và tác động từ bên ngoài. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới, kịp thời có chính sách phù hợp để kiểm soát lạm phát.

"Để nâng cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, xin cho, lợi ích nhóm... tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, nhất là trước trong và quá trình xây dựng chương trình. Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan liên quan vào cuộc ngay từ đầu việc triển khai các cơ chế chính sách đặc thù, nhất là chỉ định thầu, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm năng suất, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý", Bộ trưởng Dũng báo cáo.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định, thực hiện quyết liệt, khơi thông các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, tập trung nâng cao hơn nữa năng lực quản trị quốc gia, hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật; giải quyết các vướng mắc thủ tục hành chính, giải quyết bất cấp, cản trở doanh nghiệp phát triển...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem