Thị trường đất đấu giá vùng ven Hà Nội sôi động: Cảnh báo hiện tượng "sốt đất ảo" sau đấu giá

Thái Nguyễn Chủ nhật, ngày 18/09/2022 18:45 PM (GMT+7)
Thị trường đất đấu giá vẫn sôi động bất chấp diễn biến chung trầm lắng. Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội, mức khởi điểm cho những lô đất đấu giá ghi nhận ở mức cao, có nơi gần 65 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo hiện tượng “sốt đất ảo” sau đấu giá lại tái diễn.
Bình luận 0

Thị trường đất đấu giá vùng ven Hà Nội sôi động

Tại một số huyện ngoại thành Hà Nội, thị trường đất đấu giá tiếp tục "nóng lên" bất chấp tinh hình chung thị trường bất động sản đang trầm lắng.

Đơn cử, tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội sắp tổ chức đấu giá 20 thửa đất có mức giá khởi điểm từ 26,5 triệu đồng/m2 đến 64,3 triệu đồng/m2. Theo đó, huyện Đông Anh sẽ đấu giá quyền sử dụng đất tại điểm X4, thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh với một thửa đất và quyền sử dụng đất tại điểm X1 xã Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh với 19 thửa đất. Diện tích các thửa đất từ 52,71 m2 đến 129,55 m2. Trong đó, 20 thửa đất có mức giá khởi điểm từ 26,5 triệu đồng/m2 đến 64,3 triệu đồng/m2.

Thời gian, địa điểm tổ chức kiểm tra thực địa diễn ra trong hai ngày 26/9 và 27/9. Thời gian, địa điểm đấu giá diễn vào ngày 1/10 tại hội trường Trung tâm chính trị huyện Đông Anh.

Xã Đông Hội, huyện Đông Anh là một trong những xã có đất đấu giá với giá khởi điểm từ 26,5 triệu đồng/m2 đến 64,3 triệu đồng/m2 (Ảnh: TN)

Xã Đông Hội, huyện Đông Anh là một trong những xã có đất đấu giá với giá khởi điểm từ 26,5 triệu đồng/m2 đến 64,3 triệu đồng/m2 (Ảnh: TN)

Còn tại huyện Sóc Sơn, UBND huyện chuẩn bị tiến hành đấu giá 12 thửa đất có vị trí tại thôn Hương Đình Đoài và Hương Đình Đông, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Cụ thể, từ thửa đất số 1 đến thửa đất số 11 đều có diện tích 95m2 và có giá khởi điểm là 41 triệu đồng/m2. Ở các thửa này, người tham gia đấu giá phải đặt trước 779 triệu đồng/thửa. Còn thửa đất số 12, diện tích 128m2, giá khởi điểm 41 triệu đồng/m2 và phải đặt trước 1 tỷ đồng.

Mật độ xây dựng tối đa của các thửa đất là 80%. Tầng cao tối đa xây dựng đối với 12 thửa đất đấu giá theo quy định là 6 tầng. Mục đích sử dụng đất là đất ở. Thời hạn sử dụng đất là ổn định, lâu dài. Hình thức sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng. Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, phương thức trả giá lên. Thời gian tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá từ 16/9/2022 đến 17h ngày 29/9/2022. Dự kiến vào ngày 2/10/2022, cuộc đấu giá sẽ được thực hiện tại trụ sở UBND huyện Sóc Sơn.

Thị trường đất đấu giá "nóng lên", cận trọng hiện tượng "sốt đất ảo"

Gần đây cơn "sốt đất" lại tiếp tục có sự chuyển biến mới do nhiều quận huyện ngoại thành như: Đông Anh, Mê Linh, Ba Vì, Sóc Sơn, Hoài Đức,… đã tổ chức đấu giá đất.

Đáng chú ý nhất là huyện Mê Linh, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh, TP Hà Nội phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp Danh đấu giá Việt Nam tổ chức thành công phiên đấu giá 33 lô đất tại điểm X1, tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông. Theo đó, 33 lô đất đã thu hút 270 lượt khách hàng tham gia đấu giá. Kết quả, cả 33 lô đất đã được đấu giá thành công, thu về gần 226 tỷ đồng, chênh gần 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Kết quả đấu giá cho thấy, lô đất có mức giá trúng cao nhất 93 triệu đồng/m², tương đương gần 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một lô góc có mức giá trúng đấu giá là 87,2 triệu đồng/m², tương đương 16,8 tỷ đồng, chênh 8,3 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Một số nhà đầu tư cho rằng có nhiều trường hợp tham gia đấu giá chỉ với mục đích lấy bất động sản để kinh doanh bán lại, kiếm lời. Giá đất có tăng cao nhưng thực tế bán lại cũng khó có người mua.

Anh Thanh Nam, một nhà đầu tư bất động sản nhiều kinh nghiệm cho rằng các khu đất chuẩn bị mang ra đấu giá luôn được dân đầu cơ "giám sát" chặt chẽ. Họ sẽ mua đất xung quanh khu vực dự án chuẩn bị đấu giá với giá thấp, sau đó làm thủ tục đăng ký đấu giá. Khi đấu thì bỏ giá rất cao nhằm đẩy giá đất trong khu vực tăng cao, rồi âm thầm bán ra thu lời từ những khu đất đã mua, sau đó sẵn sàng bỏ cọc.

"Điều này lý giải cho hiện tượng, thị trường càng trầm lắng thì dân buôn đất tham gia các phiên đấu giá đất càng tích cực. Thông tin các lô đất được mua giá cao đã kích động tâm lý kỳ vọng về một mặt bằng giá mới ở khu vực đó", anh Nam chia sẻ.

Huyện Đông Anh thời gian qua tổ chức nhiều phiên đấu giá đất (Ảnh: TN)

Huyện Đông Anh thời gian qua tổ chức nhiều phiên đấu giá đất (Ảnh: TN)

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt nam cho biết đấu giá đất tăng cao là câu chuyện hiển nhiên, nhưng quan trọng sau khi tăng giá cao thì liệu có người mua hay không. Thực tế bây giờ đấu giá xong có ít người lấy bất động sản đó sử dụng để ở, mà đa phần đấu để lấy bất động sản đó mang kinh doanh bán lại.

"Đấu giá đất đang bị lợi dụng để thao túng thị trường. Hành vi thao túng thị trường thông qua đấu giá đất sẽ làm cho thị trường méo mó, làm lũng đoạn thị trường, rõ ràng là không tốt. Mặc dù chúng ta đã có những quy định pháp luật về việc đấu giá, nhưng vẫn có những lỗ hổng trong đấy, đặc biệt là việc lợi dụng các hoạt động đấu giá để trục lợi, để thao túng thị trường thì chưa có những quy định gì để xử lý", ông Đính chia sẻ.

Thực tế đã cho thấy, giới kinh doanh địa ốc có nhiều chiêu bài để kích giá, tạo cơn sốt đất, nhằm thu được lợi nhuận cao trong các hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại đất đai. Một số doanh nghiệp trả giá "trên trời", cao gấp nhiều lần giá thị trường, sau đó bỏ cọc thì đó lại là điều rất bất thường, không minh bạch, đặt ra nhiều hoài nghi trong dư luận xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem