Thị trường cà phê: Giá hồi phục tới 1.400 đồng/kg
Phiên đầu tuần 21, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên lao dốc mạnh, có nơi mất mốc 30.000 đồng/kg. Thị trường trong nước giao dịch ảm đạm, nông dân và doanh nghiệp thua lỗ, đời sống khó khăn. Hai phiên tiếp theo, giá bật tăng trở lại, đưa giá lên trên 31.000 đồng/kg. Giá trồi sụt cho đến cuối tuần và chốt ở 31.100 – 31.700 đồng/kg. Như vậy, tính chung cả tuần, giá cà phê đã hồi phục tới 1.400 đồng/kg.
Giá cà phê đạt mức thấp nhất 6 năm trong tháng này do những lo ngại mới về cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung và hoạt động bán tăng mạnh từ Brazil. Mức chênh lệch trừ lùi giá cà phê đen vỡ 5% loại 2 của Việt Nam ổn định ở mức 45 USD/ tấn so với hợp đồng tháng 7 tại London. Tại Indonesia, mức cộng cà phê loại 4 (80 hạt lỗi) so với hợp đồng tháng 7/2019 tại London ổn định ở mức 200 – 240 USD so với tuần trước đó. Nguồn cung đang tăng lên do vụ thu hoạch đang diễn ra nhưng nhu cầu vẫn còn yếu.
Theo dữ liệu báo cáo sơ bộ của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê nửa đầu tháng Năm đạt 63.977 tấn (tương đương 1.066.283 bao), xấp xỉ mức dự kiến của giới thương nhân xuất khẩu. Giá bình quân xuất khẩu đạt mức 1.628 USD/tấn.
Nguồn cung dồi dào vẫn gây áp lực lớn lên thị trường cà phê toàn cầu. Bộ Thương mại Brazil cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 4 đạt 2.684.380 bao, tăng 735.355 bao (tương đương mức tăng 37,7%) so với cùng kỳ năm 2018. Đây là tháng thứ 7 xuất khẩu cà phê của Brazil tăng mạnh. Đồng real Brazil mất giá so với đồng USD khiến người trồng cà phê Brazil tăng bán, gây áp lực dư cung lên thị trường khiến giá cà phê giảm sâu.
Tại Colombia, cà phê chất lượng cao cũng được thu hoạch nhiều. Dự kiến, sản lượng cà phê thu hoạch của Colombia trong tháng 4 tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 1,03 triệu bao. Tại Mê-hi-cô, Chính phủ nước này có kế hoạch trồng mới 200.000ha cà phê để tạo thêm 80.000 việc làm ổn định.
Ngân hàng Rabobank dự báo thị trường cà phê toàn cầu sẽ dư thừa 5,4 triệu bao trong niên vụ 2018/19, nhưng chỉ thặng dư 1,8 triệu bao cho vụ 2019/20, do giá thấp hơn sẽ hạn chế trồng trọt trong năm tiếp theo.
Áp lực thu hoạch vụ mùa mới kết hợp với đồng real của Brazil suy yếu, giảm gần 4% trong vòng hơn 1 tháng qua, khiến người Brazil đẩy mạnh bán ra hàng vụ cũ lẫn vụ mới vì họ thu về được nhiều nội tệ, bất chấp giá cà phê kỳ hạn thế giới đang giảm sâu khiến nông dân nhiều nước sản xuất phải bán cà phê dưới giá thành sản xuất.
Bên cạnh là vấn đề Brexit dai dẳng, chưa có thỏa thuận và đồng Bảng Anh giảm xuống mức thấp nhiều năm so với đồng Euro trước nguy cơ Bà Thủ tướng đương nhiệm có khả năng sẽ sớm rời khỏi chính trường. Trong khi đó căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang cũng khiến đầu cơ chuyển vốn sang các kênh đầu tư an toàn cũng làm giá cà phê suy yếu thêm.